"Phò mã "chúa đảo" và thú chơi tạo đẳng cấp

"...Cho đến khi Luala concert ra đời, và cậu công tử Đỗ Ngọc Minh (con trai của nguyên Chủ tịch Agribank Đỗ Tất Ngọc và con rể của chúa đảo Tuần Châu Đào Hồng Tuyển) hoàn toàn có thể tự hào rằng mình là một đại diện ngang cơ với những vị tay chơi hơn sáu, bảy chục năm trước".

Không có cái kênh kiệu, hợm hĩnh như nhiều dân nhà giàu cậy của đè người, tay chơi Đỗ Ngọc Minh - người khởi xướng Luala Concert - có những thú chơi rất khác người.

Năm hai mươi sáu tuổi tôi gặp Đỗ Ngọc Minh ở nhà hàng Rendes-vous cạnh khách sạn Phú Gia nổi tiếng từ thời Pháp, nhìn ra Bờ Hồ. Lúc ấy Minh mới đi học cao học ở Úc về, bỏ vốn định làm một tờ tạp chí cho giới tri thức trẻ. Chuyện không thành, Minh vẫn vui vẻ trả nhuận bút cho những người đã được đặt bài.

"Tay chơi" xứ Hà Thành - Đỗ Ngọc Minh.

Tận hưởng ở vỉa hè

Bẵng đi tám chín năm, Minh đã thành ông chủ của một công ty, từng mở mấy nhà hàng, rồi có mấy cửa hàng bán quần áo xa xỉ ở phố Lý Thái Tổ, mang một cái tên rất hình tượng - Luala - hay nghĩa tiếng Việt như Minh giải thích là Lụa Là. Nhưng Luala chỉ trở nên rôm rả trên truyền thông khi tổ chức Luala concert ngay tại vỉa hè trước hiệu quần áo thời trang cao cấp vốn chỉ có các "đại gia" và "ngôi sao" vào mua.

Với những ai chưa nghe nói đến Luala concert thì nó là thế này: tuần ba buổi, vào chiều thứ bảy, sáng và chiều chủ nhật, người Hà Nội quây quần trong cái se lạnh của trời thu đông (rét quá thì đã có đèn ga sưởi) bên góc phố Lý Thái Tổ - Lý Đạo Thành, gần khách sạn Metropole và Nhà hát Lớn, địa điểm vàng của Hà Nội, để nghe các nghệ sĩ của dàn nhạc giao hưởng chơi các bản nhạc của Beethoven, Vivaldi…

Đôi khi ông chủ Luala cao hứng, còn có rượu vang và bánh mặn cho khách mời nhấm nháp. Khung cảnh lịch lãm mà không quá xa cách, bởi khoảng hai mươi nghệ sĩ chỉ cách công chúng chừng vài thước. Họ say mê chơi nhạc, chủ yếu là dàn nhạc dây, như họ vẫn chơi trong nhà hát. Người ta ngạc nhiên vì nhạc cổ điển gần gũi thế và mỗi người đứng nghe hoặc chỉ cần ngắm cũng thấy mình được… tận hưởng cuộc sống, nhất là ở Hà Nội.

Một không gian nghệ thuật được mở ra để cộng đồng cùng thưởng thức.

Luala concert đã bước sang mùa thứ ba, sau mùa Thu - Đông và Xuân của năm ngoái. Báo chí khen hết lời và chăm chỉ điểm danh những tên tuổi đến nghe như một event hứa hẹn chuyện ngôi sao hội tụ cạnh tranh độ “hot”.

Người ta bỗng thấy mừng vì Hà Nội đã có một góc phố lịch lãm từ khung cảnh đến nội dung hoạt động trên nền khung cảnh đó, và mừng hơn nữa vì hoạt động ấy đã đúng hẹn mà tái ngộ công chúng sau một năm, điều lâu lắm rồi không thấy ở Hà Nội.

Đường kim mũi chỉ làm nên Lụa là

Đón nhận những xưng tụng của báo chí cùng những lời có cánh của truyền thông, Minh, giờ đây là người đàn ông 36 tuổi, có vợ và ba con, vẫn bình tĩnh.

