Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ thông tin phá rừng để nuôi bò ở Phú Yên

(PLO) -Hàng trăm ha rừng ở Phú Yên được tỉnh giao cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên (gọi tắt là Công ty Thảo Nguyên) thực hiện dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao. Thế nhưng, trong khi chưa có phương án trồng rừng thay thế thì hơn chục ha rừng đã bị đốn hạ.
Hàng chục ha rừng ở Sông Hinh bị đốn hạ.
Hàng chục ha rừng ở Sông Hinh bị đốn hạ.

Tỉnh “bật đèn xanh”

Ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên xác nhận, thời gian qua, tỉnh đang cho khai thác rừng tại hai tiểu khu 310, 311 thuộc xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) để giao đất cho Công ty Thảo Nguyên thực hiện dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao.

Theo tìm hiểu của PV, tại các khoảnh 2, 3, 4, 5 thuộc tiểu khu 310, có khoảng 4 nhóm, mỗi nhóm chừng 10 người với những chiếc cưa máy gầm rú, liên tục hạ gục những thân cây to, vươn cao hàng chục mét chỉ trong vài giờ. Nhiều người cho hay, họ được thuê chặt hạ rừng. Mỗi ngày, một nhóm có thể hạ 5 đến 7ha. Như vậy, kể từ ngày 23/3 đã có hàng chục ha rừng bị chặt phá.

Ông Nguyễn Đình Phú (57 tuổi, người dân địa phương) cho biết: “Tôi sống ở vùng này từ nhỏ. Từ năm 1998, khi bắt đầu chặn dòng, tích nước lòng hồ thì rừng bắt đầu được khoanh nuôi, tái sinh và bảo vệ nghiêm ngặt. Đến nay đã gần 20 năm, nhờ vậy mà giờ mới có những cây gỗ lớn đường kính cả vòng tay người ôm. Vậy mà giờ…”.

Theo ông Huỳnh Xuân Quang - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, việc khai thác rừng tự nhiên và rừng trồng trên do BQL rừng phòng hộ Sông Hinh thuê Công ty TNHH Cao Nguyên Lâm chặt hạ. Sau đó sẽ tổ chức bán đấu giá gỗ củi tận thu. Việc triệt hạ rừng là để bàn giao mặt bằng cho Công ty Thảo Nguyên. Theo yêu cầu của Công ty Thảo Nguyên, trong phân đoạn 1, tỉnh Phú Yên phải bàn giao cho công ty này 178ha tại hai tiểu khu trên.

Triển khai cấp tốc

Theo tìm hiểu, ngày 29/12/2015, ông Huỳnh Tấn Việt - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên ký kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thống nhất chủ trương đầu tư dự án chăn nuôi bò thịt và bò sữa. 

Ngày hôm sau, UBND tỉnh có quyết định chủ trương đầu tư dự án này. Theo đó, dự án được thực hiện trên tổng diện tích 4.635ha, trong đó có 870ha rừng. Sau đó, UBND tỉnh liên tục ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo các sở, địa phương liên quan tập trung triển khai thực hiện dự án.

Ngày 6/5/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà có văn bản yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo BQL rừng phòng hộ Sông Hinh trong vòng 15 ngày phải hoàn tất hồ sơ thiết kế khai thác ba khu vực rừng, trong đó có hai khu là rừng tự nhiên. 

UBND tỉnh cũng yêu cầu chuẩn bị các hồ sơ thủ tục cần thiết để khi có đủ điều kiện thì triển khai ngay việc khai thác. Thời gian khai thác thực hiện khoảng 30 ngày để sớm giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

UBND tỉnh cũng giao Sở NN&PTNT chỉ đạo BQL rừng phòng hộ Sông Hinh hoàn tất hồ sơ thiết kế khai thác trong vòng 30 ngày đối với các khu vực có rừng còn lại. Cùng thời điểm, UBND xã Sông Hinh ra văn bản buộc dân thu hoạch nông sản non để thu hồi đất giao cho dự án.

Trong khi tỉnh Phú Yên đang rốt ráo triển khai dự án thì ngày 12/8/2016, Công ty Thảo Nguyên có văn bản đề nghị điều chỉnh dự án. Đến ngày 4/10/2016, UBND tỉnh có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Theo đó, dự án bỏ bớt phần bò sữa, chỉ còn là chăn nuôi bò thịt chất lượng cao. Diện tích dự án chỉ còn hơn 460ha, trong đó có 377ha rừng tại hai tiểu khu 310, 311 thuộc xã Sông Hinh.

Đến ngày 18/1/2017, UBND tỉnh Phú Yên ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng 377ha rừng tại hai tiểu khu 310, 311 sang mục đích không phải lâm nghiệp. Trong số diện tích rừng bị chuyển đổi có hơn 273ha tự nhiên, còn lại là rừng trồng do BQL RPH Sông Hinh quản lý.

