Phổ biến giáo dục pháp luật phải phát huy được vai trò nòng cốt

(PLO) - Đây là một trong những chỉ đạo quan trọng của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương Hà Hùng Cường tại Phiên họp lần thứ 6 của Hội đồng diễn ra hôm qua (27/1).
Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu tại Phiên họp
Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu tại Phiên họp
Nhiều điểm sáng

Báo cáo kết quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2015, Quyền Vụ trưởng Vụ PBGDPL Đỗ Xuân Lân cho biết, công tác PBGDPL đã được triển khai bài bản, rộng khắp gắn liền với triển khai thực hiện Luật PBGDPL. Nội dung PBGDPL ngày càng bám sát công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật. 

Bên cạnh duy trì, phát triển các hình thức PBGDPL truyền thống, các bộ, ngành, địa phương đã sáng tạo, áp dụng nhiều hình thức, mô hình PBGDPL mới, phù hợp với đối tượng, địa bàn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL. 

Điểm sáng nổi bật trong công tác PBGDPL năm 2015 là tổ chức thành công cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp, tuyên truyền, quán triệt, phổ biến gắn với triển khai thi hành các luật, pháp lệnh mới ban hành; lấy ý kiến nhân dân đối với các dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và các dự thảo luật có liên quan đến các lĩnh vực thiết thực với người dân, doanh nghiệp. Qua đó góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức trách nhiệm trong tôn trọng, chấp hành Hiến pháp, pháp luật, tạo nên thói quen tự giác học tập pháp luật trong xã hội. 

Công tác quản lý nhà nước về PBGDPL được quan tâm, chú trọng và tăng cường hơn. Vai trò của Cơ quan Thường trực Hội đồng, Ban Thư ký của Hội đồng, các Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc được phát huy và ngày càng rõ nét. Công tác xã hội hóa hoạt động PBGDPL được quan tâm, thu hút được những kết quả bước đầu. Ngày Pháp luật được triển khai bài bản và từng bước đi vào nền nếp.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nội dung PBGDPL ở một số bộ, ngành, đoàn thể, địa phương còn dàn trải, thiếu trọng tâm, chưa sát với nhu cầu; cách thức triển khai PBGDPL ở một số bộ, cơ quan, địa phương còn hình thức, chưa tạo chuyển biến rõ rệt trong ý thức tôn trọng chấp hành pháp luật; chưa gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với thi hành và bảo vệ pháp luật; chính sách xã hội hóa PBGDPL chưa được triển khai rộng rãi, chưa thu hút được nhiều nguồn lực tham gia hỗ trợ, tài trợ công tác PBGDPL; kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL còn hạn chế.
Làm phổ biến giáo dục pháp luật phải có tư duy đổi mới

Dẫn thực tế ở Hội Cựu chiến binh không có người làm chuyên trách PBGDPL mà chỉ kiêm nhiệm, Phó Chủ tịch Nguyễn Song Phi đề nghị cần tăng cường sự phối hợp, nhất là ở cơ sở, giữa Sở Tư pháp, Hội đồng với Hội Cựu chiến binh. 

Bên cạnh đó, cần tăng cường bồi dưỡng cho những người làm công tác PBGDPL. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa cũng thẳng thắn, hiện nay ở nhiều nơi, trên cùng một địa bàn, có quá nhiều đề án cùng được triển khai dẫn đến sự chồng chéo. Do đó cần sự phối hợp chặt chẽ để tránh tình trạng “dồn cục” như trên. 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Huỳnh Văn Ái đề xuất thêm, nên sử dụng tối đa nguồn lực tại cơ sở. Đơn cử, tư pháp có tủ sách, còn bưu điện có người, có thể phối hợp tốt với nhau để nâng cao ý thức pháp luật cho người dân thông qua việc tìm hiểu sách báo pháp luật. 

Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Hoài Dương đề nghị các bộ, ngành chức năng cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, tránh tình trạng khi văn bản đã ban hành hoặc quá trình triển khai không như ý lại phải “chạy theo” cơ quan báo chí để giải thích. Ông Dương cũng đề nghị tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các phóng viên, biên tập viên cơ quan báo chí.

Ông Hà Đình Bốn, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; ông Nguyễn Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính đều có chung đề xuất, giai đoạn tới đây, công tác PBGDPL nên có một đề án (hoặc kế hoạch) dài hạn, làm cơ sở thống nhất cho các bộ, ngành triển khai công tác này trong năm mới. Chính phủ căn cứ vào đề án tổng thể đó để bố trí khoản kinh phí hàng năm.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, đồng chí Hà Hùng Cường đánh giá công tác PBGDPL năm 2015 và cả nhiệm kỳ đã để lại nhiều dấu ấn tích cực, tạo chuyển biến nhất định trong ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, từ đó giảm khiếu nại, bức xúc, góp phần tích cực vào thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp. 

Một trong những bài học từ công tác này, theo Bộ trưởng là làm PBGDPL phải có tư duy đổi mới, lấy hiệu quả cuối cùng là ý thức chấp hành pháp luật làm thước đo. PBGDPL phải được xác định là việc của cả hệ thống chính trị. 

Do đó, Bộ trưởng yêu cầu năm 2016 phải xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm theo thứ tự ưu tiên, Hội đồng phải tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy vai trò của các cơ quan báo chí; tăng cường kiểm tra, tự kiểm tra, thậm chí là thanh tra để thấy rõ hiệu quả của công tác tuyên truyền. 

Đọc thêm