Dự Chương trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre 17/1 cho địa phương.
|
Sự kiện thêm một lần nữa khẳng định tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của cuộc Đồng khởi 1960 ở Bến Tre. Đồng thời, đây là một sự công nhận mang ý nghĩa pháp lý “Bến Tre là quê hương Đồng khởi”, giúp mọi người và thế hệ trẻ Bến Tre hiểu đầy đủ và sâu sắc về truyền thống lịch sử của quê hương.
Để có được những vinh dự cao quý này, Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre phải chịu nhiều hy sinh, mất mát, với 56 xã và 6 vùng an toàn khu; gần 7.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hơn 35.000 liệt sĩ, 20.000 thương, bệnh binh; hàng chục ngàn gia đình người có công và hàng trăm ngàn người đã đóng góp công sức, hy sinh xương máu cho nền độc lập, tự do của dân tộc, thống nhất đất nước và cuộc sống thanh bình của quê hương Bến Tre, quê hương xứ dừa Đồng khởi ngày nay.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chúc mừng tỉnh Bến Tre. Ảnh: Thiện Lê |
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chúc mừng tỉnh Bến Tre, với sự kiện có ý nghĩa sâu sắc trong buổi lễ hôm nay, đánh dấu một giai đoạn mới cho tỉnh nhà trên con đường phát triển trong tương lai. Dù còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm chính trị, phát huy tối đa tinh thần Đồng khởi năm 1960, Bến Tre từng ngày thay da, đổi thịt, thể hiện khát vọng vươn lên sánh vai với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Những kết quả mà Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bến Tre đạt được trong thời gian qua là minh chứng rõ nét cho tinh thần Đồng Khởi mới trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.
Phó Thủ tướng lưu ý, Bến Tre cần tiếp tục phát huy tinh thần Đồng khởi năm 1960 trong phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, cao điểm thi đua “Đồng khởi mới” trong hai năm 2024 - 2025, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đề ra.
Tỉnh tiếp tục kêu gọi thu hút nguồn lực từ bên ngoài, khai thác hiệu quả tiềm năng trong phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh phát triển về hướng Đông, triển khai hiệu quả các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, nhất là tuyến động lực ven biển kết nối Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh trong tương lai gần. Đặc biệt khi Cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành, đưa vào khai thác, hệ thống giao thông liên tỉnh, liên vùng thông suốt mở ra nhiều cơ hội để Bến Tre phát triển.
|
Quyền Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến phát biểu. Ảnh: Thiện Lê |
Phát biểu tại buổi lễ, Quyền Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến khẳng định, chúng ta có thể tự hào về thắng lợi của phong trào Đồng khởi là một minh chứng, làm sáng tỏ tính đúng đắn và kịp thời của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (khoá II) về tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh giữ vững hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà, sự chỉ đạo của Khu ủy và sự linh hoạt, sáng tạo của Đảng bộ Bến Tre, bằng tinh thần quả cảm, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm bám dân, bám đất để chiến đấu.
Với thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của phong trào Đồng khởi 1960 và thắng lợi của Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, Bến Tre đã vinh dự được Bộ Chỉ huy Miền tuyên dương, phong tặng 8 chữ vàng “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy” và tập thể Hội Phụ nữ giải phóng - “Đội quân tóc dài” đã được trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân để ghi nhận những đóng góp đặc biệt xuất sắc của “Đội quân tóc dài” trong phong trào cách mạng của quê hương Bến Tre và cả nước.
|
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre trao danh hiệu “Công dân Đồng khởi tiêu biểu” và “Công dân Đồng khởi danh dự”. Ảnh: Thiện Lê |
Dịp này, tỉnh Bến Tre tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Công dân Đồng khởi tiêu biểu” và “Công dân Đồng khởi danh dự” lần thứ 4 - năm 2025 cho những cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương Bến Tre trên các lĩnh vực. Đây là hoạt động nhằm ghi nhận và tôn vinh những tấm gương tiêu biểu, những người con quê hương Bến Tre, và cả những tấm lòng nhân ái, nghĩa tình cao đẹp dù không phải là người con Bến Tre hay Việt Nam nhưng hết lòng vì quê hương, đồng bào Bến Tre, đóng góp và có nhiều cống hiến cho sự phát triển của tỉnh nhà trong giai đoạn cách mạng mới.
Tỉnh Bến Tre qua 125 năm thành lập
Từ năm 1912, Bến Tre có 4 quận: Ba Tri, Sóc Sãi, Mỏ Cày và Thạnh Phú. Năm 1948, cù lao An Hóa thuộc Mỹ Tho mới được chính quyền cách mạng nhập vào phần đất Bến Tre.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng ở Bến Tre đổi tên thành tỉnh Đồ Chiểu, lập thêm huyện Tán Kế, đến năm 1948 thì giải thể. Từ năm 1948, chính quyền cách mạng lập thêm huyện Chợ Lách. Như vậy, giai đoạn này tỉnh Bến Tre gồm 3 cù lao, có 7 huyện: Mỏ Cày, Thạnh Phú, Chợ Lách, Ba Tri, Châu Thành, Sóc Sãi và An Hóa, với 117 xã.
Trong vùng địch chiếm đóng, tỉnh Bến Tre được đổi tên thành tỉnh Kiến Hòa vào ngày 22/10/1956, theo Sắc lệnh số 143-NV của chính quyền Sài Gòn, gồm ba cù lao: An Hóa, Bảo và Minh. Năm 1957, tỉnh Kiến Hòa có 7 quận. Tỉnh lỵ gọi là Trúc Giang.
Ngày 5/12/1960, dưới thời Tỉnh trưởng Phạm Ngọc Thảo (26/11/1960 – 26/5/1962), chính quyền Sài Gòn ra Nghị định số 1192-NV thành lập quận Hương Mỹ thuộc tỉnh Kiến Hòa, quận lỵ đặt tại Cầu Mống. Ngày 7/3/1963, theo Nghị định số 209-NV, chính quyền Sài Gòn thành lập quận Đôn Nhơn thuộc tỉnh Kiến Hòa, quận lỵ đặt tại Ba Vát.
Ngày 7/3/1974, chính quyền Sài Gòn có Nghị định số 184-NĐ/NV thành lập thêm quận mới thuộc tỉnh Kiến Hòa là quận Phước Hưng, gồm 9 xã, quận lỵ đặt tại xã Phước Long. Đến năm 1975 (trước khi miền Nam được giải phóng), tỉnh Kiến Hòa gồm 10 quận: Trúc Giang, Hàm Long, Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm, Mỏ Cày, Thạnh Phú, Đôn Nhơn, Hương Mỹ và Phước Hưng.
Sau ngày 30/4/1975, khi miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước, người dân xứ Dừa được gọi lại tên nơi chôn nhau cắt rốn của mình từ bao đời nay là tỉnh Bến Tre.
Đến cuối năm 2024, theo Nghị quyết số 1237/NQ-UBTVQH15 ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh, giai đoạn 2023 - 2025, sau khi sắp xếp lại tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 8 huyện và 1 TP (TP. Bến Tre, Bình Đại, Châu Thành, Ba Tri, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, Chợ Lách); 148 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 132 xã, 6 phường và 10 thị trấn (Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1-12-2024).
Tính đến năm 2024, tỉnh có diện tích 2.380km2, dân số trung bình trên 1,3 triệu người, mật độ dân số trên 500 người/km2, tuổi thọ trung bình trên 75.