Trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp…, tất cả các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 17 huyện thị và 222 xã phường ở Gia Lai đều đã thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tỉnh phấn đấu trong năm 2016 sẽ hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh chỉ trong 2 ngày; thực hiện 100% nộp thuế điện tử; cấp giấy phép xây dựng không quá 20 ngày…
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh cũng nêu ra một số đề xuất, kiến nghị, trong đó đề nghị Chính phủ xem xét việc Thủy điện An Khê – Ka Nak từ khi đi vào hoạt động đã gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng ở hạ lưu sông Ba, bao gồm 7 huyện với 450.000 người dân sinh sống, sản xuất.
Phó Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương tỉnh Gia Lai đã nỗ lực vượt qua khó khăn mang tính đặc thù của một tỉnh miền núi có đến 45% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Những tháng đầu năm 2016, trong bối cảnh hạn hán khốc liệt và kéo dài nhưng tỉnh Gia Lai đã đạt được những kết quả nhất định trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh cần có những giải pháp căn cơ và quyết liệt hơn nữa nhằm đảm bảo đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả năm 2016 đã được đề ra. Trước mắt, tỉnh tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp bằng những giải pháp cụ thể và phù hợp.
Về những đề xuất, kiến nghị về nguồn vốn để triển khai các dự án xây dựng, Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành nghiên cứu tìm các nguồn vốn để hỗ trợ địa phương trong thời gian sớm nhất. Trong đó, ưu tiên các công trình cấp bách. Riêng với Thủy điện An Khê - Ka Nak, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, xác định lưu lượng xả nước về hạ lưu sông Ba sau đập An Khê để đảm bảo dòng chảy, môi trường, phục vụ sản xuất, dân sinh.