Ông Trần Hữu Thế cho biết “Việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của hai tiểu khu này cho dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao là một chủ trương lớn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đã được HĐND tỉnh Phú Yên ban hành nghị quyết từ năm 2016, đúng trình tự quy định pháp luật. Dự án này đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường”.

Tỉnh Phú Yên vẫn tiếp tục phá rừng thực hiện dự án.
Tỉnh Phú Yên vẫn tiếp tục phá rừng thực hiện dự án.

Chưa hoàn tất thủ tục đã cho khai thác?

Điều đáng nói, ngày 15/9/2016, Bộ TN&MT có quyết định số 2133 về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự định. Quyết định ghi rõ: “Chỉ được triển khai thực hiện dự án khi có phương án trồng rừng thay thế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định pháp luật”. 

Thế nhưng, từ cuối tháng 3, trong khi chưa có phương án trồng rừng thay thế, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tiến hành khai thác rừng. 

Ông Trần Hữu Thế giải thích: “Về phương án trồng rừng thay thế, nếu Công ty Thảo Nguyên đã tự trồng rừng thay thế được với một đối tác trên địa bàn Phú Yên thì coi như nội dung đó không cần xem xét. Nếu họ không tự trồng rừng thay thế được thì tỉnh sẽ chỉ đất cho họ trồng. Nếu không có nữa thì nộp tiền cho cơ quan chức năng để tổ chức trồng khi phù hợp”.

Như vậy, có thể thấy, dù chưa có phương án trồng rừng thay thế, UBND tỉnh Phú Yên vẫn cho phép triển khai dự án là trái với quy định, trái với các văn bản của cơ quan chức năng Trung ương và quy định của pháp luật.

Trước bức xúc của dư luận, ngày 31/3, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, yêu cầu UBND tỉnh Phú Yên kiểm tra, làm rõ thông tin về việc phá rừng để triển khai dự án nuôi bò thịt chất lượng cao. Nếu đúng như thông tin phản ánh phải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 20/4.

Chiều cùng ngày, Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã ký văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Phú Yên dừng dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao để rà soát, kiểm tra. 

Trong văn bản này, Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng giao cho Bộ chủ trì thanh tra việc chuyển đổi diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Phú Yên, trong đó có dự án chuyển đổi rừng tự nhiên để chăn nuôi bò thịt chất lượng cao và thời hạn thanh tra trong vòng 30 ngày. Nếu được Thủ tướng kết luận đồng ý, công tác thanh tra dự án sẽ được Bộ giao các đơn vị chức năng triển khai ngay trong tuần tới.

Cũng trong ngày 31/3, Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên gửi thông báo kết luận liên quan đến việc địa phương này phá rừng để thực hiện dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao. 

Theo đó, sau khi họp bàn với tập thể lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Trà khẳng định, việc triển khai dự án đảm bảo đúng quy trình, nhận sự đồng thuận cao của các cấp để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Do vậy địa phương vẫn tiếp tục thực hiện dự án này.

Thông báo này nêu rõ, trong quá trình thực hiện dự án còn một số công việc làm chưa tốt như chưa hoàn thiện phương án trồng rừng thay thế; chưa xử lý, giải quyết dứt điểm 20 hộ dân lấn phá rừng, chiếm đất công trái phép dẫn đến một số hộ khiếu kiện.

Để xử lý các tồn tại này, tỉnh Phú Yên cho phép Công ty Thảo Nguyên là nhà đầu tư dự án đến ngày 7/4 tới phải hoàn tất phương án trồng rừng thay thế với diện tích khoảng 270ha đã được khảo sát; phần diện tích còn lại hơn 113 ha, công ty có trách nhiệm nộp tiền vào Quỹ Phát triển rừng của tỉnh để thực hiện trồng rừng thay thế. UBND huyện Sông Hinh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT giải quyết dứt điểm các hộ dân vi phạm pháp luật, lấn chiếm đất công trái phép.

Đó là “ý chí” của cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên nhưng dư luận có đồng tình hay không lại là vấn đề khác. Ông Lê Văn Hữu - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, bất bình: “Không thể đi phá rừng như vậy được. Hồi giờ phá rừng để trồng cỏ, nuôi bò là không có ở tỉnh. Đây là rừng già, tồn tại mấy chục năm rồi chứ không phải mới đây. Sau khi nghe thông tin rừng bị đốn hạ,tôi đã trực tiếp đến nơi để tìm hiểu sự việc. Nhìn cảnh gỗ bị khai thác chở đi tôi rất xót xa”.

Đọc thêm