|
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, kết quả của cuộc tổng điều tra sẽ là căn cứ để đánh giá thực trạng cũng như kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Sáng 18/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Quyết định số 484/QĐ-TTg ngày 7/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025.
Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp là một trong ba cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia quy định trong Luật Thống kê.
Ngày 15/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg về việc ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia, trong đó quy định tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp được thực hiện theo chu kỳ 10 năm/lần vào các năm có số lẻ là 5.
Tiến hành trên phạm vi cả nước vào ngày 1/7/2025
Ngày 7/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 484/QĐ-TTg về tổ chức tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 (TĐTNN 2025). TĐTNN 2025 là cuộc TĐTNN lần thứ 6 được tổ chức tại Việt Nam và sẽ được tiến hành trên phạm vi cả nước vào ngày 1/7/2025.
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết, để chuẩn bị, tổ chức TĐTNN 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị và tham mưu chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ là: Hoàn thiện cơ sở pháp lý thực hiện TĐTNN 2025; xây dựng hệ thống tổ chức triển khai thực hiện; xác định nội dung của TĐTNN 2025; thiết kế TĐTNN 2025 và phương pháp thu thập thông tin; xây dựng dự toán kinh phí thực hiện.
Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh. Mỗi Ban chỉ đạo cấp tỉnh khoảng 10 thành viên do Chủ tịch hoặc một Phó Chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm Trưởng ban; Cục trưởng hoặc Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố làm Phó trưởng ban thường trực và lãnh đạo các sở, ngành có liên quan làm ủy viên. Tổng số thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh hiện nay là 675 người.
|
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội nghị toàn quốc về tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Có 511/610 quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện. Mỗi Ban chỉ đạo cấp huyện do Chủ tịch hoặc một Phó Chủ tịch cấp huyện làm Trưởng ban; Chi cục trưởng hoặc Phó Chi Cục trưởng Chi Cục thống kê cấp huyện/Chi cục Thống kê khu vực làm Phó trưởng ban thường trực và lãnh đạo các phòng, ban, ngành có liên quan làm ủy viên. Tổng số thành viên Ban chỉ đạo cấp huyện hiện nay là 4.131 người.
Có 5.600/8.121 phường, xã, thị trấn đã thành lập Ban chỉ đạo cấp xã. Mỗi Ban chỉ đạo cấp xã do Chủ tịch hoặc một Phó Chủ tịch cấp xã làm Trưởng ban; công chức Văn phòng - Thống kê cấp xã làm ủy viên thường trực; công chức các cơ quan liên quan làm ủy viên.
Căn cứ nhu cầu thông tin phục vụ tính toán 271 chỉ tiêu thống kê đầu ra và căn cứ kết quả điều tra thí điểm TĐTNN 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Tổng cục Thống kê xây dựng phương án TĐTNN 2025.
Tổng cục Thống kê đã rà soát, hoàn thiện dự thảo Phương án trình Ban chỉ đạo Trung ương ban hành theo Quyết định số 2235/QĐ-BCĐTW ngày 16/9/2024 của Trưởng ban, Ban chỉ đạo Trung ương.
Phương án TĐTNN 2025 gồm 10 mục theo quy định tại Điều 31 của Luật Thống kê, cụ thể: Mục đích, yêu cầu của cuộc điều tra; đối tượng, đơn vị và phạm vi điều tra; loại điều tra; thời điểm, thời gian và phương pháp thu thập thông tin; nội dung, phiếu điều tra; phân loại thống kê sử dụng trong điều tra;…
Nhiều điểm mới so với các cuộc tổng điều tra trước
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm, TĐTNN 2025 được thiết kế có nhiều điểm mới so với các kỳ TĐTNN lần trước.
Cụ thể, thông tin thu thập trong TĐTNN 2025 nhiều hơn so với năm 2016 nhằm đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu thông tin của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương về thực trạng nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chuyển dịch cơ cấu ngành nông lâm thủy sản, cơ cấu lao động nông thôn.
Thu thập thông tin với mức độ bao phủ đầy đủ hơn, trong đó thu thập thông tin của toàn bộ cây trồng, vật nuôi của hộ thay vì chỉ thu thập thông tin đối với một số cây trồng, vật nuôi chủ yếu do đã áp dụng phiếu điều tra điện tử nên dễ dàng hơn trong thiết kế phiếu và thu thập thông tin. Bổ sung thông tin để đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất của trang trại.
Bổ sung Phiếu thu thập thông tin của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã trong phương án TĐTNN 2025 nhằm bảo đảm đầy đủ phạm vi của tổng điều tra. Giai đoạn trước, việc thiết kế phiếu hỏi này được thực hiện trong khuôn khổ điều tra mẫu doanh nghiệp của năm.
Thay đổi về thiết kế và phương pháp thực hiện phiếu bảng kê hộ giúp thu thập đầy đủ thông tin và tiết kiệm kinh phí, áp dụng phiếu bảng kê sẽ giải quyết được đồng thời: Lập bảng kê các đơn vị điều tra của phiếu hộ; thu thập một số thông tin phục vụ tính toán các chỉ tiêu về lao động và ngành sản xuất của hộ phi nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Kết nối thông tin của Phiếu trang trại và Phiếu hộ dân cư giúp nâng cao chất lượng thông tin và khai thác các thông tin đa chiều phục vụ phân tích và biên soạn báo cáo.
