Phát triển kinh tế biển, phải bảo vệ nhà đầu tư

 

Diễn dàn Kinh tế biển Việt Nam 2011 (VMEF 2011) đã chính thức khai mạc hôm qua - 8/6 tại TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Trong bối cảnh căng thẳng trên biển Đông, các thảo luận tại diễn đàn được trông đợi sẽ gợi mở nhiều sáng kiến để “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” được thực hiện có hiệu quả.

 Diễn dàn Kinh tế biển Việt Nam 2011 (VMEF 2011) đã chính thức khai mạc hôm qua - 8/6 tại TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Trong bối cảnh căng thẳng trên biển Đông, các thảo luận tại diễn đàn được trông đợi sẽ gợi mở nhiều sáng kiến để “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” được thực hiện có hiệu quả.

Không xứng tiềm năng

Từ nhiều năm qua, các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Nhật  Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,Singapore… đều đã ráo riết thực thi các chiến lược khai thác tiềm năng kinh tế biển. Dự báo trong một vài thập kỷ tới, khi các nguồn tài nguyên trên đất liền ngày càng bị cạn kiệt…, kinh tế biển và hải đảo sẽ càng đóng vai trò sống còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới.

Phát triển kinh tế biển, phải bảo vệ nhà đầu tư ảnh 1
 

Tại Việt Nam, Hội nghị lần thứ tư ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Mục tiêu tổng quát là đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm cho đất nước giàu mạnh. Mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước.

Tuy nhiên, thát biểu tại VMEF 2011, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức chỉ rõ, nhìn nhận thực tiễn triển khai Chiến lược biển cũng như việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế biển ở nước ta cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc.

 “Chúng ta chưa tổ chức được một cách khoa học và kiểm soát được không gian vùng biển của mình, chưa tổ chức nghiên cứu và nắm được các quy luật và điều kiện tự nhiên và môi trường biển một cách có hệ thống và chưa có khả năng dự báo các quy luật trên để phục vụ cho các cuộc khai thác biển. Chúng ta cũng chưa có được nguồn nhân lực mạnh và một hạ tầng kỹ thuật cần thiết, nhất là các phương tiện, máy móc hiện đại khảo sát nghiên cứu để phục vụ cho sự phát triển kinh tế biển” – ông Đức nói.

Theo nhận xét thẳng thắn của PGS-TSKH Nguyễn Văn Cư, Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, “sự phát triển của kinh tế biển Việt Nam còn chưa tương xứng với tiềm năng”. Ông Cư cho rằng, cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn yếu kém; hệ thống cảng biển nhỏ bé, thiết bị khá lạc hậu.

Bảo vệ nhà đầu tư

“Kinh tế biển Việt Nam không chỉ tụt hậu so với các nước lớn mà còn lép vế so với các nước trong khu vực. Hiện lượng hàng hóa thông qua cảng biển tính trên đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/140 của Singapore, 1/7 của Malaysia và 1/5 của Thái Lan” - Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thừa nhận.

Trong bối cảnh đó, lại xuất hiện những diễn biến mới trên biển Đông. Ngày 26/5, lúc đang làm nhiệm vụ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tàu Bình Minh 02 đã bị 3 tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp địa chấn, cản trở hoạt động thăm dò trong vùng biển Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán. 5 ngày sau đó, tàu cá của thuyền trưởng Lê Văn Giúp khi đang đánh bắt ở gần đảo Đá Đông (trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam) cũng đã bị 3 tàu quân sự của Trung Quốc bắn đuổi.

Những căng thẳng trên biển Đông chắc chắn  cũng sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý của các nhà đầu tư quốc tế.

Vì vậy, tình hình mới đang đặt thêm những nhiệm vụ mới trong việc thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”.  Thủ tướng Chính phủ đã tán thành đề án thành lập lực lượng kiểm ngư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Xua tan mối quan ngại của nhà đầu tư, Bộ trưởng – Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cũng tuyên bố:  "Chúng tôi sẽ có giải pháp đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi hợp tác thăm dò dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam".

Là quốc gia có 3 mặt hướng ra biển với bờ biển dài 3.260 km và sở hữu một vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, nhưng trước mắt Việt Nam sẽ phải vượt qua nhiều thử thách để có thể dong buồm ra khơi trong “thế kỷ của đại dương”.

Ngọc Thanh - Hùng Lượng

Đọc thêm