Phiên hình sự lạ không vành móng ngựa, không bị cáo

(PLO) -Sáng 20/7, những người có mặt tại phòng xử số 7 (phòng xử các vụ án hình sự) trụ sở TAND TP.HCM đều cảm thấy ngạc nhiên khi thấy một người nước ngoài đứng trực tiếp trước HĐXX, không phải ngăn cách qua chiếc vành móng ngựa như bình thường. 
“Bị cáo” đặc biệt trong phiên hình sự không vành móng ngựa.
“Bị cáo” đặc biệt trong phiên hình sự không vành móng ngựa.

Vành móng ngựa – một phần tưởng không thể thiếu của phiên tòa hình sự, hôm nay được cất vào góc phòng. Kiểm sát viên và HĐXX cũng không gọi người này là bị cáo như trong các vụ án hình sự mà lại gọi là đương sự như trong các vụ án dân sự. Hóa ra, đây không phải là một phiên xét xử mà chỉ là một buổi họp xem xét dẫn độ của TAND TP.HCM.

Sang Việt Nam trốn truy nã quốc tế

Người đàn ông ngoại quốc đó là Rachinstein Sergej (SN 1966, quốc tịch Lítva). Rachinstein bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo, làm giả giấy tờ hành chính và mua bán trái phép giấy tờ đó, tham gia tổ chức nhóm có tổ chức tội phạm nhằm chiếm đoạt tài sản thuộc về nước Cộng hòa Lítva và những người khác có giá trị cao (được quy định trong bộ luật hình sự nước cộng hòa Lítva). Đối tượng này bị TAND Lítva tuyên phạt hai năm sáu tháng tù. Sau khi bỏ trốn, Rachinstein bị truy nã theo lệnh truy nã quốc tế của Interpol.

Ngày 7/4/2015, Rachinstein đã sử dụng hộ chiếu nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Trong vòng bảy tháng, người đàn ông ngoại quốc này đã di chuyển nhiều nơi, cuối cùng chọn một căn hộ chung cư cao cấp ở quận 7 (TP.HCM) làm nơi lẩn trốn. 

Tuy nhiên, ngày 21/1/2016, đối tượng đã bị Cục cảnh sát truy nã tội phạm Bộ công an phát hiện và bắt giữ. Tại cơ quan điều tra, Rachinstein khai nhận mình chính là đối tượng có thông tin và ảnh đúng như trên lệnh truy nã.

Sau đó, Bộ Tư pháp Cộng hòa Lítva đã gửi văn bản sang Việt Nam đề nghị được dẫn độ đối tượng truy nã quốc tế Rachinstein Sergej về Lítva để thi hành án phạt tù.

Buổi họp tại trụ sở TAND TP.HCM ngày 20/7 quyết định việc Việt Nam có chấp nhận yêu cầu dẫn độ của nước bạn hay không.

Buổi họp dẫn độ “bị cáo” đặc biệt

Đại diện VKSND TP.HCM phát biểu quan điểm: Xét theo yêu cầu của bộ Tư pháp nước Cộng hòa LítVa thì yêu cầu này không thuộc trường hợp từ chối dẫn độ. Cụ thể: 

Đối tượng bị yêu cầu dẫn độ là công dân Lítva. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mà đối tượng nêu trên đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Litva không hết hạn. Đối tượng không bị kết án hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam về các tội phạm trong yêu cầu dẫn độ, việc bắt giữ đối tượng được thực hiện theo lệnh truy nã quốc tế. 

Hình phạt có thể áp dụng đối với tội phạm bị yêu cầu dẫn độ là hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên. Hành vi mà đối tượng nêu trên đã thực hiện được miêu tả trong yêu cầu dẫn độ có thể áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự để xử lý để bảo đảm nguyên tắc phạm tội kép: gồm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Đồng phạm. 

Trong yêu cầu dẫn độ, phía Lítva cam hết Rachinstein Sergej sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác được nêu trong yêu cầu dẫn độ cũng như không bị dẫn độ đến nước thứ ba, nếu không có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Và tính đến thời điểm ngày 30/5/2016, Việt Nam chưa nhận được yêu cầu dẫn độ của bất kỳ quốc gia nào khác đối với đối tượng và hành vi trên.

Theo kiểm sát viên, do Việt Nam và Lítva chưa có điều ước quốc tế song phương có quy định về dẫn độ, nên yêu cầu dẫn độ của Lítva sẽ được xem xét trên nguyên tắc “có đi, có lại”. Từ đó, đại diện VKS đề nghị các thẩm phán chấp nhận yêu cầu dẫn độ của nước bạn.

Sau khi nghe người phiên dịch dịch quan điểm của VKS, người đàn ông nước ngoài này tỏ ra rất lúng túng và sợ sệt. Qua thông dịch, Rachinstein Sergej đề nghị được nộp tiền đảm bảo cho Việt Nam để tránh việc bị dẫn độ. Tuy nhiên, vị thẩm phán chủ trì buổi họp giải thích: do anh ta không vi phạm pháp luật Việt Nam nên không áp dụng những quy định về ngăn chặn tội phạm trong trường hợp này.

Sau khi được các thẩm phán và kiểm sát viên giải thích cặn kẽ các quy định của luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, người đàn ông ngoại quốc hiểu rằng không có cách nào có thể trốn tránh việc phải thi hành mức án phạt tù, nên không còn căng thẳng như ban đầu.

Sau khi bàn bạc, cân nhắc, vị thẩm phán chủ trì buổi họp nhận định, việc chấp nhận dẫn độ Rachinstein Sergeji để đảm bảo án phạt tù là có căn cứ và đúng theo thông lệ quốc tế theo nguyên tắc “có đi, có lại”. Từ đó quyết định chấp nhận yêu cầu dẫn độ của nước bạn. Vị chủ trì buổi họp cũng thông báo: Rachinstein Sergej được quyền kháng cáo trong vòng 15 ngày.

Khi nghe phán quyết của TAND TP.HCM, Rachinstein Sergej xin được phát biểu ý kiến với những người tham gia buổi họp. Rachinstein cho biết anh ta đã hiểu và chấp nhận trả giá về những hành vi vi phạm của mình. 

Kết thúc buổi họp, “bị cáo” đặc biệt này tươi cười cám ơn mọi người, đồng thời cũng cho biết sẽ viết đơn từ bỏ quyền kháng cáo để nhanh chóng được về Lítva thi hành án.

Luật Tương trợ tư pháp, Điều 32: Dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án

1. Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.

2. Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể:

a) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án;

b) Thực hiện việc dẫn độ người nước ngoài đang ở trên lãnh thổ Việt Nam có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật cho nước yêu cầu để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.

Đọc thêm