“Tớ không có tham vọng muốn xây dựng một mô hình nghệ thuật để đưa ngược lại vào Nhà hát Lớn hay khán phòng. Tớ chỉ muốn sẽ có nhiều người có tài chính mạnh tham gia góp phần cho những hoạt động thế này được duy trì. Dù tớ hay ai đứng ra làm, dù mang tên Luala hay gì, cộng đồng sẽ luôn có được một nơi chốn để hình thành một thói quen thưởng thức mới”, Minh vui vẻ nói khi tôi băn khoăn về mục đích duy trì hoạt động tốn kém này.

Dù như Minh nói, chương trình hòa nhạc này cũng để quảng bá cho thương hiệu Luala, nhưng chi phí cho những buổi hòa nhạc quả là tốn kém.

Từ lực lượng nhạc công lên tới hai mươi người, đôi khi có cả ca sĩ tham gia như năm ngoái là Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ, các giọng soprano Hồng Vy, Hà Phạm Thăng Long, năm nay có thêm Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, rồi chi phí phục vụ cho cả lượng khách đến dự… làm sao cho khung cảnh vừa cởi mở vừa có được cảm giác chăm chút đối với bất kỳ ai ghé qua hay vì tiếng nhạc mà chân bị níu lại, mỗi buổi không dưới trăm người.

Cái dở của khung cảnh thưởng thức ở Hà thành lâu nay là đại khái, thường chỉ làm cho tốt hoặc ra tấm ra món hạng mục chính, còn những thứ “râu ria” như chăm chút cái vỉa hè, cái mùi thơm hay hơi ấm sưởi cho người tới dự thì kệ.

Luala concert khắc phục được những chi tiết ấy, nó còn tạo ra những buổi chiều cuối tuần mà những nhân vật đình đám của giới showbiz ăn mặc thật đẹp để ngồi nghe nhạc sĩ Nguyễn Xuân Huy chơi violon và chỉ huy dàn nhạc. Có thể nói, Lụa Là đẹp nhờ đường kim mũi chỉ, nhờ sự bếp núc cẩn trọng của người cầm chịch.

Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Huy, người đã có nhiều năm theo đuổi sự nghiệp chơi violon ở châu Âu, người chịu trách nhiệm chính trong việc hình thành nên dàn nhạc và mời gọi các anh em chơi nhạc đến cùng góp mặt ở vỉa hè, cắt nghĩa lý do việc Luala concert duy trì được là vì “anh em chơi nhạc cảm thấy mình được tôn trọng ở một nơi như thế này”.

Tôi nghĩ chỉ cần câu nói đó của anh Xuân Huy là đủ để trả lời những nghi ngại về phản hồi của công chúng. Giữa mênh mông cơn sóng truyền thông tạo nên bức tranh ảo - cả nghĩa đen, tức là thế giới trên mạng, lẫn nghĩa bóng - của nền nghệ thuật biểu diễn nước nhà thì sự kiên trì của những người làm nên Luala concert thật đặc biệt, thật hiếm.

Ở Hà Nội bây giờ có lẽ nhiều người giàu, đi xe hơi hàng trăm nghìn đô, chơi cây cảnh, đá quý bạc tỷ, có nhà ở những địa điểm đắt giá nhất Hà Nội (nghĩa là đắt có hạng trên quả đất này, cỡ vài triệu đô), nhưng hình như họ thu hẹp cuộc chơi trong một thiểu số “chỉ chúng mình với nhau”.

Việc Minh đứng ra tổ chức Luala concert hình như là một ví dụ tích cực đơn lẻ cho việc định nghĩa thế nào là thưởng thức cuộc sống trong cái thời sự giàu có vẫn được đo bằng việc ngắm tài sản cố định, bằng nhìn tiền đầy trong tài khoản.

"Trót yêu hoa nên gian díu với tình"

Tôi từng dự vài cuộc thưởng ngoạn nghệ thuật minido Minh tổ chức tại nhà như nghe ca trù hay ra mắt một bộ phim của đạo diễn trẻ Phan Đăng Di. Có lẽ những buổi nho nhỏ ấy đã là cơ sở cho việc nhen nhóm lên mô hình của Luala concert, đã làm nên một đời sống nữa cho cả một góc Hà Nội, đánh động những chốn hàn lâm mũ cao áo dài ngủ yên mấy chục năm chờ ngày nhận lương hưu.

