Phiên tòa cảm động xử anh thợ hồ bị nợ lương nên tấn công chủ thầu

(PLO) -Chị bảo hôm nay đến tòa, không bới xách gì cho chồng, một phần sợ người ta không cho gửi, phần khác là vì không có tiền. 
Bị cáo Hiếu bị tuyên phạt 4 năm tù
Bị cáo Hiếu bị tuyên phạt 4 năm tù

Chị áy náy nhìn chồng phải tay không về trại. Nào ngờ, lúc ngang qua vợ, bị cáo đứng lại, dúi vào tay vợ tờ hai trăm ngàn được người hàng xóm gửi cho lúc ở phòng chờ nghị án, rồi nghẹn giọng: “Em mang về, mua gì cho con ăn. Ở trong trại, anh không thiếu thứ chi cả, đừng lo”.

Người vợ không chịu, cứ giằng co qua lại. Cảnh vệ phải khuyên nhủ: “Ở trong trại, chồng chị có chế độ rồi. Nhà nghèo, cầm tiền về mà mua sữa cho con”. Chị vợ tần ngần cầm tờ tiền trong tay, vô thức nắm chặt lại. Nước mắt cuối cùng cũng chảy xuống nơi gò má xanh xao. 

“Bị cáo ấm ức vì bị cho nghỉ việc, nên mới tìm anh Nam nói chuyện. Việc nặng thì kêu bị cáo làm, đến việc nhẹ thì cho nghỉ, nên bị cáo giận. Bị cáo hỏi anh Nam khi nào trả tiền công, để bị cáo mua sữa cho con, nhưng anh Nam nói không biết. Đã vậy anh còn nắm cổ áo bị cáo, đánh bị cáo. Bị cáo càng giận. Thấy anh Lan chạy đến, bị cáo tưởng anh Lan đến “yểm trợ” cho anh Nam, nên bị cáo hoảng quá, mới đâm”. 

Đó là lời bộc bạch của bị cáo Trần Hữu Hiếu (40 tuổi, ngụ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) trong phiên tòa “cố ý gây thương tích”. Cả một đời cần mẫn làm thuê làm mướn, người đàn ông hiền lành chất phác ấy, không ngờ có ngày mình phải ra đứng trước vành móng ngựa, chịu sự phán quyết của quan tòa.

Đứa trẻ ngóng cha trên sân tòa

Phiên tòa diễn ra trong một chiều se se lạnh. Sân TAND TP Huế chỉ lưa thưa vài người. Trời lất phất mưa, nhưng bà cụ kiên định dắt tay đứa nhỏ đứng ngoài sân, bên cạnh là người phụ nữ mặt ủ dột. Trời lạnh, khiến gương mặt họ có phần tái xanh. Ánh mắt họ chăm chăm nhìn vào cánh cổng tòa án. Họ đang đợi chiếc xe tù chở người thân đến tòa.

Chiếc xe kín mít có màu xanh xám u ám, nặng nề đổ trước sân. Những đôi mắt mở to. Bị cáo ốm nhom, mặt mày hốc hác, đầu cúi gằm như bị ai kéo xuống, lầm lũi bước ra khỏi xe. Khi ánh mắt người đàn ông chạm đến những khuôn mặt người thân đang ngóng đợi phía trước, đôi mắt mờ đục bất chợt đỏ hoe. 

Không gian cứ thế mà nặng nề trôi đi, cho đến lúc tiếng đứa trẻ reo lên: “Ba. Ba về rồi. Ba đi làm về rồi”. Bà cụ mới bất chợt giật mình, lật đật dắt đứa cháu nhỏ chạy theo bóng người con trai. Mới 4 tháng không được gặp con, mà bà cứ ngỡ dài như cả thế kỷ. Bà cười buồn, có chút áy náy vì không kịp bắt lấy đôi tay mang chiếc còng sắt lạnh ngắt của con trai, vừa chìa ra lúc ngang qua bà. “Được nhìn thấy hắn, tui mừng quá mà quên hết”.  

Nơi hành lang tòa án lạnh ngắt, người mẹ rầu rĩ kể chuyện nhà. Bà làm mẹ đơn thân khi chỉ mới ngoài hai mươi tuổi. Một mình nuôi con, vất vả không gì tả hết. Ngày đó, gia đình bà nghèo, từ nhỏ đã phải sớm lao ra đời mưu sinh. Không được đến trường, nên một chữ bẻ đôi bà cũng không biết. Cái nghèo như thể truyền kiếp, truyền từ đời bà sang đời con.

