Huyền thoại nơi Đền thờ Quốc mẫu Âu Cơ

(PLO) - Tọa lạc tại vùng đất địa linh, nhân kiệt thuộc xã Hiền Lương (huyện Hạ Hoà, Phú Thọ), đền thờ Quốc mẫu Âu Cơ (còn gọi là đền Âu Cơ) là một công trình lịch sử văn hoá đặc biệt, là biểu tượng của tinh thần yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Đền thờ Quốc mẫu Âu Cơ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia từ năm 1991.
Khu di tích đền Âu Cơ
Khu di tích đền Âu Cơ

Huyền thoại về Tiên giáng 

Đền Âu Cơ thờ mẹ Âu Cơ - người cùng với cha Lạc Long Quân là người khai sinh nòi giống Tiên Rồng từ bọc trăm trứng. Tục truyền rằng, khi Ngọc Nương phu nhân sinh nàng Âu Cơ thấy có mây lành che chở, hương thơm toả ngát khắp nơi, là điềm “tiên nữ giáng trần”. Sinh thời, nàng Âu Cơ là một tuyệt sắc giai nhân, “so hoa, hoa biết nói, so ngọc, ngọc ngát hương”, chăm đọc chữ, giỏi đàn sáo, tinh thông âm luật “khác nào bà Tương Phi khéo léo, hệt tựa nàng Lộng Ngọc tài cao”. 

Truyền thuyết kể rằng, khi nàng Âu Cơ đến tuổi xuân thì đã kết duyên cùng Lạc Long Quân - con trai của thần Rồng. Sau khi kết duyên, Lạc Long Quân đưa Âu Cơ từ động Lăng Xương về núi Nghĩa Lĩnh, sau đó Âu Cơ trở dạ sinh được một bọc trăm trứng nở thành một trăm người con. Khi các con lớn lên, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thuỷ hoả khó mà hoà hợp”... bèn chia 50 người con theo mẹ lên núi, 50 người con theo cha xuống biển để lưu truyền được lâu dài, về sau tất cả các con đều hoá thần. 

Trong 50 người con theo mẹ thì người con đầu lên nối ngôi vua, lấy niên hiệu Hùng Vương thứ nhất, đặt tên là nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, truyền 18 đời Vua Hùng, trị vì đất nước trong 2621 năm (từ năm Nhâm Tuất 2879 đến năm 258 TCN).

Trên chặng đường mưu sinh, mẹ Âu Cơ cùng các con đi đến đâu cũng thu phục nhân tâm, dạy dân cấy lúa trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Trên con đường dài muôn dặm đó, một ngày kia Người đến trang Hiền Lương, quận Hạ Hoa, trấn Sơn Tây.

Thấy phong cảnh thiên nhiên ở đây tươi đẹp hài hòa, có núi cao đồng rộng, sông dài, có hồ nước trong xanh bát ngát, cỏ cây hoa lá tốt tươi, cá chim muông thú dồi dào, mẹ đã cho khai hoang lập ấp, dạy dân cấy lúa trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Giếng Loan, giếng Phượng, gò Thị, gò Cây Dâu... là những cái tên từ thuở khai thiên lập địa vẫn còn lưu danh đến ngày hôm nay.

Khi trang ấp ở Hiền Lương đã ổn định, mẹ Âu Cơ lại cùng các con lên đường để khai khẩn, tạo dựng các vùng quê mới. Đến khi giang sơn đã thu về một mối, bờ cõi biên cương được mở rộng, Người lại trở về với Hiền Lương, nơi Người đã chọn để gắn bó cuộc đời của mình. 

Tương truyền, ngày 25 tháng chạp năm Nhâm Thân, bà Âu Cơ cùng bầy tiên nữ bay về trời, để lại dưới gốc đa một dải yếm lụa, ở đó nhân dân đã dựng lên một ngôi miếu thờ phụng, đời đời hương khói. Ngày bà Âu Cơ cùng tiên nữ bay về trời tương truyền là ngày tiên giáng. Ngày nay, ở sân đền Mẫu vẫn còn một cây đa cổ thụ, trên ngọn đa phơ phất một dải lụa đào bay biểu tượng cho dải yếm tiên giáng. 

Để tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ và giáo dục truyền thống dân tộc, cách đây hơn 500 năm, thế kỷ thứ XV thời hậu Lê, Vua Lê Thánh Tông đã phong thần và cho xây dựng đền Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà. Đền Mẫu Âu Cơ đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia vào năm 1991.

Lan tỏa các giá trị nhân văn sâu sắc

Huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ và bọc trăm trứng nhằm tôn vinh nòi giống Tiên Rồng của dân tộc Việt Nam. Hình tượng vĩ đại ấy là kết tinh của những cốt lõi lịch sử, mang đậm tính nhân văn sâu sắc, là đặc trưng văn hoá thể hiện bản sắc của dân tộc Việt Nam.

Truyền thống đó đã thực sự là nền tảng tinh thần vững chắc, được người Việt Nam qua các thời đại luôn hun đúc và thể hiện bản lĩnh kiên cường, tình yêu nước nồng nàn, luôn kề vai sát cánh, đoàn kết bên nhau với ý thức cùng chung nguồn cội “đồng bào”, dũng cảm chinh phục thiên nhiên, đấu tranh với mọi kẻ thù xâm lược để bảo vệ và xây đắp nên Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp.

Dẫu vật đổi sao dời, dẫu thời gian có biến thiên, không gian có xoay vòng thì từ bao đời nay, truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” vẫn chảy mãi trong huyết quản mỗi người con đất Việt. Miếng cơm hôm nay có nguồn gốc từ cây lúa ngày xưa mẹ Âu Cơ dạy ta cày cấy; áo quần ta mặc cũng nhờ có cây dâu, con tằm mẹ dạy ta trồng, xe tơ dệt vải mà ra. Núi sông hùng vĩ này, giang sơn gấm vóc này là do xưa kia cha Rồng, mẹ Tiên của ta khai khẩn để cho con cháu ngàn đời sau, chúng ta phải sống, phấn đấu sao cho xứng đáng.

Biết ơn tổ tiên, nhớ về cội nguồn dân tộc là đạo đức, tình cảm, là lẽ sống, là đạo lý mà ông cha đời đời căn dặn con cháu. Đó cũng là sức mạnh để dòng giống Lạc Hồng quyết tâm bảo về giang sơn tổ tiên để lại, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn thịnh và phát triển.

Hàng trăm năm qua, người dân Hạ Hòa cùng con cháu thập phương dù đi muôn nơi vẫn nhớ về, luôn thành tâm dâng hương kính lễ Tổ Mẫu Âu Cơ. Đặc biệt những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự thành tâm công đức của các tổ chức, cá nhân, khu di tích đền Mẫu Âu Cơ đã từng bước được tôn tạo, tu bổ để dần xứng với công ơn và tấm lòng độ lượng bao dung của Mẫu, xứng danh là nơi hội tụ của con cháu từ khắp mọi miền đất nước tìm về cội nguồn dòng giống Lạc Hồng. 

Đọc thêm