Hoặc ngay trang SOI - trang web mỹ thuật do Minh bỏ vốn đầu tư, một công việc quá đỗi kiên trì để tạo ra một kênh tiếp cận mỹ thuật, để các họa sĩ vừa có nơi đọc, vừa có chỗ bàn luận với nhau. Tất cả đều là những việc không sinh lời, nhưng có lẽ không cần phải nghi ngại với ông chủ của nó về chuyện làm ăn.

Gia đình Đỗ Ngọc Minh.

Người ta hay kể về một Hà Nội xưa, với những công tử Hà thành nức tiếng, những Đoàn Chuẩn có sáu cái xe hơi đắt nhất thời trước, sẵn sàng bỏ tiền mua hoa hồng một năm trời ngày nào cũng gửi đến nhà người đẹp… nhưng những huyền thoại đó xưa quá rồi. Người ta chỉ còn thấy trước mắt là một Hà Nội nhem nhuốc. Hà Nội vẫn chẳng có một không gian nào đủ sang trọng, lịch lãm, để không phải hồi cố mà để cho người thời nay được thưởng thức văn hóa, được tắm mình trong tinh thần phục hưng nghệ thuật.

Nhà hát Lớn đã được trùng tu, nhưng vẫn là một khối lâu đài khép kín, và người ta đã thấy có cả những show ca nhạc tạp kỹ hạng hai diễn ra cả tháng trời ở đó. Hà Nội không có nổi 500m vỉa hè liên tục nào có bộ mặt tráng lệ. Những sự kiện nghệ thuật đường phố vẫn bặt tăm hoặc nếu có thì chỉ trong khuôn khổ các lễ hội nhà nước thực hiện.

Cho đến khi Luala concert ra đời, và cậu công tử Đỗ Ngọc Minh (con trai của nguyên Chủ tịch Agribank Đỗ Tất Ngọc và con rể của chúa đảo Tuần Châu Đào Hồng Tuyển) hoàn toàn có thể tự hào rằng mình là một đại diện ngang cơ với những vị tay chơi hơn sáu, bảy chục năm trước.

Ở Minh có cái hay là cậu đối xử với ai cũng thoải mái được. Không có cái kênh kiệu, hợm hĩnh như nhiều dân nhà giàu cậy của đè người. Cậu có thể ngồi ăn trong nhà hàng sang nhất Hà Nội với đủ lệ bộ cầu kỳ, nhưng cũng có thể ngồi bệt quán nước vỉa hè ga Hàng Cỏ nửa đêm nói chuyện với cánh xe ôm, giang hồ như bạn đã quen.

Câu chuyện của Minh bao giờ cũng có cái vẻ vui sống rất là joie de vivre, hơi bông lơn, có khi châm chọc, có khi bỡn cợt người đối diện, nhưng toát lên một tinh thần hiểu biết và sẵn lòng chia sẻ sự hiểu biết đó.

Luala concert có thể không đến nỗi quá kỳ lạ, nhưng hình như phải có bàn tay “tay chơi” của Minh mới diễn ra thông đồng bén giọt và đã ghi một dấu ấn tốt đẹp cho một Hà Nội đang khát không gian tiêu khiển đẳng cấp.

Người giàu Việt Nam đầu tư cho không ít chương trình nghệ thuật giải trí hay thể thao, nhưng ở những chương trình đó, mục đích quảng cáo rất cụ thể rõ ràng như đồng tiền vốn phân minh. Còn Luala concert của Đỗ Ngọc Minh, quảng cáo cho các hiệu quần áo đắt tiền xung quanh ư? Hình như vẫn quá ít người đến xem nhạc mà mua mấy bộ cánh giá đắt ghê người đó.

Nhưng không hề gì, điều chủ nhân của nó có thể làm được lúc này là hài lòng với một không gian nghệ thuật đã mở ra để cộng đồng cùng thưởng thức. Và cho đến lúc này, (đáng buồn là) Luala concert của Minh vẫn chưa có dấu hiệu bị cạnh tranh.

Theo Phụ nữ TP HCM

Đọc thêm