Hiếu lớn lên, không được học hành, cũng cùng phận mù chữ như bà. Không học hành, chữ nghĩa, nên Hiếu cũng chỉ biết suốt ngày làm thuê, làm mướn mưu sinh. Được cái, con trai bà hiền như đất. Ở địa phương, chưa từng làm mất lòng ai.

Nhà nghèo, mẹ lại lớn tuổi, Hiếu quanh năm suốt tháng lui cui bên đống vữa hồ làm thợ phụ, kiếm tiền chăm lo gia đình, thuốc thang cho người mẹ bị bệnh tim, nên mãi đến 36 tuổi, mới kiếm được vợ. Chồng làm thuê làm mướn, vợ đi phụ việc nhà, cuộc sống tuy khó khăn nhưng cũng trôi qua êm ả, nếu như không có chuyện “kinh thiên động địa” ngày hôm đó.

Phút uất ức bị nghỉ việc, nợ lương

Chiều tối một ngày giữa tháng 8/2016, anh Hiếu đi làm về có ngồi uống mấy ly rượu trong nhà người bạn. Lúc này, Hiếu nhận được điện thoại của anh Nam nói “ngày mai mi nghỉ làm đi”. Hiếu ngẫm nghĩ, không biết tại sao “ông chủ” lại cho mình nghỉ làm ngang, trong khi tiền công cũng chưa trả.

Lúc đi làm về, Hiếu có nhìn thấy anh Nam đang ngồi nhậu với bạn ở quán nhỏ đầu ngõ, nên đứng dậy ra hỏi nguyên do. Trước khi đi, Hiếu còn nhặt một thanh gỗ hình chữ nhật có một đầu nhọn, dài chừng 30 cm, giắt vào lưng quần.

Hiếu hỏi anh Nam tại sao lại cho mình nghỉ làm? Nếu nghỉ thì lúc nào thanh toán tiền công? Anh Nam bảo: “Mi cứ nghỉ đi đã, còn thanh toán tiền ngày nào thì chưa biết”. Sau đó giữa Hiếu và Nam xảy ra mâu thuẫn, xô đẩy nhau. Thấy vậy, anh Lan ngồi trong bàn đứng dậy can ngăn thì bị Hiếu rút khúc gỗ mang theo, đâm một nhát. Thấy nạn nhân chảy máu, Hiếu hồn xiêu phách lạc, sợ hãi bỏ trốn. Một ngày sau Hiếu đến cơ quan công an đầu thú. 

Hậu quả vụ xô xát, anh Lan bị đâm xuyên ngực thủng cơ hoành gây tràn máu màng phổi phải phẫu thuật; thủng màng ngoài tim; vết thương gan phân thủy VI phải phẫu thuật khâu lại. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do vết thương gây ra là 56%.

Tại phiên tòa, bị cáo khai anh Nam thuê bị cáo làm phụ hồ mười mấy ngày. Việc nặng nhọc gì cũng qua tay bị cáo. Hết việc nặng đến lúc làm việc nhẹ, thì anh Nam cho nghỉ, không thuê nữa. Bị cáo ra đó, chỉ muốn hỏi anh Nam sao lại đối xử với bị cáo như thế. Bị cáo cũng muốn lấy tiền công, mang về mua sữa cho con. Bị cáo không ngờ lại gây thương tích cho anh Lan.

Ngồi bên dưới, vợ bị cáo đưa đôi mắt vẻ bất lực nhìn chồng đứng nơi vành móng ngựa. Từ ngày chồng bị tạm giam, cuộc sống gia đình càng thêm bế tắc. Một mình chị vừa trằn lưng đi làm thuê, nuôi mẹ chồng, nuôi con nhỏ, rồi bới xách cho chồng, mà tiền làm thuê kiếm được chẳng mấy đồng. Cầm cự được ít bữa, thì tiền nộp học cho con cũng chẳng có. Đứa bé ba tuổi thôi không đi nhà trẻ, mà phải ở nhà, quanh quẩn bên chân người bà đã ở tuổi gần đất xa trời. 

Một người hàng xóm tặc lưỡi, bảo “chẳng thà hắn suốt ngày ăn chơi lêu lỏng, phá phách thì chẳng nói. Đằng này người hiền như đất, suốt ngày chỉ căm cụi lo làm ăn, vậy mà gặp phải chuyện này thì thật đáng tiếc”. Có người bảo, “Tại rượu đó. Vì uống mấy ly rượu mới không làm chủ được bản thân. Có rượu vào, thì chuyện chi cũng có thể xảy ra. Uống rượu có chi hay, mà ai cũng uống”.

