"Chính phủ sẽ có chính sách tốt nhất cho báo chí"
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ, Năm 2019 là năm có nhiều áp lực với Chính phủ đồng thời cũng là năm thứ 2 liên tiếp chúng ta đạt được 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; công tác phòng chống tham nhũng được thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng... Những thành tựu đó có đóng góp quan trọng của hệ thống báo chí. "Sự đóng góp của cơ quan báo chí là vô cùng quan trọng và quý báu. Báo chí không chỉ là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước mà còn thực sự là tiếng nói của Nhân dân", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng chỉ ra nhiệm vụ quan trọng nhất mà Ban tuyên giáo, Bộ Thông tin & Truyền thông cần thực hiện trong thời gian tới là thực hiện tốt quy hoạch báo chí. "Chính phủ sẽ có những chính sách thuận lợi nhất cho báo chí. Điều tốt nhất để báo chí phát triển chính là các cơ quan hành chính phải gương mẫu trong việc cung cấp thông tin", Phó Thủ tướng khẳng định.
Cùng quan điểm này, Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương Võ Văn Thưởng đã dẫn chứng cụ thể một số trường hợp như: vụ việc 39 lao động Việt Nam thiệt mạng tại Anh, vụ cháy tại nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông, ô nhiễm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... do các cơ quan chức năng thông tin chậm chễ, thậm chí né tránh dẫn đến hệ quả báo chí đưa tin không được chính xác.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh một số kết quả mà Ban tuyên giáo đã thực hiện được trong năm 2019. Trong đó không thể không kể đến công tác chỉ đạo định hướng báo chí có nhiều kết quả tích cực; thực hiện quy hoạch báo chí không hình thức; công tác quản lý nhà nước, công tác hội có nhiều đổi mới... Cùng với đó, Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương Võ Văn Thưởng cũng thẳng thắn cho rằng còn hoạt động báo nhiều tồn tại cần khắc phục như: "báo hóa" tạp chí điện tử, quy hoạch báo chí chưa đảm bảo tiến độ, công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí chưa được quan tâm đúng mực.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị. |
Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là thời điểm đặt ra cơ hội và thách thức cho những người làm báo. Do đó, các cơ quan báo chí cần thực hiện theo đúng chỉ đạo định hướng thông tin về các vấn đề phức tạp, nhạy cảm đồng thời tích cực thông tin về các sự kiện, chính trị của đất nước, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quy trình sản xuất, biên tập tin bài...
Các cơ quan báo chí cũng cần chủ động sắp xếp bộ máy, nhân sự và hoạt động nghiệp vụ phù hợp với Quy hoạch quản lý và phát triển báo chí toàn quốc đến năm 2025 đồng thời nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc, giải quyết vấn đề kinh tế báo chí một cách khoa học, phù hợp với đặc điểm báo chí trong nước và xu hướng phát triển truyền thông hiện đại.
Năm đầu tiên thực hiện quy hoạch báo chí
Phát biểu chào mừng Hội nghị, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành đã thông tin với các đại biểu về kết quả phát triển kinh tế- xã hội đạt được trong năm qua của TP Hải Phòng và đánh giá cao công tác báo chí trong thời gian qua trong việc thông tin tuyên truyền, góp phần xây dựng đất nước và phát triển xã hội.
Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 600 đại biểu khắp cả nước |
Tính đến ngày 30/11/2019, cả nước có 850 cơ quan báo chí, trong đó có 179 cơ quan báo, 648 tạp chí, 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập; có 72 giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình với 02 đài quốc gia, 64 đài địa phương, 05 kênh truyền hình. Năm 2019, Đài PTTH Quảng Ninh và Đài PTTH Bình Phước được sáp nhập với cơ quan báo Đảng của tỉnh, trở thành cơ quan báo chí thực hiện đủ cà 4 loại hình báo chí.
Cả nước hiện có trên 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, trong đó có khoảng 20.400 trường hợp đã được cấp thẻ nhà báo.
Hội nghị báo chí toàn quốc 2019 được tổ chức tại Hải Phòng |
Trong năm qua, báo chí đã phản ánh đậm nét, trung thực, kịp thời những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Đồng thời cũng có sự chuyển biến rõ nét của các cơ quan báo chí trong việc chủ động tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng, phản bác quan điểm sai trái của thù địch. Một số cơ quan báo chí đã mở chuyên mục, tăng cường chất lượng về nội dung này như: báo Nhân dân, báo Quân đội nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động báo chí vẫn còn tồn tại, hạn chế như: thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, chưa phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân; thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích được quy định trong giấy phép, tập trung chủ yếu ở tạp chí điện tử thuộc tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội.
Phó trưởng ban Tuyên giáo Lê Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị |
Tình trạng cơ quan báo chí đưa tin, bài thiếu thận trọng, nhạy cảm về chính trị, chưa chấp hành nghiêm chỉ đạo về thông tin, đưa quá nhiều thông tin liên quan đến vấn đề tiêu cực, mặt trái của xã hội; tình trạng giật tít câu khách, câu “view”, gây hiểu nhầm, trái với nội dung bài viết, giật tít phản cảm, thiếu chính xác, thiếu tính giáo dục... vẫn xảy ra, mặc dù đã được các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí nhắc nhở, định hướng thường xuyên, liên tục. Tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử bước đầu được khắc phục song vẫn có diễn biến phức tạp, cần phải xử lý quyết liệt, dứt điểm trong thời gian tới.
Trong năm 2019, các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 29 cơ quan báo chí với tổng số tiền là 675,1 triệu đồng, các hành vi bị xử phạt chủ yếu là hành vi thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng. Một số cơ quan báo chí bị xử phạt vì thông tin sai sự thật, thông tin không đúng quy định trong giấy phép. Đối với hoạt động của trang thông tin điện tử tổng hợp của cơ quan báo chí, năm 2019, cơ quan quản lý nhà nước đã xử lý vi phạm hành chính đối với 3 cơ quan báo, tạp chí điện tử. 8 tạp chí điện tử bị xử phạt với tổng số tiền trên 200 triệu đồng do thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng, hoạt động chuyên trang không phép, hoạt động tạp chí điện tử không phép.
Cơ quan quản lý nhà nước cũng đã ban hành các Quyết định thu hồi Thẻ nhà báo đối với 3 trường hợp do có sai phạm và bị xử lý kỷ luật; các cơ quan báo chí đã nộp lại 19 thẻ nhà báo do các trường hợp này nghỉ hưu theo chế độ, chuyển công tác hoặc nghỉ việc.
Tại hội nghị, các tập thể Ban tuyên giáo và các cơ quan báo chí có thành tích xuất sắc đã được khen thưởng, tặng Bằng khen.