Tuy nhiên, số liệu mà ông Sơn đưa ra minh chứng cho “chi trả tốn kém, không hiệu quả của bảo hiểm y tế mấy năm qua” lại là con số hàng nhập khẩu nước cất ống nhựa của Ấn Độ. Đây là sự quan liêu trong quản lý hay cố tình “dìm chết” doanh nghiệp (DN) trong nước của BHXH Việt Nam?
Bảo vệ ống thủy tinh, tiếp tay cho ống nhựa nhập khẩu
Từ năm 2009, Việt Nam đã phải nhập khẩu từ Ấn Độ một sản phẩm tưởng chừng rất đơn giản, đó là nước cất pha tiêm để phục vụ nhu cầu điều trị. Câu hỏi đặt ra, tại sao DN dược trong nước lại không thể sản xuất một sản phẩm đơn giản như vậy mà phải nhập khẩu và bị mất thị trường bởi sản phẩm ngoại nhập.
Câu trả lời nằm ở lý do duy nhất là công nghệ tạo ra sản phẩm, trong khi trên thế giới đã dịch chuyển thuốc tiêm đóng trong bao bì ống nhựa, thuận lợi và an toàn cho người sử dụng thì Việt Nam vẫn dùng công nghệ thủy tinh truyền thống. Vì thế, khi được nhập khẩu vào Việt Nam, sản phẩm thuốc tiêm ống nhựa của Ấn Độ đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và lấn dần thị phần của ống thủy tinh truyền thống.
Trả lời PLVN, ông Sơn cho rằng, năm 2015 có 3.500.000 ống nước cất được đưa vào đấu thầu tại khu vực Hà Nội đã cho thấy nhu cầu sử dụng sản phẩm nước cất ống nhựa rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Đây thực sự là mảnh đất tiềm năng dành cho các công ty dược trong nước. Nhưng tận 6 năm sau mới có một công ty của Việt Nam là CPC 1 Hà Nội dám đầu tư hàng trăm tỷ để đưa công nghệ tiến tiến nhất của thế giới về Việt Nam.
Tuy nhiên, thay vì ủng hộ và tạo cơ chế cho DN tiên phong đầu tư công nghệ mới sản xuất sản phẩm để cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước theo định hướng của ngành Dược, thì email chỉ đạo riêng của lãnh đạo BHXH gửi 63 tỉnh, thành với lý do “độc quyền giá cao” đã “loại thẳng tay” DN sản xuất trong nước.
Trao đổi với PLVN, ông Sơn khăng khăng “giữ quỹ bảo hiểm” với quan điểm sử dụng ống thủy tinh truyền thống thay vì ống nhựa công nghệ mới: “Nếu nước cất ống nhựa giảm xuống 600-800 đồng thì ống thủy tinh cũng sẽ rẻ hơn”, không sử dụng các sản phẩm đóng gói ống nhựa vì “độc quyền giá cao”.
Tuy nhiên, với ý kiến chỉ đạo trưởng phòng BHXH 63 tỉnh, thành, ông Sơn đã “loại” được sản phẩm sản xuất trong nước, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc các bệnh viện sẽ quay ra sử dụng sản phẩm ống thủy tinh mà họ lại sử dụng sản phẩm nước cất ống nhựa của Ấn Độ mà trước đây họ từng sử dụng. Tính toán “rẻ đắt” và “hiệu quả” của ông Sơn có thực sự “vì ống thủy tinh”, “vì quản lý quỹ hiệu quả” hay đang ủng hộ tiêu tốn tiền cho hàng ống nhựa nhập khẩu từ Ấn Độ?
Trở lại với ý kiến của vị Phó Tổng Giám đốc này trả lời PLVN: “Chênh lệch từ ống nhựa sang ống thủy tinh gấp 2-3 lần, chênh nhau trung bình 500 đồng thì với hàng triệu ống được đưa vào đấu thầu và đưa vào sử dụng, với 3.500.000 ống nước cất được đưa vào đấu thầu tại khu vực Hà Nội, nửa năm 2015 thôi thì sẽ là bao nhiêu tiền? Vậy có thực sự cần thiết không?”
Minh chứng cho việc nước cất ống nhựa do Việt Nam sản xuất “độc quyền giá cao” gây lãng phí về quỹ bảo hiểm, ông Sơn lại vô tình nhầm lẫn số liệu BHXH đã chi trả cho sản phẩm nước cất của Ấn Độ trúng thầu tại Hà Nội năm 2015. Và việc loại bỏ hàng sản xuất trong nước theo chỉ đạo của ông Sơn đã buộc các bệnh viện phải sử dụng sản phẩm nhập khẩu của Ấn Độ và Quỹ bảo hiểm lại lãng phí 1 lượng ngoại tệ rất lớn.
Giữ quỹ hay là giữ cái gì?
Theo các bệnh viện, sản phẩm được đón nhận thay thế các sản phẩm đóng gói truyền thống hay hàng ngoại nhập của Ấn Độ, Trung Quốc bởi tính tiện lợi, an toàn của sản phẩm cũng như xử lý rác thải. Ông Sơn không thể vì cái lý do “tiết kiệm” mà đẩy nhân viên y tế vào những rủi ro có thể gặp phải, thay vì đó phải lựa chọn những sản phẩm tốt hơn, ưu việt hơn.
Hơn ai hết lãnh đạo BHXH phải hiểu rõ việc lựa chọn sản phẩm dùng trong điều trị phải do cơ sở khám chữa bệnh quyết định để đáp ứng được Quyết định 3671/QĐ-BYT ngày 27/9/2012 công bố các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn, trong đó có hướng dẫn tiêm an toàn hay hay Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 về quy định về quản lý chất thải y tế do Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành xếp mảnh vỡ thủy tinh là “chất thải lây nhiễm sắc nhọn” loại A trong chất thải nguy hại và lây nhiễm, phải xử lý đặc biệt.
Còn chất thải là các vật liệu nhựa xếp loại chất thải y tế thông thường được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế. Nhưng ông Sơn đã chỉ đạo các bệnh viện đi ngược chỉ đạo của ngành Y tế, đi ngược với xu hướng phát triển và định hướng của ngành Dược bằng “bức thư lạ” mà PLVN đã đề cập.
Như vậy, quan niệm giữ Quỹ cho “đúng mục đích, hiệu quả và tiết kiệm” của ông Sơn là phục vụ cái gì khi mà sản phẩm nước ngoài vẫn ung dung chiếm lĩnh và xâm nhập thị trường tỏng nước? Sau bức thư chỉ đạo của ông Sơn, ngân sách quỹ và ngoại tệ tiêu tốn hơn cho sản phẩm nước ngoài và DN Dược trong nước thì thua ngay trên sân nhà.
Với cách quản lý của lãnh đạo BHXH như thế này, cơ chế nào để cho DN yên tâm đầu tư sản xuất hay tiếp tục thất bại ngay chính trên sân nhà? Liệu đây có phải là lý do ngành Dược cứ bé mãi và chúng ta là thị trường màu mỡ cho các DN nước ngoài? Chúng tôi tiếp tục sẽ tìm hiểu vấn đề này.
Bằng năng lực chuyên môn cá nhân của ông Sơn đã đánh đồng tiêu chuẩn chất lượng của 2 công nghệ ống nhựa và ống thủy tinh mà Bộ Y tế đã thẩm định sự khác nhau hoàn toàn, đồng thời ép các đơn vị điều trị không được sử dụng sản phẩm mà Bộ Y tế cấp phép là ống nhựa. Vậy ông Sơn và Bộ Y tế ai có quyền hơn trong chỉ đạo chuyên môn y tế?