Philippines công bố hình ảnh được cho là tàu Trung Quốc ở Scaborough

(PLO) - Bộ Quốc phòng Philippines ngày 7/9 đã công bố những bức ảnh được cho là các tàu của Trung Quốc ở gần một bãi cạn đang có tranh chấp ở Biển Đông. Động thái này diễn ra chỉ ít giờ trước Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc diễn ra ở Lào.
Một tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, 10 bức ảnh và một tấm bản đồ đã được gửi qua email cho các nhà báo, trong đó có nhiều người đang ở Vientiane để đưa tin về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28 và 29 và các hội nghị cấp cao liên quan. Những bức ảnh này được phía Philippines cho biết là ảnh chụp vệ tinh cho thấy các tàu của Trung Quốc ở bãi cạn Scaborough ở Biển Đông.

“Chúng tôi có lý do để tin rằng sự hiện diện của các tàu này là tiền đề cho các hoạt động xây dựng ở bãi cạn. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và giám sát sự hiện diện cũng như hoạt động của các tàu này” – người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andolong được AFP dẫn lời cho hay.

Các bức ảnh nói trên được công bố chỉ ít giờ trước khi các nhà lãnh đạo ASEAN có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc. Theo một quan chức Philippines, việc công bố các bức ảnh và bản đồ này được thực hiện theo chỉ thị của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines – người hiện cũng có mặt tại Vientiane, Lào. 

Sự xuất hiện của các tàu Trung Quốc diễn ra sau khi Tòa Trọng tài thường trực hôm 12/7 đã ra phán quyết tuyên bố Trung Quốc không có quyền chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên, phía Trung Quốc từ chối công nhận phán quyết của tòa. Vấn đề Biển Đông trong những năm gần đây đều là một chủ đề nóng được đưa ra bàn thảo tại các hội nghị của ASEAN. Một bản dự thảo tuyên bố của ASEAN mà phóng viên Reuters đã tiếp cận đã liệt kê 8 điểm liên quan tới vấn đề Biển Đông nhưng không đề cập đến phán quyết. 

Phía Philippines không giải thích về thời điểm công bố những bức ảnh nhưng việc này diễn ra 2 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết máy bay của nước này đã phát hiện đội tàu cá của Trung Quốc ở khu vực bãi cạn Scarborough gia tăng bất thường. Ông Lorenzana cũng cho rằng sự hiện diện của 6 tàu Trung Quốc cùng các tàu bảo vệ bờ biển ở khu vực này là điều gây quan ngại sâu sắc. Manila cũng đã yêu cầu Đại sứ Trung Quốc giải thích về việc này.

Theo AP, tại Lào, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dự kiến sẽ hỏi thẳng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường về việc liệu các tàu của Trung Quốc đang thực hiện hoạt động xây đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough hay không. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana, nếu Chính phủ Trung Quốc xác nhận nghi vấn này, Philippines sẽ gửi công hàm phản đối chính thức. 

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Duterte đã đi theo xu hướng hòa giải hơn trong quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông này cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sau khi một máy bay do thám của Philippines gần đây phát hiện 4 tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc, 4 vật thể được cho là sà lan, trong đó có 1 chiếc được trang bị cần cẩu và 2 phà chở người ở bãi cạn Scarborough, dấy lên những nghi vấn Trung Quốc đang chuẩn bị xây đảo nhân tạo phi pháp tại đây.

Việc công bố các hình ảnh về hoạt động của tàu Trung Quốc diễn ra cùng ngày với một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), theo đó cho rằng hành động ngày càng hung hăng của các tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc ở Biển Đông đang có nguy cơ gây mất ổn định ở khu vực. Nhận định này được đưa ra dựa trên kết quả thống kê cho thấy các tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc liên quan đến 2/3 trong tổng số 45 vụ đụng độ hoặc giằng co xảy ra ở Biển Đông kể từ năm 2010 cho đến nay. 

Ngoài ra, 4 vụ việc khác có sự tham gia của tàu hải quân Trung Quốc. Những số liệu này, theo chuyên gia về an ninh Biển Đông ở CSIS Bonnie Glaser, là bằng chứng rõ ràng cho thấy hành vi của Trung Quốc đi ngược với nhiệm vụ thông thường của lực lượng hành pháp. 

Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines ngày 7/9 thông báo Mỹ sẽ bàn giao cho nước này 2 máy bay quân sự đã qua sử dụng để giúp Manila mở rộng các cuộc tuần tra trên biển.