Ngoài Hope, tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc gây xúc động sâu sắc về nạn ấu dâm từ một câu chuyện có thật, còn có nhiều bộ phim khác của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… Có thể kể đến Spotlight (2015), bộ phim giành giải Phim xuất sắc nhất tại Oscar dựa trên loạt phóng sự điều tra có thật trên tờ Boston Globe về các linh mục phạm tội ấu dâm gần 100 trẻ em; Silenced (2011), bộ phim dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Kong Ji-young, tái hiện câu chuyện có thật về nạn lạm dụng tình dục tại ngôi trường Gwangju Inhwa năm 2006 ở Hàn Quốc; Michael (2011), bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về vụ lạm dụng tình dục tại Áo…
Rất nhiều tác phẩm của nền điện ảnh các nước, thông qua các câu chuyện khủng khiếp về số phận những đứa trẻ bị ấu dâm, đã đưa ra những lời cảnh báo về hậu quả đáng sợ của nạn xâm hại tình dục trẻ em, lên án những kẻ thủ ác, đồng thời thông qua đó kêu gọi cộng đồng có sự quan tâm đúng mức đến vấn nạn này.
Bạo hành gia đình cũng là một lĩnh vực được nhiều nền điện ảnh quan tâm, khi rất nhiều tác phẩm điện ảnh về đề tài này đã được khai thác và cho ra đời những tác phẩm thành công. Một vấn nạn khác, bạo lực học đường cũng thường xuyên được đưa vào các tác phẩm điện ảnh của các nước, đặc biệt là Nhật, Hàn Quốc với những lời cảnh báo mạnh mẽ. Khán giả Việt cũng chứng kiến nhiều tác phẩm điện ảnh thế giới về các đề tài nóng bỏng, thời sự như sự vô cảm giữa người và người, tình trạng lạc hậu về giáo dục, y tế…
Trong khi nhiều nước trên thế giới đã thực hiện những bộ phim rung động rơi nước mắt, tác động mạnh mẽ đến nhận thức con người với các đề tài nóng bỏng của xã hội, thì dường như điện ảnh Việt đang “ngủ quên” với các đề tài quẩn quanh trong các mối quan hệ tình – tiền, những đề tài gây sốc, câu khách nhưng ít ý nghĩa xã hội. Nhiều năm gần đây, khán giả chứng kiến sự ra mắt khá nhiều sản phẩm điện ảnh nổi đình nổi đám, được truyền thông rầm rộ. Thế nhưng, tìm mỏi mắt trong ấy mới ra được một, vài tác phẩm điện ảnh mang tinh thần nhân văn, hoặc nhìn thẳng vào các vấn đề xã hội nóng bỏng.
Một đạo diễn (giấu tên) chia sẻ, lý do để các nhà làm phim ít khai thác các vấn đề xã hội nổi cộm như bạo lực, bạo hành, ấu dâm, y tế, giáo dục…, một phần lý do là bởi vì để đưa vào các tác phẩm điện ảnh, truyền hình thì khá… khó. Khó ở chỗ phải biến những đề tài ấy thành chất liệu phim sao cho hay, cho khéo, nếu không khéo thì thành ra phim tuyên truyền. Và một lý do “khó nói” nữa, là thực tế, phim ở các mảng đề tài này sẽ “khó ăn” so với các phim có yếu tố tình dục, đồng tính, hay các vấn đề có khả năng “câu view” khác.
Kết hợp với các yếu tố quảng bá, thậm chí chiêu trò, một bộ phim đề tài dễ dãi thông thường rất có thể sẽ thắng lớn, bất chấp chất lượng chưa thực sự ổn. Trong khi đó, các phim hướng đến vấn đề xã hội đòi hỏi thực lực thực sự của ê kíp làm phim.
Dấn thân bao giờ cũng là lựa chọn thiếu an toàn cho người làm nghệ thuật. Nhưng chỉ khi dám dấn thân, người nghệ sĩ mới có thể đem đến những tác phẩm nghệ thuật thực sự có ích cho khán giả, đem lại thành tựu nghệ thuật giá trị. Khán giả Việt vẫn mong chờ những tác phẩm điện ảnh biết dấn thân như thế. Nhưng, biết chờ đến bao giờ?