Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung như khái niệm đông người là bao nhiêu, ở đâu không được tụ tập; các dịch vụ nào được hoạt động và loại hình nào không được hoạt động...
Theo các địa phương, những vấn đề này nên được quy định chi tiết rõ ràng để thuận tiện cho các tỉnh; Cuộc họp cũng bàn về việc dừng các hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, liên tỉnh và hạn chế các chuyến bay nội địa, quốc tế…
Một số địa phương đề xuất, đối với dịch vụ ăn uống quy mô nhỏ nên cho phép người dân mở lại nhưng cấm các quán nhậu, nhà hàng nơi có đông người đến ăn để hạn chế sự lây lan cộng đồng.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài, dù sẽ có từng nơi, từng thời điểm lắng xuống, nhưng chỉ tới khi nào có thuốc đặc trị hoặc có vaccine thì mới có thể coi là cơ bản hết dịch được. Điểm này rất quan trọng vì chúng ta không thể đóng kín cửa một mình, dù hạn chế nhưng vẫn phải có giao lưu để đảm bảo “mục tiêu kép”. Thời gian đó chắc chắn không tính bằng tuần mà phải tính ít nhất bằng tháng.
“Vì vậy chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh, tiến tới chung sống an toàn, thúc đẩy sự điều chỉnh tích cực của xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Giải thích cụ thể 3 điểm trên, theo Phó Thủ tướng, trước hết, chúng ta nhất thiết phải kiểm soát được dịch bệnh, nhưng kiểm soát được ở đây cần đặt trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài và hoàn toàn có thể sẽ có những ca bệnh mới. Vấn đề là chúng ta kiểm soát được ngay, không để lây lan rộng, thành những ổ dịch lớn, lây lan rộng, vượt khả năng kiểm soát, điều trị.
Vì dịch còn dài nên chúng ta phải xác định chung sống nhưng nhất thiết phải an toàn. Có an toàn mới phát triển được, nhưng tuyệt đối không được chủ quan. Muốn chung sống an toàn chúng ta phải hiểu được về dịch bệnh này, sự nguy hiểm của nó và cơ chế lây lan, từ đó quán triệt thực hiện thật tốt tất cả các quy định, hướng dẫn liên quan đến cơ chế lây lan của virus SARS-CoV-2, rất dễ thấy như đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách, rửa tay, không tập trung đông người… và chung sống an toàn phải đi vào từng lĩnh vực cụ thể.
Để kiểm soát được dịch bệnh, để chung sống an toàn, Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta đã và đang có những điều chỉnh, thay đổi ở các cấp độ, lĩnh vực đời sống xã hội, từ trong các cơ quan Đảng, công quyền ra ngoài xã hội, từ cấp độ toàn xã hội đến tập thể nhỏ, đến gia đình, cá nhân.
Dễ nhận thấy trong phòng chống dịch bệnh thời gian qua, bên cạnh những vất vả trong công tác phòng, chống dịch, nhiều thay đổi tích cực đã diễn ra và mang lại những hiệu quả và cả những giá trị rất đáng trân trọng. Đó là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tinh thần dân tộc, ý thức cộng đồng, cống hiến, hy sinh, tương trợ lẫn nhau… đã được khơi dậy, nhân lên. Đó là hình ảnh, uy tín của hệ thống chính trị, của đất nước trong kiểm soát dịch bệnh, trong hợp tác quốc tế và đặc biệt dù còn nghèo Việt Nam cũng sẵn sàng chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ các nước.
Trong thời gian tới, chúng ta cần thúc đẩy những thay đổi tích cực đã nhận ra từ lâu và cũng đã có thay đổi nhưng chậm khi không có dịch nhưng trong điều kiện dịch bệnh thì đã thay đổi nhanh hơn, tích cực hơn như thực hiện chuyển đổi số; lề thói, phong tục trong cuộc sống, trong sinh hoạt không còn phù hợp (chen lấn, không xếp hàng, ồn ã nơi công cộng, ở các lễ hội xô bồ…).