Có thể thu về hơn 2 tỷ USD từ xuất khẩu cá tra
Nói về tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra, đại diện Tổng cục Thủy sản ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho biết, đầu năm 2018, ngành hàng cá tra tiếp tục đối mặt với một số khó khăn từ các rào cản của thị trường nhập khẩu.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố 9 doanh nghiệp nằm trong nhóm hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu mức thuế chống bán phá giá cao kỷ lục (từ 3,87 - 7,74 USD/kg), rút ngắn thời hạn đánh giá tương đương, tổ chức thanh tra thực địa đã gây không ít khó khăn cho hoạt động xuất khẩu. Ngoài ra, xuất khẩu cá tra vào thị trường EU tiếp tục giảm sút do tác động từ các thông tin truyền thông bất lợi năm 2017 và Ả rập Xê út tiếp tục tạm dừng nhập khẩu các sản phẩm thủy sản Việt Nam.
Tuy nhiên, do thời tiết khá thuận lợi, sự vào cuộc của các ngành chức năng, người dân và doanh nghiệp nên hoạt động sản xuất, xuất khẩu cá tra phát triển rất tốt. Các tháng đầu năm 2018, ngành hàng cá tra tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Giá cá giống, giá cá nguyên liệu tiếp tục duy trì ở mức cao.
Hiện giá cá giống, cá nguyên liệu giảm nhưng vẫn giữ ở mức có lãi. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội VASEP cho biết: “Việc xuất khẩu cá tra từ đây đến cuối năm sẽ mang về cho Việt Nam hơn 2 tỷ USD là điều chắc chắn”. Để tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, các bộ, ngành TƯ, địa phương đã tăng cường phối hợp thực hiện và kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của các thị trường “khó tính”.
Ngoài ra, ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết thêm, ngay sau khi chương trình thanh tra cá da trơn được ban hành, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ để thực hiện các hoạt động hợp tác kỹ thuật, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương Việt Nam để triển khai hài hòa giữa hoạt động hợp tác kỹ thuật với vận động ngoại giao và đấu tranh pháp lý nhằm đảm bảo duy trì xuất khẩu cá da trơn vào Hoa Kỳ.
Nhìn chung, FSIS ghi nhận hệ thống văn bản pháp lý của Việt Nam trong kiểm soát an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá da trơn sang Hoa Kỳ cơ bản phù hợp với các quy định của FSIS, không phát hiện sai lỗi nghiêm trọng. Về cơ bản, một số sai lỗi cụ thể nêu tại dự thảo báo cáo thanh tra đều là những lỗi đơn lẻ, cục bộ có thể khắc phục nhanh chóng.
Chọn con giống tốt để đảm bảo chất lượng khi thu hoạch
Để sản xuất và tiêu thụ cá tra đạt hiệu quả cao, một trong những vấn đề cần được đặc biệt quan tâm và siết chặt là khâu cá giống. Vấn đề lo ngại nhất của các doanh nghiệp và người nuôi cá là lo ngại gặp phải những cá giống bệnh, công nghệ ươm nuôi chưa áp dụng khoa học, kỹ thuật.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Vĩnh Hoàn cho rằng, việc cải tiến chất lượng con giống là vấn đề cốt yếu. Theo đó, bà đề nghị cần tạo ra con giống trái mùa với công nghệ cao, hạn chế dịch bệnh. Bên cạnh đó, Bộ cần hỗ trợ công tác truyền thông, quảng bá mạnh hơn nữa về hình ảnh cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đồng ý quan điểm trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Nhất giống, nhì môi, tam mồi, tứ kỹ”. Từ đó, khuyến khích bà con nên lựa chọn con giống tốt để đảm bảo chất lượng khi thu hoạch. Theo Bộ trưởng Cường, An Giang và Đồng Tháp là hai tỉnh có ưu thế nhất trong 7 tỉnh nuôi cá tra trọng điểm. Bộ trưởng cũng hoan nghênh việc làm của Tập đoàn Việt - Úc khi áp dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất con giống sạch, mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, việc tạo ra con giống tốt đã góp phần rất quan trọng tạo nên sự thành công ngành cá tra Việt Nam. “Ngành hàng cá tra đang phát triển vượt bậc là do tận dụng tốt yếu tố tự nhiên để phát triển. Trong thời gian tới, phải mở rộng mô hình nuôi cá tra vượt con số 5.000 ha như hiện nay. Hiện, xu thế trên thế giới đang hướng tới ăn thủy sản, trong đó có cá tra. Chúng ta phải biết tận dụng xu thế đó để phát triển ngành hàng cá tra quy mô, hiện đại nhất có thể”, Bộ trưởng khẳng định.
Cá tra đã có mặt tại 72 quốc gia trên thế giới
Nói về tình hình sản xuất cá tra ở An Giang, ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Trên địa bàn An Giang có diện tích khoảng 897 ha nuôi cá tra thương phẩm, tăng 9,19% so cùng kỳ 2017. Tình hình xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt gần 59.000 tấn, tương đương khoảng 140 triệu USD. Xét về lượng chỉ bằng 97,7% nhưng về kim ngạch xuất khẩu tăng 22,3% so với cùng kỳ 2017; hiện xuất sang thị trường của 72 nước trên thế giới. Thị trường Châu Á 29 nước, Châu Mỹ 14 nước, Châu Âu 19 nước, 7 nước Châu Phi và 3 nước Châu Đại Dương. Đứng đầu thị trường xuất khẩu thuỷ sản là Trung Quốc, Mê-hi-cô, Thái Lan, Ả rập Xê út.