Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: “Phải kích thích, tạo động lực tăng trưởng mới có nguồn thu!”

(PLVN) - Thu ngân sách (NS) 6 tháng đầu năm đang có tiến độ khá nhưng cũng đang xuất hiện không ít khó khăn. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo ngành tài chính không chỉ chống thất thu thuế, giảm nợ đọng, mà làm sao kích thích, tạo động lực tăng trưởng mới có nguồn thu…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị

Ngân sách đã thặng dư nhưng đã xuất hiện khó khăn

Báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính NS 6 tháng đầu năm ngày hôm qua (12/7), Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, số thu NS nhà nước 6 tháng đầu năm đạt 745.400 tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 13,2% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thu nội địa đạt 51,1% dự toán, tăng 13,6% so cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 đạt 48% dự toán). Với dầu thô, số thu từ khoản này đạt 68% dự toán và bằng 100,7% so cùng kỳ năm 2018. Theo tính toán, kết quả trên do giá dầu thanh toán bình quân đạt 68,4 USD/thùng, cao hơn 3,4 USD/thùng so với giá dự toán. Thu cân đối NS từ hoạt động xuất nhập khẩu  cũng đạt khá, đạt 59,8% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2018. 

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, thu NS trung ương (TW) và địa phương đều đạt khá, trong đó thu NS TW đạt 51,5% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 46,7%), mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Thu NS địa phương đạt 54,3% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 54%), với 50/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán.

Tuy vậy, theo nhận định của Bộ Tài chính, thu NS cũng đã xuất hiện khó khăn. Đáng chú ý là 3 khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh là thu từ khu vực DN Nhà nước, thu từ khu vực DN FDI và thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tiến độ thu từ tháng 5 đến nay tuy có cao hơn cùng kỳ nhưng có dấu hiệu chậm lại và thấp hơn so với mức bình quân chung (tương ứng đạt 46,1%, 47,3% và 48,9% dự toán)…

Một loạt giải pháp đã được Bộ Tài chính triển khai tại Hội nghị, trong đó Cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường công tác quản lý thu, nắm chắc nguồn thu, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp quản lý thu NS phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu; phấn đấu tăng thu khoảng 5% so với dự toán. 

Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; phấn đấu số nợ thuế đến ngày 31/12/2019 giảm xuống dưới 5% so với số thực thu NS nhà nước năm 2019. Đôn đốc thu kịp thời các khoản phải thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán, kết luận của cơ quan thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật...

Tăng thu 5% dự toán - Nhiệm vụ sống còn!

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đánh giá cao sự chủ động tích cực của ngành tài chính và khen ngợi ngành tài chính năm nào cũng làm bài bản, Bộ Tài chính có kế hoạch toàn diện, triển khai sớm, chi tiết theo đầu việc. Đặc biệt, tốc độ tăng thu 6 tháng dầu năm đã cao hơn gần gấp đôi tăng trưởng GDP. Đây chính là “tiền tươi, thóc thật” đóng góp vào tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm. “Nếu tăng trưởng cao mà thu sụt giảm thì không có ý nghĩa gì lớn!” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng nhận định, 6 tháng cuối năm đã xuất hiện khó khăn. Đơn cử, thu từ DN nhà nước, DN FDI và kinh tế tư nhân có xu hướng không được như 6 tháng đầu năm, một số tỉnh, thành phố trọng điểm thu NS thu thấp như TP HCM mới được hơn 48%, giảm thu nhiều lĩnh vực, trong khi 1% của TP HCM đã cỡ 3500 tỷ đồng; một số trọng điểm thu khác cũng khó như Đồng Nai,... Bên cạnh đó, còn tình trạng trốn thuế, thất thu, nợ thuế, buôn lậu gian lận thương mại... cũng ảnh hưởng đến số thu…

 “Theo Chính phủ và tôi, thách thức hoàn thành thu NS vẫn ở phía trước, ta cần phân tích kỹ nguyên nhân, giải pháp phù hợp để phấn đấu vượt dự toán 5%. Đó là thách thức!” - Phó Thủ tướng lưu ý và đề nghị, trong dài hạn, phải rà soát lại tỷ lệ động viên, phải có đường hướng điều chỉnh chính sách thu. 

“Ta có Luật Quản lý thuế rồi, chính sách thu phải tính toán điều chỉnh làm sao để nuôi dưỡng nguồn thu và tăng tỷ lệ điều tiết một số lĩnh vực. Cái gì cần khuyến khích hay hạn chế tiêu dùng? Tinh thần là phải nuôi dưỡng nguồn thu. Chặt chẽ nhưng phải thông thoáng… Để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, không chỉ chống thất thu thuế, giảm nợ đọng, mà làm sao kích thích tạo động lực tăng trưởng mới có nguồn thu...” - Phó Thủ tướng trăn trở.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính sớm trình Quốc hội Nghị quyết về giải pháp hỗ trợ thuế cho DN nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, thúc đẩy hộ kinh doanh lên DN; Thứ hai, tăng cường quản lý thuế. 

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, việc triển khai hóa đơn điện tử, giảm bớt hộ kinh doanh đóng thuế khoán, mỗi hộ kinh doanh thà đóng ít nhưng nhiều người đóng thì NS thu được nhiều hơn...

Trước ý kiến của một số địa phương về bù trừ thu NS giữa TW và địa phương, Phó Thủ tướng cho rằng không hiệu quả và yêu cầu các địa phương phải hoàn thành và tổng thu cả năm tăng 5% so với dự toán. “Đó là nhiệm vụ sống còn!”-  Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đọc thêm