Nhiều thành tựu trên mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội
Dự Hội thảo có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng.
Cùng dự còn có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lê Huy Vịnh; Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lê Quốc Hùng cùng gần 500 đại biểu.
Phát biểu chào mừng, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, ngay sau ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954), Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội đã nỗ lực, quyết tâm tái thiết Thủ đô, đẩy mạnh sản xuất, khôi phục đời sống kinh tế - xã hội.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Hà Nội là hậu phương lớn cùng miền Bắc xã hội chủ nghĩa kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam, với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.
Càng tự hào hơn, Hà Nội đã làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, tiêu biểu cho ý chí và bản lĩnh Việt Nam, được dư luận quốc tế công nhận là chiến thắng của lương tri và phẩm giá con người.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Hà Nội đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, toàn diện, đạt được nhiều thành tựu trên mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội. Đến nay, GRDP bình quân đầu người đạt gần 6.300 USD, gấp hơn 130 lần so với năm 1954. Quy mô nền kinh tế đạt khoảng 55 tỷ USD, đóng góp khoảng 16% GDP và 19% tổng thu ngân sách của cả nước.
|
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội thảo. |
Các giá trị văn hóa được phát huy, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng vươn lên của mỗi người dân Thủ đô. Bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. TP Hà Nội được quốc tế vinh danh và công nhận là “TP Vì hòa bình”, “TP sáng tạo”.
Thủ đô Hà Nội giữ vai trò là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế. Định hướng phát triển của Hà Nội sẽ trở thành đô thị thông minh, hiện đại, phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy Vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển.
Hướng tới những tầm nhìn mới, khát vọng mới
Phát biểu đề dẫn, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, 70 năm qua, từ thực tiễn xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô đã dệt kết nên những bài học kinh nghiệm quý. Hội thảo là dịp để nhìn lại, khẳng định tầm vóc, giá trị của những dấu mốc quan trọng và đúc rút bài học kinh nghiệm trong tiến trình lịch sử của Hà Nội 70 năm qua.
Từ đó, hướng tới những tầm nhìn mới, khát vọng mới, xây dựng Thủ đô bản sắc, hiện đại và hội nhập, cùng cả nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, cùng với cả nước, Hà Nội đang bừng sáng với một tư thế, diện mạo, sức sống mới, khẳng định vị trí trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn hội thảo. |
Điều đó mang đến những cơ hội mới, động lực mới để Hà Nội hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 là TP Văn hiến - Văn minh - Hiện đại; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Với nhiều góc nhìn khác nhau trên các lĩnh vực liên quan chủ đề Hội thảo, tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung phân tích, luận giải, đánh giá, làm sáng rõ các nội dung thuộc các nhóm vấn đề, đưa ra các luận cứ, cơ sở đánh giá những thành tựu, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm lịch sử trong 70 năm đấu tranh, xây dựng, đổi mới và phát triển của Thủ đô Hà Nội.
|
Quang cảnh hội thảo. |
Trên cơ sở tổng kết các bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế, một số ý kiến cho rằng, để thực sự tạo đột phá phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới, cần ưu tiên tập trung vào các vấn đề dịch vụ và kinh tế đô thị, phát triển công nghiệp văn hóa kết hợp với dịch vụ, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo; công nghệ sinh học, hóa dược, mỹ phẩm; các sản phẩm công nghệ cao, vật liệu mới. Phát triển nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, các mô hình nông nghiệp đô thị; phát triển giáo dục, y tế Thủ đô hiện đại, chuẩn quốc tế.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng và hạ tầng số tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, coi đây là tiền đề quan trọng để Hà Nội bứt phá trong thời kỳ tới…
Phát biểu kết luận, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý và cơ quan nghiên cứu hàng đầu ở nhiều lĩnh vực quan trọng. Đây là lực lượng trí thức tâm huyết, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Những ý kiến, đề xuất, giải pháp được nêu ra sẽ là cơ sở quan trọng giúp Thủ đô Hà Nội tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.
Thời gian tới, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô, rất mong các chuyên gia, nhà khoa học, các quý vị đại biểu tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Thủ đô để góp phần thúc đẩy phát triển TP Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” - xứng đáng vừa là trung tâm chính trị, hành chính của quốc gia, vừa là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội năng động, đổi mới sáng tạo, kết nối toàn cầu.
Qua đó, để Hà Nội luôn là niềm tự hào của của cả nước, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và du khách quốc tế; góp phần cùng cả nước đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.