Phim ngắn của điện ảnh Việt: Nổi tiếng chưa chắc đã tài năng

(PLO) - Tuy không nổi đình nổi đám như phim ra rạp hay phim truyền hình nhưng phim ngắn vẫn luôn là một dòng chảy bền bỉ của điện ảnh Việt. Đó cũng là một sân chơi để nhiều người trẻ thử sức, đặt những 'viên đá' đầu tiên cho sự nghiệp điện ảnh của mình. 
Một cảnh trong phim ngắn được yêu thích Mùa yêu đầu tiên của đạo diễn Luk Vân
Một cảnh trong phim ngắn được yêu thích Mùa yêu đầu tiên của đạo diễn Luk Vân

Làm phim ngắn không khó

Khác với phim điện ảnh có thời lượng trung bình 90 phút, phim truyền hình với độ dài có thể đến hàng trăm tập, một phim ngắn lý tưởng có thời lượng gói gọn tầm 15-20 phút.

Thời lượng không dài, nhưng vẫn cần phải thể hiện hết những gì người làm phim muốn hướng đến, thế nên đặc điểm của phim ngắn luôn luôn rất cô đọng, “lời ít ý nhiều”. Và thông thường mỗi  chi tiết trong phim đều đáng để lưu tâm, có thể ẩn chứa những ý tứ sâu sắc mà người làm phim muốn hướng đến.

Với lợi thế thời lượng ngắn, giàu cảm xúc và cô đọng, phim ngắn rất dễ để chia sẻ và lan truyền trên mạng xã hội. Dần dà, trong vài năm gần đây phim ngắn đã dần trở thành một trào lưu. Người trẻ dùng phim ngắn để làm “phép thử” cho tài năng và niềm đam mê của mình. Phim ngắn được dùng để phản ánh đời sống, thực trạng xã hội, để sinh viên thử nghiệm, để người trẻ bày tỏ quan điểm... 

Phim ngắn còn trở thành một công cụ hữu hiệu cho ngành quảng cáo. Những năm gần đây, ngoài những đoạn phim quảng cáo “đúng chất quảng cáo” kiểu truyền thống được chiếu trên tivi, nhiều nhãn hàng đã dùng các đoạn phim ngắn để truyền tải đi thông điệp của mình. Làn sóng này bắt nguồn từ ngành quảng cáo các nước lân cận như Thái Lan, Trung Quốc... và được các nhà làm quảng cáo Việt Nam học hỏi, áp dụng khá hiệu quả.

Nhiều phim ngắn thậm chí đã vượt ra khỏi cái mác “phim quảng cáo” nhằm quảng bá cho thương hiệu mà trở thành một sản phẩm điện ảnh mini được yêu thích trong cộng đồng.

Một lợi thế khác khiến nhiều người yêu điện ảnh muốn bắt đầu bằng phim ngắn, là loại phim này khá đơn giản để có thể thực hiện. Người làm phim ngắn có thể là đạo diễn chuyên nghiệp hoặc không chuyên. Có người chỉ kinh qua một vài lớp đào tạo làm phim ngắn hạn, có người thậm chí chưa từng học về làm phim, nhưng vẫn bắt tay vào làm phim ngắn. Để làm ra một bộ phim, nếu chuyên nghiệp thì dùng cả bộ sậu máy móc đầy đủ, nhưng nếu không có kinh phí, người làm phim vẫn có thể chỉ sử dụng một vài khung cảnh, vài diễn viên và chiếc máy quay cầm tay.

Thậm chí, giờ đây chiếc điện thoại thông minh cũng có thể trở thành toàn bộ công cụ cần thiết để làm phim khi có chức năng quay và có thể tải được ứng dụng biên tập phim, dựng phim về để hoàn tất một bộ phim ngắn ngay trên điện thoại. Nhiều bộ phim ngắn đình đám của sinh viên đã ra đời như thế: Một chiếc điện thoại thông minh, một vài diễn viên là bạn học, phim trường đơn giản là giảng đường, sân trường và... nhà trọ.

