Cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM, việc hỗ trợ lãi suất, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp (DN) và giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất thấp cho DN (theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN) đến cuối tháng 4/2020 đạt 290.577 tỷ đồng cho 223.990 khách hàng.
Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 162.745 khách hàng với dư nợ đạt 51.083 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 17.758 khách hàng với dư nợ đạt 48.771 tỷ đồng. Cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay cho 43.487 khách hàng với doanh số đạt hơn 190.000 tỷ.
Cho vay lãi suất ưu đãi ngắn hạn bằng VNĐ (lãi suất không quá 5%/năm) với 5 nhóm ngành, lĩnh vực (DN nhỏ và vừa, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao), dư nợ đến cuối tháng 4/2020 đạt gần 165.000 tỷ đồng, với 31.538 khách hàng vay vốn.
Đến ngày 25/5, thông qua công tác phối hợp với các đơn vị, sở, ngành trên địa bàn nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho DN, NHNN chi nhánh TP HCM đã tiếp nhận 409 trường hợp được gửi về từ các sở, ngành. Trong đó, đang xử lý 214 trường hợp và đã có kết quả xử lý 195 trường hợp.
Bên cạnh đó, thời gian qua, NHNN Chi nhánh TP HCM phối hợp các sở, ngành, quận, huyện tăng cường thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN tạo điều kiện thuận lợi cho DN, hộ kinh doanh tiếp cận vốn. Đến cuối tháng 4/2020 thực hiện giải ngân 35.855 tỷ đồng (trong gói tín dụng hơn 274.450 tỷ đồng mà 12 ngân hàng cam kết thực hiện năm 2020) với 4.571 khách hàng.
Giải ngân vốn cho doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất, tăng dự trữ nguyên vật liệu
Tại Hội nghị, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP phản ánh, số DN trong ngành nhận hỗ trợ sau dịch còn rất ít.
Theo lý giải của bà Chi, các DN lương thực, thực phẩm có tính chất vụ mùa. Vào mùa Tết, DN thường tăng doanh thu và sản lượng, do đó, doanh thu tháng Tết bao giờ cũng tăng, nên khó chứng minh được thiệt hại do dịch. Bên cạnh đó, trong thời gian dịch bệnh vừa qua, nhiều DN cam kết với TP bình ổn, không tăng giá. Ngoài thị trường TP HCM với hơn 13 triệu người, nhiều DN có phạm vi hoạt động trên toàn quốc.
“Hiện nhiều DN dùng hết nguyên vật liệu dự trữ đợt vừa rồi, tuy nhiên, bây giờ nguyên vật liệu bị tăng giá, chi phí nhập kho bị tăng lên. Tới giờ phút này rất cần hỗ trợ của ngân hàng. Đề nghị NHNN và các tổ chức tín dụng (TCTD) hỗ trợ các DN tiếp cận cho vay mới, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất vay để DN lương thực, thực phẩm tái cơ cấu sản xuất, tăng dự trữ nguyên vật liệu”, bà Chi nói.
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) mong muốn các ngân hàng thương mại thực hiện chỉ đạo của NHNN hỗ trợ các DN nhanh hơn, chính xác và đúng đối tượng.
Bên cạnh đó, theo ông Anh, có những đối tượng DN không đưa vào diện hỗ trợ nhưng các ngân hàng cũng nên quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ. Những DN này đã nỗ lực vượt khó qua 3 tháng Covid-19, nhưng khi khởi động trở lại sau giãn cách thì các DN lại “bị yếu” do thị trường tiêu thụ giảm.
Theo ông Anh, bên cạnh những khó khăn thì sau dịch cũng là cơ hội cho nhiều ngành phát triển, ví dụ ngành nhựa và cao su có nhiều triển vọng. Do đó, đây là lúc các ngân hàng cần tăng cấp tín dụng cho những DN có cơ hội với lịch sử tín dụng “ sạch” nhằm nhập khẩu nguyên vật liệu, trữ hàng cho sản xuất các năm tiếp theo nhằm nắm bắt cơ hội.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, Thông tư 01/2020/TT-NHNN phân loại các đối tượng khách hàng. Căn cứ vào Thông tư này, các ngân hàng phải chủ động xem xét; công khai, minh bạch pháp lý các bước thực hiện cơ chế hỗ trợ miễn giảm cho DN do bị ảnh hưởng dịch.
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 02/CT-NHNN của Thống đốc NHNN với tính thần quyết liệt nhằm kịp thời hỗ trợ lãi suất, cơ cấu lại nợ cho DN và giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất thấp cho DN.
NHNN Chi nhánh TP HCM cần tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các chi nhánh TCTD trên địa bàn không chấp hành, chậm xử lý, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm trong triển khai theo đúng chủ trương của ngành, quy định và chỉ đạo của NHNN.
Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh TP HCM cần coi kết nối NH - DN là giải pháp thường xuyên, liên tục và cần triển khai làm sâu hơn với các hiệp hội ngành hàng.