Phổ biến phim Việt trên nền tảng trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để tránh tình trạng những bộ phim Nhà nước đặt hàng “nằm đắp chiếu” trong bối cảnh đại dịch Covid-19, giữa tháng 7/2021, Viện Phim Việt Nam đã thử nghiệm phổ biến các phim này trên kênh Youtube.
Phim “Đừng đốt” hiện được Viện Phim Việt Nam đăng tải trên Youtube.
Phim “Đừng đốt” hiện được Viện Phim Việt Nam đăng tải trên Youtube.

Lan tỏa giá trị điện ảnh

Ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Phim Việt Nam chia sẻ, mong muốn của Viện Phim là đẩy mạnh việc khai thác kho phim, đưa những tác phẩm điện ảnh Việt Nam đến với đông đảo công chúng. “Chúng tôi thử nghiệm đưa 10 phim Nhà nước đặt hàng đăng tải trên Youtube. Lượng tương tác và đón nhận của khán giả rất tốt. Viện Phim Việt Nam là nơi lưu giữ hàng ngàn bản phim có giá trị của điện ảnh dân tộc qua các thời kỳ. Nếu chỉ để các phim nằm kho sẽ không phát huy được hiệu quả. Hơn nữa, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, việc thành lập một kênh phổ biến phim về đề tài cách mạng một cách rộng rãi và đầy đủ nhất, qua đó tuyên truyền giáo dục về truyền thống cách mạng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân… chính là lý do thôi thúc chúng tôi thực hiện công việc này”, ông Hoàng cho biết.

Cũng theo ông Hoàng, việc triển khai kênh Youtube được Viện Phim tiến hành căn cứ trên cơ sở những quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ sở lưu trữ phim tại Luật Điện ảnh hiện hành; quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Phim Việt Nam; Quyết định số 4693/QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về phê duyệt Đề án khai thác, sử dụng phim tư liệu thuộc sở hữu Nhà nước đang lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam. Theo Quyết định số 4693, phim được lựa chọn phát hành trên kênh Viện Phim Việt Nam dự kiến gồm: phim thuộc sở hữu Nhà nước, phim khuyết danh, phim đã hết thời hạn bảo hộ.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông cũng lưu ý, thời đại công nghệ 4.0 phát triển, việc khai thác, quảng bá phim đến công chúng cần chú ý những vấn đề thuộc về bản quyền cùng các quy định pháp luật khác có liên quan.

“Đặc sản” phim Việt lên mạng

Hiện Viện Phim Việt Nam đang đăng tải trên Youtube các bộ phim: Nhìn ra biển cả, Mùa ổi, Lương tâm bé bỏng, Đừng đốt, Chung cư, Cuộc đời của Yến, Mặt trận không tiếng súng, Dòng sông hoa trắng… Thường chỉ những dịp lễ, Tết, hoặc một số phim ra rạp, khán giả mới được thưởng thức những bộ phim Nhà nước đặt hàng. Việc đưa những bộ phim ấy lên nền tảng hệ thống số khiến nhiều khán giả thích thú.

Chị Hoàng Oanh (35 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Trước đây, tôi rất ngại xem các phim như vậy vì nghĩ là cứng nhắc, chỉ mạnh về tuyên truyền. Đang đợt giãn cách, tôi ở nhà dành thời gian xem phim. Tôi vừa xem hết bộ phim “Đừng đốt” trên Youtube. Càng xem “Đừng đốt”, tôi càng thấy hay và cảm động, nhất là đúng dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ. Đây là bộ phim thành công, đi vào lòng người, do cách làm chân thực. “Đừng đốt” thể hiện được lý tưởng, sự hy sinh của cả một thế hệ, được bộc lộ qua nhân vật Đặng Thuỳ Trâm. Tôi sẽ xem lần lượt các bộ phim hay mà Viện phim Việt Nam đăng tải”.

Ý kiến của chị Hoàng Oanh cũng là ý kiến chung của hàng ngàn khán giả và cộng đồng mạng hiện đang thực hiện chủ trương “ai ở đâu ở yên đấy” để chống dịch. Hầu hết họ vui vì Viện Phim Việt Nam đã giúp họ có cơ hội xem những bộ phim Nhà nước đặt hàng hay và ý nghĩa mà trước đây nghĩ “phim tuyên truyền”, “phim giáo điều”. Những bộ phim ấy giúp khán giả hiểu thêm về truyền thống cách mạng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân…

Sau loạt phim mới thử nghiệm trên Youtube, nhiều khán giả mong muốn được xem lại các bộ phim kinh điển, đạt nhiều giải thưởng quốc tế như: “Vợ chồng A Phủ”, “Chị Tư Hậu”, “Kim Đồng”, “Con chim vành khuyên”, “Cánh đồng hoang”, “Em bé Hà Nội”, “Nổi gió”, “Bài ca ra trận”, “Vỹ tuyến 17 ngày và đêm”, “Đến hẹn lại lên”, “Bao giờ cho đến tháng 10”, “Cô gái trên sông”, “Trở về”, “Tướng về hưu”, “Đời cát”, “Về nơi gió cát”, “Thương nhớ đồng quê”, “Chung một dòng sông”, “Biệt động Sài Gòn”, “Con chim vành khuyên”… Không cầu kỳ về kĩ xảo hình ảnh nhưng những bộ phim kinh điển ấy luôn đem tới cho khán giả cảm giác xúc động xen lẫn tự hào.