Công chức ngành THADS luôn làm tốt nhiệm vụ được giao
Ông Trần Phương Hồng sinh năm 1977, bước chân vào ngành Tư pháp từ năm 1998 tại TAND tỉnh Hải Dương, sau đó chuyển qua làm việc tại Cục Quản lý THADS Bộ Tư pháp, nay là Tổng Cục Thi hành án dân sự, với vai trò chuyên viên rồi Phó Vụ trưởng thuộc Tổng cục, Phó Cục Trưởng Cục Thi hành án Dân sự (THADS) tỉnh Hưng Yên.
Năm 2020, ông về làm Tổ phó Tổ công tác phía Nam của Tổng Cục đóng tại TP HCM và bây giờ là Phó Cục trưởng Cục THADS TP HCM. Đến nay, ông Trần Phương Hồng đã có hơn 27 năm làm công tác Tư pháp và THA.
TP HCM những năm gần đây là nơi xảy ra nhiều vụ án lớn, phức tạp với số lượng tiền và tài sản phải thi hành lên đến hàng chục nghìn tỷ, hàng trăm bất động sản nằm rải rác trên phạm vi cả nước, đối tượng phải thi hành là cán bộ có chức quyền đòi hỏi cán bộ THA phải vất vả hơn.
Chia sẻ với báo Pháp luật Việt Nam, ông Hồng cho biết: Công tác trong ngành Tư pháp 27 năm qua, tôi đã chứng kiến đất nước, xã hội cũng như ngành Tư pháp có nhiều thay đổi và phát triển vượt bậc. Có thể nói, ngày xưa, người dân và xã hội không có nhiều đòi hỏi đối với công tác THADS như bây giờ. Theo thời gian, Đảng và Nhà nước ta đã xem trọng ngành Tư pháp, nhất là trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền, người dân cũng có những đòi hỏi cao hơn đối với lực lượng làm công tác tư pháp. Riêng ngành THADS, trong đó có cơ quan THADS TP HCM đã có những bước phát triển lớn. Đặc biệt, sự ra đời của Luật THADS, tiếp đến là Nghị định số 74/2009/NĐ-CP đã xây dựng ngành THADS thành hệ thống từ trung ương đến địa phương, làm cơ sở để cơ quan THA đạt được những thành tích đáng ghi nhận với số lượng công việc ngày càng tăng về việc và tiền qua các năm.
![]() |
Công tác THADS luôn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. (Ảnh Cẩm Tú) |
Năm 2024, THADS TP HCM đã thụ lý hơn 164.000 tỷ đồng và hơn 115.000 việc, con số đó vượt hơn rất nhiều lần so với số vụ việc của các cơ quan THA khác trong cả nước. Qua đó, THADS đã giải phóng rất nhiều nguồn lực trong xã hội phục vụ lại cho phát triển kinh tế - xã hội.
“Trước cuộc cách mạng hiện nay về tinh gọn sắp xếp bộ máy tinh gọn mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Cục THADS TPHCM cũng đã tiên phong đi đầu trong việc đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Chúng tôi đã nỗ lực cố gắng và hoàn thành sớm trong thời gian tới, chậm nhất năm 2026 để nhân rộng, phổ biến trên toàn quốc. Hiện nay ngành THADS nói chung và Cục THADS TP HCM nói riêng đã sẵn sàng để tiếp tục các bước tiếp theo trong cuộc cách mạng sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính, để dù có thế nào công chức ngành THA cũng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao” – Phó Cục trưởng Trần Phương Hồng cho biết.
Những buồn vui nghề nghiệp
Chia sẻ về chuyện nghề, ông Hồng nhớ lại, những ngày còn làm tại Cục THADS tỉnh Hưng Yên, có một vụ việc ở huyện Văn Lâm làm ông nhớ mãi. Đó là khi tổ chức THA, đương sự chống đối, không hợp tác với cơ quan chức năng.
“Khi xây dựng kế hoạch cưỡng chế, chúng tôi đã dự kiến các tình huống. Tuy nhiên, đến ngày cưỡng chế, anh em chấp hành viên đi sớm thăm dò, thấy nhà đó thuê hơn 30 chiếc xe 3 bánh dán nhãn thương binh xếp chật cứng cái ngõ đó, mà lối vào thì chỉ duy nhất có một hướng nên anh em phải rút quân về” – ông kể - Chúng tôi đã xin ý kiến thay đổi phương án, tạm dừng để tiếp tục vận động thuyết phục, 07 ngày sau bố trí lực lượng bất ngờ cưỡng chế, giao được tài sản là căn nhà cho người được THA, an toàn về người và tài sản”.
"Qua trinh sát, được biết gia đình đó làm nghề sản xuất bì bóng, trong nhà có những con dao dài và sắc, sẵn sàng dùng đối phó với cơ quan chức năng, nhưng chúng tôi đã thành công trong việc THA, đem lại hạnh phúc, nụ cười cho một gia đình khác, cho người dân".
Ngoài trường hợp đó còn có các vụ việc mà người phải THA là gia đình người có công với Cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ hoặc người có công, cơ quan THA cũng tìm hiểu để xây dựng các phương án khác nhau, để khi có tình huống đó xảy ra thì lực lượng cưỡng chế có đủ thành phần (như đại diện chính quyền địa phương, Sở LĐTBXH, cơ quan làm chính sách, các đoàn thể,…) để vận động gia đình chấp hành bản án theo qui định pháp luật….