Không chỉ là cuộc chơi ngẫu hứng

Trong vài năm qua, thị trường điện ảnh chứng kiến nhiều tên tuổi đạo diễn trẻ nổi lên từ phim ngắn như Đoàn Trần Anh Tuấn, Nguyễn Đăng Khoa, Nguyễn Lê, Luk Vân... Luk Vân được coi là một hiện tượng “hot” vì hầu như phim ngắn nào làm ra cũng được giới trẻ đón nhận nhiệt liệt. Một số phim ngắn của Luk Vân như Sài Gòn em yêu chị, Lắng cũng đã tham gia các giải phim ngắn nước ngoài và lọt top... 

Mới đây, một đạo diễn phim ngắn trẻ măng, mới 18 tuổi Hồ Thanh Thảo đã khiến giới làm phim ngắn ngạc nhiên với phim ngắn 'Muộn' được thể hiện xuất sắc, đề cử tranh giải Màn Ảnh Bạc trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Singapore 2017 ở hạng mục Phim ngắn Đông Nam Á. Ngoài ra phim còn được Ban tổ chức Liên hoan phim Quốc tế Singapore 2017 (SGIFF) chọn hình thức công chiếu “International Premiere”. Điều này cho thấy các đạo diễn phim ngắn trẻ trong nước cũng đã bắt đầu theo kịp xu hướng làm phim ngắn của quốc tế.

Trong số các đạo diễn phim ngắn đình đám hiện nay, cũng không ít lấn sân sang phim điện ảnh và có những thành công nhất định. Có thể nói, phim ngắn khá lý tưởng cho những người yêu điện ảnh hoặc lần đầu “chạm ngõ” điện ảnh. Tuy nhiên, dễ làm không đồng nghĩa với dễ thành công. Chính vì khá đơn giản, ít phải đầu tư để thực hiện, nên người làm phim ngắn đôi khi cũng trở nên dễ dãi với sản phẩm của mình.

Trên mạng hiện có hàng ngàn phim ngắn của các bạn trẻ làm và đăng tải, nhưng trong số đó, phim chất lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số có khả năng tranh các giải trong ngoài nước các hiếm hơn nữa. Phổ biến nhất vẫn là các phim ngắn “chiều chuộng” thị hiếu, lấy nước mắt hoặc gây cười nhằm đạt số lượng xem mong muốn. Không ít trong số đó sao chép các mô típ đang ăn khách của Trung Quốc, Thái Lan, mà serie phim ngắn Tình yêu không có lỗi... là một ví dụ. 

Nhiều người trẻ cũng nhầm lẫn rằng, hễ làm phim ngắn và được xem nhiều, có tiếng nghĩa là đã có thể trở thành đạo diễn “tài năng”. Đó chính là lý do đạo diễn phim ngắn bước chân vào phim điện ảnh rất ít tên tuổi lưu lại dấu ấn. Có trường hợp, một đạo diễn trẻ có loạt phim ngắn được bạn trẻ yêu thích vì nội dung hợp thị hiếu, nên cho dù chưa học qua một lớp làm phim nào, kinh nghiệm lận lưng là vài ba phim ngắn, vẫn mạnh dạn đầu tư làm phim điện ảnh và thất bại ngay trong những dự án đầu tiên.

Làm nghệ thuật, ngoài đam mê, còn phải có tài năng, có sự trui rèn qua sự học tập, đào tạo, qua kinh nghiệm lăn lộn trong nghề. Phim ngắn là một sân chơi mà chỗ còn rất rộng, đủ cho tất cả bạn trẻ muốn thử sức. Nhưng phim ngắn cũng chỉ là một “phép thử” cho những người nghiệp dư muốn bước vào điện ảnh, chứ không phải thước đo thành công.