Bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025

Chiều 15/1, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp xem xét, quyết định việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bổ sung dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) vào Chương trình

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết: Chính phủ đã thảo luận, thông qua đề nghị xây dựng một số dự án luật, dự thảo nghị quyết và đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 (Chương trình). Theo đó, bổ sung vào Chương trình năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua theo quy trình một kỳ họp tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 (tháng 2/2025) các luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), cùng thời điểm Quốc hội xem xét, thông qua Luật Tổ chức Quốc hội.

Đồng thời bổ sung vào Chương trình trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025): Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Bổ sung vào Chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025): Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự. Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) vào Chương trình năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10.

Theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị điều chỉnh thời gian trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua đối với dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) từ Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) sang trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 (tháng 2/2025), đồng thời với việc xem xét, thông qua các dự án luật, nghị quyết liên quan đến việc tổ chức, sắp xếp bộ máy để đảm bảo thống nhất về thẩm quyền xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật với thẩm quyền của các chủ thể tại các luật về tổ chức.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng - đại diện cơ quan thẩm tra - cho biết, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết điều chỉnh tiến độ 1 dự án luật, bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình năm 2025.

Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội nhận thấy, các chính sách được đề xuất tại đề nghị bổ sung 6 luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan; bảo đảm nguyên tắc luật không quy định nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các bộ, không luật hóa những vấn đề chưa ổn định do các quan hệ kinh tế - xã hội đang trong quá trình vận động, có nhiều thay đổi để bảo đảm đúng thẩm quyền, tính ổn định của luật và linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Về đề nghị bổ sung dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị lưu ý cập nhật, thể chế hóa đầy đủ các Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 57-NQ/TW và Quy định số 178-QĐ/TW; xác định rõ việc bổ sung quy định về thanh sát hạt nhân trong phạm vi điều chỉnh để phù hợp với nội dung tại Đề cương chi tiết dự thảo Luật và yêu cầu của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Đối với các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật, lưu ý nghiên cứu bổ sung quy định đột phá để thúc đẩy phát triển nhanh ứng dụng năng lượng nguyên tử trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, môi trường, nghiên cứu khoa học..., ưu tiên các chính sách thu hút đa dạng hóa đầu tư; việc nghiên cứu khoa học làm nền tảng cho các quyết định quản lý, giám sát an toàn, an ninh bức xạ; đồng thời quy định điều kiện, tiêu chuẩn đối với an toàn bức xạ cho các lĩnh vực để quản lý chặt chẽ hoạt động này.

Theo Chương trình đã được quyết định, trong năm 2025, Quốc hội cho ý kiến, thông qua 26 dự án luật, 2 nghị quyết. Nếu bổ sung các dự án vào Chương trình như đề nghị của Chính phủ thì tổng số sẽ là 32 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết; đồng thời số lượng dự án luật cần trình Quốc hội xem xét, thông qua sẽ còn tăng lên nhiều, nhất là để thực hiện yêu cầu về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, xác định rõ thứ tự ưu tiên đối với các dự án để sớm đề xuất đưa vào Chương trình năm 2025 bảo đảm chất lượng, tính khả thi.

Quyết tâm chính trị cao, trách nhiệm đến cùng

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự quyết liệt của Chính phủ để trình nội dung điều chỉnh Chương trình năm 2025.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, cần đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan; không quy định nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành; luật cần ngắn gọn, trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, rà soát, đánh giá nghiên cứu tác động thận trọng, rõ ràng, không vì gấp gáp mà bỏ qua những công đoạn theo quy trình xây dựng luật để luật ban hành có tuổi thọ cao.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn /TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn /TTXVN

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, đối với dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) cần bám sát kết luận của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các luật liên quan đến Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Đối với dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ phải bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật, tránh chồng lấn với các luật khác, phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Đối với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc đề xuất mô hình tổ chức chính quyền địa phương mới cần dựa trên cơ sở chính trị và tổng kết thực tiễn; đánh giá tác động một cách đầy đủ, kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng chịu sự tác động, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét.

Chủ tịch Quốc hội cũng thống nhất đưa dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9; nếu đủ điều kiện có thể thông qua dự án Luật này theo quy trình một kỳ họp (thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9).

Để bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua, đặc biệt là 3 dự án trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường tháng 2/2025, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các dự án gửi các cơ quan của Quốc hội, chậm nhất là ngày 20/1/2025 để thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, bảo đảm chất lượng tốt nhất khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Nêu rõ thời gian rất gấp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần quyết tâm chính trị cao, trách nhiệm đến cùng để trình 3 dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 với 100% đại biểu có mặt tán thành.

Trong phiên họp chiều 15/1, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập các phường thuộc thị xã Phú Mỹ và thành lập thành phố Phú Mỹ thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến (lần 2) về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9.

Đọc thêm