Phát triển mạnh thương mại điện tử góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thương mại điện tử đang là cấu phần quan trọng nhất của nền kinh tế số Việt Nam. Do đó, cần có các cơ chế, biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như các địa phương đẩy mạnh thương mại điện tử, trước sự cạnh tranh cực lớn từ quốc gia láng giềng.
Bà Lê Hoàng Oanh phát biểu tại Diễn đàn chuyển đổi số ngành Công Thương. (Ảnh: PV).
Bà Lê Hoàng Oanh phát biểu tại Diễn đàn chuyển đổi số ngành Công Thương. (Ảnh: PV).

Thương mại điện tử là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số

Phát biểu tại Diễn đàn Chuyển đổi số ngành Công Thương (tổ chức ngày 21/11), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Thanh Hoài cho biết, quy mô nền kinh tế số (KTS) Việt Nam sẽ đạt 36 tỷ USD trong năm 2024, tăng 16% so với năm 2023. Trong đó, thương mại điện tử (TMĐT) vẫn tiếp tục là trụ cột khi đóng góp 22 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và chiếm 61% tổng quy mô nền KTS. Theo các đơn vị nghiên cứu, tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam dự kiến tiếp tục ổn định nhờ vào lĩnh vực sản xuất và chế biến, cũng như xuất khẩu.

Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục TMĐT và KTS (Bộ Công Thương) thông tin, TMĐT Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng tích cực ở mức 16 - 30%/năm. Báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company công bố ngày 5/11 vừa qua cho thấy, tăng trưởng tổng giá trị hàng hóa (hay còn gọi là tổng giá trị giao dịch) của KTS tại Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi TMĐT. TMĐT tăng trưởng ấn tượng 18%, từ 19 tỷ USD năm 2023 lên 22 tỷ USD năm 2024, dự kiến đạt khoảng 63 tỷ USD vào năm 2030.

“Kết quả này nhấn mạnh TMĐT ngày càng khẳng định là lĩnh vực tiên phong, là cấu phần quan trọng của nền KTS và là động lực phát triển kinh tế tại Việt Nam”, bà Oanh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, TMĐT của Việt Nam đang gặp thách thức cực lớn từ quốc gia láng giềng. Theo ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ KTS và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), TMĐT xuyên biên giới của Trung Quốc tăng trưởng rất mạnh với các nền tảng như Tiktok shop (hiện đang chiếm ưu thế tại Việt Nam) và các nền tảng đang “dồn sức” vào thị trường Việt như Temu, Shein… Các nền tảng này đều có tốc độ tăng trưởng từ 125 - 233% tại Trung Quốc trong năm 2024. Trung Quốc hiện cũng đã phát triển mạnh mẽ các hạ tầng cho TMĐT như có 1.000 khu công nghiệp TMĐT, 165 khu thí điểm toàn diện về TMĐT xuyên biên giới; 120.000 đơn vị TMĐT xuyên biên giới; 2.500 nhà kho ở nước ngoài với diện tích hơn 30 triệu m2.

Cần làm gì để doanh nghiệp phát triển mạnh thương mại điện tử?

Theo ông Trần Đình Toản - Phó Chủ tịch OSB Group, đại lý ủy quyền của Alibaba tại Việt Nam nhận định, sự chênh lệch giữa các DN tại các địa phương trong việc ứng dụng TMĐT đang giảm dần nhờ hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức hỗ trợ DN trong và ngoài nước. Các DN ở vùng sâu, vùng xa ngày càng có cơ hội tham gia xuất khẩu thông qua TMĐT.

Tuy nhiên, cần phải nâng cao năng lực DN thông qua tổ chức các chương trình đào tạo về kỹ năng vận hành TMĐT, bao gồm quản lý gian hàng, tối ưu hóa marketing số, logistics và quản lý thanh toán; Hỗ trợ DN phát triển TMĐT từ các tư vấn chuyên sâu như hỗ trợ DN nắm bắt xu hướng mới, xây dựng chiến lược xuất khẩu thông qua TMĐT một cách bài bản. Bên cạnh đó, vẫn phải thực hiện các hoạt động quảng bá và hỗ trợ sản phẩm thương hiệu quốc gia; Tăng cường quảng bá các sản phẩm, DN xuất khẩu chủ lực có uy tín; Phát triển các gian hàng quốc gia lên các nền tảng TMĐT quốc tế.

Đáng chú ý, theo ông Toản, cần cập nhật công nghệ thường xuyên thông qua việc trang bị cho DN kiến thức về các công nghệ mới như Big Data, AI, VR&AR, Blockchain... để tối ưu hóa hoạt động trên TMĐT. Ngoài ra, cần phối hợp tổ chức các sự kiện trực tuyến như hội chợ ảo, hội chợ thực tế ảo... và đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.

Song song đó, Chính phủ cũng cần đẩy mạnh các chính sách khuyến khích, hỗ trợ chi phí cho DN tham gia xuất khẩu qua TMĐT; cần thiết lập cơ chế hợp tác, kết hợp giữa Nhà nước và các DN công nghệ trong việc xây dựng hạ tầng TMĐT, logistics, thanh toán quốc tế...

Đọc thêm