![]() |
Theo Phó Cục trưởng Trần Phương Hồng, nếu người dân có ý thức tốt, tự nguyện chấp hành thì công tác THA đỡ vất vả, không phải cưỡng chế, kê biên, như vậy sẽ tránh được các sai sót không đáng có. |
“Nhiều năm làm nghề, tôi từng có thông tin đồng nghiệp bị chống đối trong quá trình thi hành công vụ dẫn đến tai nạn thương tâm. Nghề thi hành án là nghề đối đầu với quyền và lợi ích các bên. Khi ở Toà án, tuy họ biết họ thua và phải giao tài sản nhưng họ chưa nhận thức được nghĩa vụ của mình, đến khi THA họ thấy mất mát ngay trước mắt nên chống đối quyết liệt. Có nhiều trường hợp, cán bộ THA bị thương tích đầy mình (như ở Thái Nguyên, Bạc Liêu). Còn bị lăng mạ, chửi bới là chuyện thường xuyên xảy ra đối với lực lượng THADS”, ông Hồng chia sẻ.
Ngoài những sự vất vả, nguy hiểm thì cũng có rất nhiều câu chuyện vui như người phải THA họ lên cơ quan khiếu nại ầm ĩ nhưng khi được lãnh đạo cơ quan THA, chấp hành viên tận tình giải thích, họ hiểu ra là có nghĩa vụ thì phải chấp hành và “cảm ơn các cán bộ”. Hoặc như khi người được thi hành án họ tay quai tay xách vượt mấy trăm cây số lên cho mình ít quà quê, kiểu “của nhà trồng được” hoặc đi đâu đó ghé ngang cơ quan sẵn thăm anh em, mời nhau ly cà phê hoặc cùng ăn bữa cơm tại bếp ăn tập thể ở căn tin Cục THADS thì cũng là vui.
Điều làm ông Trần Phương Hồng trăn trở nhất trong nhiều năm công tác là, cùng với sự phát triển của đất nước, hệ thống pháp luật có sự thay đổi, xây dựng và phát triển liên tục nên có những thay đổi trong thể chế để có sự thích ứng ngay kịp thời đảm bảo thực thi đúng những cái mới. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, ý thức chấp hành pháp luật của người dân cũng được nâng lên nhưng cũng chưa đảm bảo đáp ứng yêu cầu của một nền tư pháp hiện đại của một Nhà nước pháp quyền. Nếu người dân có ý thức tốt, tự nguyện chấp hành thì công tác THA đỡ vất vả, không phải cưỡng chế, kê biên, như vậy sẽ tránh được các sai sót không đáng có.
Muốn vậy, Nhà nước cần đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, giữa các ngành pháp luật khác nhau, hướng tới quản lý được tài sản thu nhập của người dân, tổ chức, doanh nghiệp để công tác THADS thuận lợi hơn. Ngoài ra, phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chế tài trong lĩnh vực dân sự, hành chính, hình sự để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Khi được hỏi trong những năm qua, với số vụ việc phải thi hành với tổng số tiền và tài sản lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, có khi nào cán bộ THADS cảm thấy bị cám dỗ, ông Hồng cho biết: Đây là lĩnh vực nhạy cảm, nên bằng nhiều biện pháp, lãnh đạo Cục THADS TPHCM luôn yêu cầu anh chị em tuân thủ các quy định của pháp luật, hạn chế tối đa các sai phạm và chưa phát hiện ra trường hợp nào xâm phạm tiền, tài sản THADS. Tuy nhiên, các trường hợp bộc phát cá nhân thì cũng có. Nhưng lãnh đạo Cục đã nhanh chóng kịp thời phát hiện và xử lý cá nhân vi phạm, đồng thời thực hiện khẩn trương, toàn diện các biện pháp phòng ngừa và sẽ tiếp tục thường xuyên bằng nhiều biện pháp đồng bộ để phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong công tác THADS trên địa bàn TP HCM.
"Áp lực lớn nhất của chúng tôi trong công tác THADS đấy là trong dòng chảy cuộc sống, mỗi con người chúng ta ai cũng đều có những mối quan hệ phải trái đan xen lẫn nhau. Công tác THADS như tôi đã nói ở trên là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích, tài sản các bên. Việc có yếu tố tác động từ phía này phía kia trong quá trình THA là không tránh khỏi. Nhưng chúng tôi luôn cố gắng giữ cho mình làm đúng, giải quyết vụ việc tốt nhất có thể theo đúng qui định pháp luật để hài hoà lợi ích các bên." - ông nói.
Hiện bình quân một năm, một chấp hành viên tại TPHCM phải xử lý hơn 400 vụ việc tương ứng với số tiền hơn 400 tỷ đồng, nên áp lực đảm bảo đúng thời hạn là rất khó. Ngày chỉ có từng đấy giờ, áp lực cuộc sống, áp lực công việc còn đòi hỏi đảm bảo chất lượng, đảm bảo thời gian là khó khả thi, nhưng chúng tôi luôn cố gắng hết mình hoàn thành nhiệm vụ được giao ở mức cao nhất.
Làm nghề có vất vả, có hiểm nguy nhưng cũng có kỷ niệm. Bây giờ nếu cho tôi được chọn lại, tôi cũng vẫn sẽ chọn nghề thi hành án - nghề nghiệp gắn với cuộc đời mình.