Tình tiết cảm động trong phiên xử

Tòa hỏi bị cáo: “Bị cáo đi gặp anh Nam để đòi tiền, còn cầm theo khúc gỗ làm gì?”. “Dạ để tự vệ”. “Vì sao phải tự vệ”. “Vì ngoài đó rất đông người. Bị cáo sợ”. “Đã biết ở đó đông người. Đã thấy sợ, sao còn ra đó làm gì?”. Bị cáo cúi đầu, giọng lí nhí, bảo đã biết lỗi, rất hối hận.

“Những ngày tháng bị giam trong trại, bị cáo không đêm nào ngủ yên giấc. Bị cáo rất hối hận. Bị cáo thấy rất có lỗi với bị hại. Bị cáo với bị hại, và cả anh Nam nữa, đều là hàng xóm láng giềng, là bạn bè, là những người cùng nhau đi làm thợ hồ từ ngày này qua tháng khác. Lúc đó bị cáo thấy anh Lan xông tới, cứ nghĩ anh ấy đến đánh bị cáo. Nhất thời hoảng loạn mới ra tay. Nhà bị cáo rất khổ. Bị cáo làm ra chuyện này, khiến mẹ và vợ con đau lòng, bị cáo hối hận lắm”. Người đàn ông rũ rượi đứng nơi vành móng ngựa, giọng nghẹn lại, đứt quãng.

Bị hại khai tại tòa, mình cũng có một phần lỗi, vì có tát hai tát tai vào mặt bị cáo. Theo bị hại, vì vậy bị cáo mới ra tay đâm mình. “Tại sao trong quá trình điều tra, anh không khai?”. “Dạ lúc đó tôi đang nằm viện, nên nhất thời không nhớ”. “Vậy trong lần làm việc thứ 2, khi đó anh đã ra viện, tại sao lại không khai mình có đánh bị cáo?”. Bị hại ấp úng, bảo lúc đó sức khỏe chưa hồi phục, tinh thần vẫn chưa ổn định, nên nhất thời không nhớ ra.

Tòa “vặn” tới “vặn” lui, hỏi bị cáo, cuối cùng có phải bị bị hại đánh hay không?. Bị cáo cũng ấp úng, lúc bảo có, lúc lại bảo hình như có, rồi lại bảo không nhớ. “Nếu bị hại có đánh bị cáo, sao tại cơ quan điều tra, bị cáo không khai ra tình tiết này?”. “Dạ lúc đó xảy ra chuyện, bị cáo bấn loạn trong lòng, nên không nhớ hết vụ việc”.

“Bị đánh vào mặt như thế, sao có chuyện không nhớ. Bị cáo với bị hại đều là bạn bè, cùng nhau đi làm. Thấy hoàn cảnh bị cáo cực khổ, nên tại phiên tòa mới khai như vậy hòng nhận một phần lỗi về mình, để bị cáo được giảm nhẹ tội phải không?”.

Tòa trích đọc các bút lục về lời khai của bị cáo lẫn bị hại, đều cho thấy, bị cáo tưởng bị hại đứng dậy bênh vực cho anh Nam, nên mới tấn công. Nơi vành móng ngựa, bị cáo vẻ bất lực. Bên dưới, bị hại lặng lẽ thở dài.

Tòa tuyên phạt bị cáo 4 năm tù giam. Bị cáo co người, mặt nhăn nhó khổ sở. Mẹ bị cáo níu chặt tay con dâu, vẻ mặt thất thần.  

Người vợ bảo hôm nay đến tòa, không bới xách gì cho chồng, một phần sợ người ta không cho gửi, phần khác là vì không có tiền. Chị áy náy nhìn chồng phải tay không về trại. Nào ngờ, lúc ngang qua vợ, bị cáo đứng lại, giúi vào tay vợ tờ 200 ngàn được người hàng xóm gửi cho lúc ở phòng chờ nghị án, rồi nghẹn giọng: “Em mang về, mua gì cho con ăn. Ở trong trại, anh không thiếu thứ chi cả, đừng lo”.

Người vợ không chịu, cứ giằng co qua lại. Cảnh vệ phải khuyên nhủ: “Ở trong trại, chồng chị có chế độ rồi. Nhà nghèo, cầm tiền về mà mua sữa cho con”. Chị vợ tần ngần cầm tờ tiền trong tay, vô thức nắm chặt lại. Nước mắt cuối cùng cũng chảy xuống nơi gò má xanh xao, lặng thinh nhìn chồng bị chiếc xe tù chở đi xa./.

Đọc thêm