Phim “Kẻ ăn hồn” hoãn chiếu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước lịch dự kiến ra rạp 1 ngày, phim điện ảnh “Kẻ ăn hồn” gửi lời xin lỗi, mong khán giả thông cảm vì hoãn ra mắt.

Sáng 7/12 - một ngày trước khi lịch dự kiến ra rạp 8/12 của “Kẻ ăn hồn”, đạo diễn - nhà sản xuất phim bất ngờ thông báo về việc hoãn ra mắt bộ phim. “Quyết định này không hề dễ dàng, tuy nhiên, nhằm đảm bảo việc hoàn chỉnh bản phim tốt nhất để sớm ra rạp trong thời gian tới, chúng tôi xin hẹn gặp lại tất cả một ngày thật gần.

Chân thành xin lỗi quý khán giả yêu mến bộ phim vì đã quan tâm, đón nhận và dành nhiều thời gian chờ đợi bộ phim 'Kẻ ăn hồn ra mắt suốt thời gian qua. Ê-kíp vô cùng cảm ơn sự thấu hiểu cùng tình cảm mà công chúng dành cho dự án. Rất mong sẽ sớm gặp lại mọi người” - nhà sản xuất phim thông báo.

Trong khi đó, đạo diễn Trần Hữu Tấn nói thêm, tất cả ê-kíp đã có nhiều buổi họp, cân nhắc kỹ càng cũng như rất tiếc nuối để đi đến quyết định khó khăn này. “Vì khi nhìn thấy sự chờ đợi và kỳ vọng của tất cả mọi người dành cho bộ phim, bản thân tôi biết mình cần phải hoàn thiện hơn nữa bản dựng ở mức trọn vẹn và tốt nhất có thể.

Rất mong khán giả, anh chị em, cộng đồng Sói Lửa cảm thông và chờ đợi sự ra mắt. Làng Địa Ngục trên màn ảnh rộng phải thật sự xứng đáng với những gì mọi người đã dành tình cảm cho bộ phim. 'Kẻ ăn hồn' sẽ sớm trở lại ở một ngày rất rất gần” - anh viết.

Phim “Kẻ ăn hồn” thông báo hoãn ra mắt trước lịch dự kiến một ngày.

Phim “Kẻ ăn hồn” thông báo hoãn ra mắt trước lịch dự kiến một ngày.

“Kẻ ăn hồn” là phim điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết gốc cùng tên của nhà văn Thảo Trang được phát hành online song song với bộ phim. Đây cũng là tác phẩm điện ảnh trong cùng “vũ trụ” làng Địa Ngục.

Thông qua poster và teaser trailer, phim bước đầu hé lộ câu chuyện chưa từng kể về cổ thuật rượu sọ người ở làng Địa Ngục. Cùng với đó là những hình ảnh đậm chất văn hóa dân gian như cảnh rước dâu lấy cảm hứng từ bức tranh Đám cưới chuột, trang phục mang đặc trưng Bắc Bộ cách đây 100-200 năm, bài vè của trẻ nhỏ, bầy rối nước, thủy đình... Tuy nhiên, các chất liệu quen thuộc này đều được phủ màu ma mị.

Theo nhà sản xuất, phim bắt đầu bấm máy ngay sau “Tết ở làng Địa Ngục”, ở bối cảnh làng Sảo Há (Hà Giang), được thiết kế độc lập, riêng biệt cho bản điện ảnh với không khí ma mị mờ ảo nhưng thu hút, có nét đẹp riêng của vùng núi rừng Đông Bắc. Ngoài ra, ê-kíp cũng đầu tư về tạo hình, phục trang, hoá trang. Trong suốt quá trình tiền kỳ, đội ngũ luôn kết hợp tham vấn ý kiến từ cố vấn sử học để mang lại hồn Việt nhiều nhất trong khả năng.

Tác phẩm được khán giả kỳ vọng vì mang màu sắc quỷ dị cùng những hình ảnh đậm chất dân gian.

Tác phẩm được khán giả kỳ vọng vì mang màu sắc quỷ dị cùng những hình ảnh đậm chất dân gian.

Trong dự án, Lan Phương gây chú ý khi lần đầu đóng phim kinh dị. Ban đầu, khi nhận được đạo diễn Trần Hữu Tấn gửi lời mời, cô đắn đo vì đang có kế hoạch sinh con thứ 2 và vì sợ phim kinh dị. Sau khi nhận lời tham gia, cô đi về liên tục giữa Hà Nội và Hà Giang.

Nữ diễn viên kể, việc ngồi xe đường dài, đi qua những cung đường hiểm trở, làm việc dưới tiết trời giá lạnh và điều kiện sinh hoạt thiếu thốn của vùng Tây Bắc ám ảnh nhưng cũng là trải nghiệm đáng nhớ. Ngoài ra, khi “Tết ở làng Địa Ngục” ra mắt, vai diễn Thập Nương của Lan Phương được khán giả đón nhận càng làm cô thêm mong chờ bản điện ảnh.

Cùng với Lan Phương, nàng thơ Hoàng Hà cũng gây chú ý vai diễn lột xác hóa thành cô Phong - “nàng dâu quỷ mị” ở “Kẻ ăn hồn”. Ngoài ra, phim có sự tham gia của NSƯT Chiều Xuân, Võ Điền Gia Huy, Huỳnh Thanh Trực, Nghệ sĩ Viết Liên, NSND Ngọc Thư, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Phước Lộc, Nghinh Lộc, Lý Hồng Ân, Vũ Đức Ngọc…

Đọc thêm