Theo ông Lộc, công tác cán bộ là hoạt động thường xuyên, liên tục của Đảng nhằm đáp ứng yêu cầu công tác và tình hình thực tiễn của địa phương. Đồng thời quan điểm của tỉnh là thực hiện trên cơ sở xem xét phẩm chất, năng lực, tiêu chuẩn, điều kiện công tác của cán bộ, đảng viên.
“Việc điều động ông Nhơn về Hội Chữ thập đỏ tỉnh dựa trên yêu cầu nhiệm vụ công tác và đã thống nhất trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đảm bảo điều động đúng quy định của Đảng, Nhà nước. Tỉnh cũng đã xem xét đảm bảo quyền lợi của ông Nhơn”, ông Lộc nói.
“Theo khoản 1 Điều 2 Điều lệ Đảng quy định, mỗi đảng viên phải có nghĩa vụ “phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng”. Tuy nhiên, theo ông Lộc, ông Nhơn đã “phớt lờ” quy định và từ chối nhận quyết định điều động của cấp trên. Hành động này thể hiện thái độ coi thường tổ chức và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên vì bản thân ông Nhơn là cán bộ lãnh đạo và là người đứng đầu cấp ủy của đơn vị. Không những thế, ở góc độ là một người đảng viên, hành động của ông Nhơn đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và hình ảnh của đảng viên, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”, vị Chánh Văn phòng cho biết.
Lý giải về việc điều động, ông Lộc cho biết thêm, tại Điều 26 Luật Cán bộ công chức quy định rõ: “Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, quy hoạch cán bộ, cán bộ được điều động, luân chuyển trong hệ thống các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Việc điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện theo quy định pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền”.
Theo Điều 35 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức: “Việc điều động công chức được thực hiện trong các trường hợp: Theo yêu cầu nhiệm vụ cụ thể; Chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật; Theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền”. “Như vậy, việc điều động ông Nhơn sang Hội Chữ thập đỏ, UBND tỉnh đã làm đúng quy định, không có gì sai”, ông Lộc nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Lộc cho biết, theo quy định tại Nghị quyết số 21/2014/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 của HĐND tỉnh Hậu Giang nêu rõ: “Hỗ trợ bằng 25% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) với cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động đến công tác tại Hội đặc thù trên địa bàn tỉnh”. Quyền lợi về chế độ, chính sách của ông Nhơn vẫn được đảm bảo.
Buổi lễ trao quyết định công tác cán bộ của UBND tỉnh Hậu Giang ngày 30/5 |
Một nguồn tin cho biết, vào năm 2018, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang đã có báo cáo về việc gợi ý kiểm điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với ông Nhơn. Theo kết luận, ông Nhơn đã mắc một số khuyết điểm: Chưa chủ động nắm tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên (cán bộ Sở bị xử lý kỷ luật, cán bộ công chức nghỉ việc nhiều); với vai trò là Bí thư Đảng ủy Sở, trong lãnh đạo, chỉ đạo chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; chưa thực hiện tốt chức năng lãnh đạo của Đảng; việc thực hiện quy chế dân chủ còn nhiều hạn chế, thiếu chủ động tổ chức thực hiện các quy chế, chưa mạnh dạn đấu tranh xây dựng nội bộ; đặc biệt chưa tạo sự đoàn kết giữa Đảng ủy và Ban Giám đốc Sở.
Trước đó, như PLVN đã thông tin, chiều 30/5, ông Đồng Văn Thanh, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang đã chủ trì lễ công bố các quyết định về công tác cán bộ. Trong đó, có quyết định điều động ông Nhơn về Hội Chữ thập đỏ tỉnh để bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội nhưng ông Nhơn từ chối nhận quyết định, cho rằng vị trí công tác mới không phù hợp chuyên môn, nghiệp vụ...
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm của ông Nhơn, ngày 22/8, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã công bố quyết định kỷ luật Đảng ông Nhơn bằng hình thức khiển trách. Trên cơ sở đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, căn cứ khoản 3 Điều 10 Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức “không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền”, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nhơn bằng hình thức cảnh cáo.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Toàn (Đoàn Luật sư TP HCM), khoản 5 Điều 9 Luật Cán bộ, Công chức năm 2008, quy định nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ: “Chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.”. Quan điểm cá nhân ông Nhơn cho rằng quyết định của UBND tỉnh sai và kiên quyết không nhận quyết định là không đúng quy định, Luật sư Toàn nhận xét.