Khai thác tối đa dữ liệu hành chính và dữ liệu điều tra hiện có nhằm giảm thiểu thu thập thông tin từ thực địa giúp nâng cao hiệu quả của tổng điều tra.
Thay đổi về hình thức thu thập thông tin sử dụng phiếu điều tra điện tử (CAPI và Webform) và cách thức quản lý dữ liệu trực tuyến nhằm kiểm soát tiến độ, chất lượng điều tra trong quá trình thu thập thông tin tại địa bàn; nâng cao trách nhiệm giải trình và quản lý dữ liệu tập trung; rút ngắn thời gian thu thập thông tin so với phiếu giấy.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, làm sạch và hoàn thiện số liệu như ứng dụng học máy để kiểm tra hoàn thiện mã ngành của hộ dựa trên căn cứ về ngành của lao động trong hộ; sử dụng bản đồ số trong một số công đoạn của TĐTNN 2025.
|
Hội nghị được kết nối trực tuyến toàn quốc - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế
Để thực hiện thành công TĐTNN 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo: Hoàn thiện kế hoạch tổng điều tra, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương; tuyển chọn các giám sát viên, điều tra viên thống kê; tổ chức hội nghị tập huấn thu thập thông tin phiếu bảng kê hộ và trang trại trước tháng 3/2025; tập huấn nghiệp vụ phiếu điều tra và ứng dụng công nghệ thông tin vào tháng 5/2025; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và sự tham gia của các đơn vị cung cấp thông tin.
Đồng thời, bảo đảm hậu cần và hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông để chuẩn bị, thu thập, xử lý, tổng hợp, phân tích và công bố thông tin; bảo đảm bảo mật dữ liệu cá nhân theo Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân; tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội để bảo đảm sự thành công của cuộc tổng điều tra.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) trong quá trình xây dựng tài liệu hướng dẫn và công tác triển khai tổng điều tra; phối hợp, cung cấp một số thông tin cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để phục vụ triển khai và tổng hợp kết quả tổng điều tra như: Thông tin về diện tích đất nông nghiệp; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; thông tin về xã nông thôn mới.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê trong công tác tuyên truyền, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng và hệ thống đường truyền thông suốt trong quá trình tổng điều tra, xây dựng phương án dự phòng rủi ro. Công tác tuyên truyền để toàn bộ người dân biết về TĐTNN 2025 và hợp tác với điều tra viên thống kê trong cung cấp thông tin là công việc rất quan trọng, công tác tuyên truyền cần được thực hiện bằng nhiều hình thức tuyên truyền, chủ yếu tập trung tại cộng đồng để thu hút sự chú ý và tham gia của các hộ hoạt động nông, lâm, thuỷ sản.
Nhấn mạnh một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến thành công của tổng điều tra là triển khai tổng điều tra tại địa phương của Ban chỉ đạo các cấp. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu Ban chỉ đạo các cấp chịu trách nhiệm trước Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về các nội dung: Tổ chức thực hiện tổng điều tra tại địa phương; bảo đảm tiến độ, kết quả và chất lượng số liệu của tổng điều tra; chỉ đạo các đơn vị tại địa phương cung cấp một số thông tin theo yêu cầu của cuộc tổng điều tra.
Nêu rõ những kết quả thực hiện, những khó khăn còn vướng mắc và đề xuất hướng giải quyết
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo TĐTNN 2025 nhấn mạnh, kết quả của cuộc tổng điều tra sẽ là căn cứ để đánh giá thực trạng cũng như kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời là căn cứ để xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển nông thôn, nông nghiệp và cải thiện mức sống cư dân nông thôn trên phạm vi cả nước cũng như của từng địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu nông nghiệp và nông thôn giúp cho công tác nghiên cứu chuyên sâu và làm dàn chọn mẫu cho một số cuộc điều tra định kỳ hằng năm thuộc lĩnh vực thống kê nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và các yêu cầu thống kê khác; phục vụ so sánh quốc tế về các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực nông thôn, nông nghiệp.
TĐTNN 2025 là cuộc tổng điều tra quy mô lớn, được thực hiện trên phạm vi cả nước đối với tất cả các đơn vị điều tra và quá trình điều tra sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn, từ công tác chuẩn bị, thu thập thông tin, xử lý số liệu và công bố kết quả nhằm nâng cao chất lượng thông tin thống kê, rút ngắn quá trình xử lý thông tin và công bố kết quả.
Để rà soát và hoàn tất các công việc chuẩn bị tổng điều tra, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo các cấp tại địa phương báo cáo tình hình chuẩn bị và sẵn sàng cho cuộc tổng điều tra; cần nêu rõ những kết quả đã thực hiện, những khó khăn còn vướng mắc và đề xuất hướng giải quyết để Ban Chỉ đạo Trung ương cùng với các địa phương bàn bạc và tìm cách giải quyết.