Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương thành tích của Bộ Tư pháp

(PLO) - Vui mừng đến thăm và làm việc với Bộ Tư pháp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Bộ, ngành Tư pháp đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Ghi nhận, biểu dương những thành tích đạt được, những cố gắng của Bộ, ngành Tư pháp, Phó Thủ tướng cũng chân tình chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề nghị Bộ, ngành Tư pháp nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc.

Sáng 16/6, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đến thăm và làm việc với Bộ Tư pháp. Một trong những định hướng mà Phó Thủ tướng đề nghị Bộ, ngành Tư pháp phải lưu ý chính là tiếp tục đổi mới tư duy, tạo bước đột phá trong tham mưu, giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác xây dựng, thi hành pháp luật.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Thuân, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ, Thứ trưởng các Bộ Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam và đại diện nhiều cơ quan, ban, ngành Trung ương đã cùng dự buổi làm việc

Về phía Bộ Tư pháp có Bộ trưởng Lê Thành Long, các Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu, Lê Tiến Châu, Trần Tiến Dũng và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, người đứng đầu các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội cơ quan Bộ Tư pháp.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long lắng nghe các ý kiến tại buổi làm việc.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long lắng nghe các ý kiến tại buổi làm việc.

Công tác tư pháp được triển khai toàn diện, có trọng tâm

Khái quát về chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đã báo cáo kết quả công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2016. Theo đó, Bộ, ngành Tư pháp đã khẩn trương triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Các nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp được thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ; một số mặt công tác có chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao.

Cụ thể, trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Tiếp cận thông tin; tích cực hoàn thiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 để trình Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 1; tham gia xây dựng, góp ý nhiều VBQPPL do các bộ, ngành chủ trì xây dựng.

Đối với công tác thi hành án dân sự, trong số việc có điều kiện thi hành, số thi hành xong là 296.041 việc, tăng 6,59% so với cùng kỳ năm 2015; đạt tỷ lệ 56,22%, tăng 9,62% so với cùng kỳ. Trong số tiền có điều kiện thi hành, số thi hành xong hơn 14 nghìn tỷ đồng, tăng 26,92% so với cùng kỳ; đạt tỉ lệ 14%, tăng 2,94% so với cùng kỳ…

Các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016 được xác định là tập trung tham mưu cho Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng khả thi, đồng bộ, đơn giản thủ tục, thống nhất “tinh chỉnh hệ thống”; tiếp tục triển khai thi hành kịp thời, có hiệu quả các luật có hiệu lực trong năm 2016;

Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các bộ luật, luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, sắp có hiệu lực thi hành; tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân theo hướng hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác đăng ký, thống kê hộ tịch; xử lý kịp thời các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế, đàm phán, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế…

Ưu tiên hàng đầu công tác xây dựng thể chế

Thủ trưởng một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã báo cáo thêm với Phó Thủ tướng về các lĩnh vực được giao quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, kiến nghị Phó Thủ tướng quan tâm thêm đến một số hoạt động như thi hành án dân sự, hủy phán quyết trọng tài, hợp tác quốc tế về pháp luật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử…

Đại diện các cơ quan, bộ, ban, ngành Trung ương đều đánh giá cao vị trí, vai trò cũng như những kết quả đạt được của Bộ, ngành Tư pháp, đồng thời thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại cũng như gửi gắm nhiều kỳ vọng với công tác tư pháp trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị Phó Thủ tướng có buổi làm việc riêng về công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; về luật sư, giám định tư pháp; về bồi thường nhà nước. Bà Nga còn băn khoăn về nguyên nhân dẫn đến vướng mắc trong công tác xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

Đáng chú ý, nhiều lãnh đạo Bộ, ngành cảm ơn sự phối hợp công tác của Bộ Tư pháp và cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Tư pháp. Bà Nga cho biết, dự kiến sẽ phối hợp giữa Ủy ban Tư pháp và Bộ Tư pháp để cộng đồng trách nhiệm. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thì đề nghị sớm ký kết quy chế phối hợp giữa hai Bộ.

Báo cáo làm rõ thêm về công tác tư pháp thời gian vừa qua, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng: Trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác xây dựng pháp luật khá tốt, cơ bản có được hệ thống pháp luật đầy đủ để chuyển trọng tâm sang hoàn thiện và thi hành pháp luật.

Thời gian tới, Bộ, ngành Tư pháp sẵn sàng hưởng ứng tinh thần chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là chỉ đạo “chuyển mạnh từ Chính phủ với phương thức chỉ đạo, điều hành mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ; lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân là thước đo hiệu quả hoạt động”. Theo Bộ trưởng, các nhiệm vụ trọng tâm công tác tới đây sẽ hướng tới mục tiêu trên từ công tác xây dựng pháp luật đến công tác thi hành án dân sự, công tác hộ tịch…

Vui mừng đến thăm và làm việc với Bộ Tư pháp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Bộ, ngành Tư pháp đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Ghi nhận, biểu dương những thành tích đạt được, những cố gắng của Bộ, ngành Tư pháp, Phó Thủ tướng cũng chân tình chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề nghị Bộ, ngành Tư pháp nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Nhấn mạnh Chính phủ mới kiện toàn đã chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo phát triển và phục vụ nhân dân, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Tư pháp 3 định hướng nhằm quyết tâm đổi mới, chủ động và tập trung hơn nữa vào công tác xây dựng thể chế.

Đó là tiếp tục đổi mới tư duy, tạo bước đột phá trong tham mưu, giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác xây dựng, thi hành pháp luật; chủ động hơn nữa trong việc tham mưu cho Chính phủ các giải pháp nâng cao chất lượng thể chế; nghiên cứu, căn chỉnh và có bước đi phù hợp trong xã hội hóa trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật.

Để thực hiện có hiệu quả các định hướng này, bên cạnh chỉ đạo các bộ, ngành liên quan quan tâm xử lý những đề xuất, kiến nghị của Bộ, ngành Tư pháp, Phó Thủ tướng nêu lên 8 nhiệm vụ mà Bộ, ngành Tư pháp cần tập trung nguồn lực thực hiện.

Nổi bật là ưu tiên, tập trung nguồn lưc thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch công tác năm, nhất là các văn bản, đề án trình cấp có thẩm quyền; chủ động tham mưu, giúp Chính phủ xây dựng kế hoạch, lộ trình phù hợp để chuyển hướng chỉ đạo chiến lược từ công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật sang hoàn thiện và tổ chức thực thi pháp luật; hoàn thành chỉ tiêu thi hành án dân sự; chú trọng công tác xây dựng ngành, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ tiêu chuẩn, có phẩm chất đạo đức…

 

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã trao Quyết định số 1056/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm đồng chí Lê Tiến Châu giữ chức Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

Ông Lê Tiến Châu sinh năm 1969 tại huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Tư pháp, ông được giao đảm nhận nhiều cương vị khác nhau như Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; Cục trưởng Cục Công tác phía Nam; Hiệu trưởng Trường Trung cấp luật Vị Thanh…

Đọc thêm