Trong đoạn hội thoại, người ta thấy nhân vật nam, được cho là Kem Sokha, hứa cho cô gái 3.000 USD và một căn nhà.
Chứng cứ
Thoạt đầu cô gái khẳng định không có quan hệ gì với ông Kem Sokha và ông Sokha cũng không lên tiếng về vụ việc. Khi scandal bị thổi bùng trên truyền thông, sau nhiều tuần cô gái bị mất việc, thậm chí bị dọa truy tố vì tội làm mại dâm và làm chứng giả.
Tại Campuchia, nạn mại dâm chính thức bị coi là bất hợp pháp từ năm 2008. Cô gái thay đổi quyết định và khởi kiện Kem Sokha, đòi bồi thường thiệt hại 300.000 USD. Ủy ban chống tham nhũng Campuchia vào cuộc điều tra số tiền mà Sokha có vì đơn vị này từng yêu cầu ông Sokha giải trình về tài sản cá nhân.
Các nhà điều tra xác nhận giọng nam trong đoạn hội thoại là Kem Sokha và giọng nữ là cô Chandaraty. Trong quá trình trả lời cơ quan chức năng, Chandaraty đã khai ra tên sáu thành viên hoạt động bảo vệ nhân quyền đã cho cô tiền để cô chối bỏ mối quan hệ với Kem Sokha. Tòa án Phnom Penh liền kết tội sáu người trên.
Nằm trong số đó, đang làm hoặc từng làm trong tổ chức bảo vệ nhân quyền Adhoc, bị tạm giam ngay và có thể bị phạt 5-10 năm tù. Người thứ sáu, ông Sally Soen, nhân viên của Cao ủy nhân quyền LHQ hoạt động tại Campuchia, cũng bị kết tội (vắng mặt) tại phiên tòa trên. Do ông ta là nhân viên của LHQ nên được xem là có quyền miễn trừ theo Công ước LHQ 1946 về quyền miễn trừ và ưu tiên.
Vấn đề là các luật sư của bên Adhoc không biết thân chủ của mình bị kết tội ra sao. Họ cho rằng phía Adhoc có gửi cho cô Chandaraty 204 USD trong quá trình tiếp cận và trợ giúp cô này và đó có thể là “chứng cứ” để kết tội họ.
Cô Khom Chandaraty |
Phạt tù
Nghị sĩ Kem Sokha bị cáo buộc có quan hệ ngoài hôn nhân không chỉ với cô gái gội đầu mà còn với một phụ nữ khác nữa. Một cây bút viết blog rất nổi tiếng ở Campuchia cũng bị gài tên trong đoạn ghi âm. Cô ta cũng vào cuộc và khởi kiện Kem Sokha đòi bồi thường 1 triệu USD. Vì thế những đơn đòi bồi thường trên được cho là nhằm làm cạn kiệt tài sản của ông Sokha.
Tòa đã gửi giấy triệu tập cho ông Sokha hai lần nhưng ông đều vắng mặt. Sau đó, tòa liền đề nghị cảnh sát và cảnh sát bất ngờ xông vào trụ sở của CNRP ở thủ đô Phnom Penh để thực thi lệnh bắt giữ của tòa.
Theo nghị sĩ CNRP Chhay Eng, phó chủ tịch Kem Sokha vừa chủ trì cuộc họp tại trụ sở và đã rời khỏi đó trước khi cảnh sát tới. Quốc hội Campuchia cũng bỏ phiếu cho phép tiến hành các thủ tục pháp lý chống lại ông Kem Sokha vì hai lần phớt lờ lệnh triệu tập của tòa án trong vụ kiện liên quan tới cô Khom Chandaraty.
Tiếp đó, Tòa án thành phố Phom Penh đã cấm nghị sĩ Kem Sokha rời khỏi nước này sau khi bị cáo buộc “từ chối trình diện” trước tòa. Ông Kem Sokha phải trú lánh trong trụ sở của CNRP. Ông không xác nhận cũng không phủ nhận việc có quan hệ với cô Khom Chandaraty. Cuối cùng Kem Sokha - bị kết án 5 tháng tù cùng đền bù một số tiền trong phiên tòa (xử vắng mặt).../.