Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ nói về vấn đề 'sống còn' của báo chí hiện nay

(PLO) - Trong điều kiện phát triển như vũ bão của công nghệ, sự bùng nổ của thông tin, đội ngũ những người làm báo Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức để phát huy vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của báo chí trong đời sống. 
Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ nói về vấn đề 'sống còn' của báo chí hiện nay

Nhân ngày kỷ niệm trọng đại của báo chí cách mạng Việt Nam - 21/6/2018, ông Phạm Văn Linh – Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ xung quanh những vấn đề “sống còn” của báo chí hiện nay.

Từ góc độ của Ban Tuyên giáo TƯ, ông có thể đưa ra một nhận xét ngắn gọn nhất về những người làm báo Việt Nam, khi bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Ông thấy rằng, họ cần phải làm gì để giữ được “tâm sáng, lòng trong, ngòi bút sắc”?

- Theo tôi, đó là “trí tuệ và bản lĩnh”, là những phẩm chất cần có hàng đầu của người làm báo hiện nay. Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của xã hội loài người, trong đó có Việt Nam. Tri thức nhân loại phát triển như vũ bão, nhưng sự bất bình đẳng trong thụ hưởng cũng như tính phức tạp của nó cũng tăng lên, cạnh tranh giữa các quốc gia, nước lớn, nước nhỏ, giàu nghèo bị phân hóa…điều đó luôn đòi hỏi những người làm báo Việt Nam phải thích ứng với điều kiện mới, tận dụng được khoa học công nghệ, tri thức, nhưng luôn đề cao chủ quyền quốc gia, dân tộc, lợi ích đất nước, hướng tới người dân.

Trong suốt 93 năm xây dựng và phát triển, những người làm báo Việt Nam đã không ngừng nâng cao trí tuệ, tâm sức, trách nhiệm với đất nước, nhân dân để đóng góp không nhỏ vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhiều người làm báo đã vượt qua khó khăn, thiếu thốn về vật chất, khắc phục hoàn cảnh để kịp thời phản ánh, truyền tải thông tin; có những nhà báo đã hy sinh cả mạng sống, vượt qua sự đe dọa, mua chuộc để làm tròn sứ mệnh của người làm báo chân chính. Điều đó thể hiện quyết tâm đổi mới, theo phương châm chủ động, nhạy bén, kịp thời, thuyết phục trong chỉ đạo, định hướng, cũng như trong hoạt động thông tin, tuyên truyền của báo chí. Tôi tin rằng, trên nền tảng truyền thống và những thành tựu đầy tự hào này, báo chí Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước tiến vững vàng trong điều kiện mới.

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động trực tiếp, to lớn tới các phương tiện truyền thông truyền thống, ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỹ năng tác nghiệp của nhà báo, phóng viên và hoạt động của những người làm công tác trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông. Mô hình báo chí truyền thống không còn phù hợp, kinh tế báo chí gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh thông tin ngày càng gay gắt, điều này là thách thức vô cùng to lớn đối với những người làm báo. Ở góc nhìn của các nhà chuyên môn, Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ vào tất cả các yếu tố căn bản của nền báo chí, truyền thông từng quốc gia, với 3 yếu tố căn bản: nhà sản xuất sản phẩm báo chí, truyền thông, sản phẩm báo chí, truyền thông - như là một hàng hóa, dịch vụ và sự biến đổi sâu sắc các nhóm công chúng truyền thông.

Đặc biệt là sự phát triển của kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc đến từng nhà báo, phóng viên. Việc tác nghiệp thủ công trước đây đã được nâng cấp và hỗ trợ bằng các phương tiện công nghệ thông tin tiên tiến nhất, góp phần nâng cao chất lượng của các sản phẩm báo chí, tăng tốc độ cập nhật thông tin cho bạn đọc, phân tích sâu sắc hơn những vấn đề, sự kiện diễn ra trong đời sống để có định hướng tư tưởng dư luận kịp thời, góp phần tăng sự đồng thuận của xã hội. 

Việc hiện đại hóa hoạt động báo chí sẽ còn tiếp tục trước sự “đốc thúc” của Cách mạng công nghiệp 4.0. Đâu đó trên thế giới đã có những thử nghiệm về phóng viên “robot”, phóng viên “máy tính”, những tòa soạn “máy móc”, cho thấy thách thức đối với báo chí không chỉ dừng lại ở việc hiện đại hóa, còn dần có những công nghệ thay thế con người. Vì thế, hoạt động báo chí sẽ phải có sự chuyển mình mạnh mẽ, năng động hơn từ chiều sâu bên trong mỗi nhà báo, phóng viên, mỗi tòa soạn. Song, Cách mạng công nghiệp 4.0 có đem lại nhiều thay đổi đến đâu cho đời sống xã hội và hoạt động báo chí thì điều quan trọng vẫn là cái “tâm” của người làm báo. Chính cái “tâm” là kim chỉ nam để hoạt động báo chí không bị “lệch chuẩn”, để sự thật và công bằng xã hội không bị làm lu mờ bởi những thế lực, vật chất hay bất kỳ một sự mê muội nào đó.

Mặc dù chúng ta ghi nhận những thành tựu và đóng góp to lớn của hoạt động báo chí thời gian vừa qua với sự phát triển của xã hội, song cũng không thể phủ nhận hoạt động báo chí vẫn còn những hạn chế. Vậy, theo ông, trong những hạn chế đó, vấn đề nào là nhức nhối nhất?

- Hạn chế của hoạt động báo chí đã được đề cập tại rất nhiều diễn đàn, hội nghị, ngay trong nhận thức của những người làm báo. Không chỉ những người trong nghề mà xã hội cũng nhìn nhận được những hạn chế này một cách rõ nét.

Thậm chí nhiều hạn chế tồn tại dai dẳng, rất khó khắc phục, cho dù đã có không ít giải pháp được đưa ra, như một số báo đưa tin không đúng sự thật, thiếu nhạy cảm về chính trị, đăng tải quá nhiều thông tin về mặt trái của xã hội; hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, hiện tượng “báo hóa” tạp chí, “đánh hội đồng”, “ sáng đưa, trưa gặp, chiều rút”; tình trạng vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, bản quyền trong lĩnh vực báo chí; nhiều nhà báo, phóng viên “núp bóng” hoạt động báo chí để gây thiệt hại lớn đến các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, gây sụt giảm lòng tin của công chúng vào báo chí;…

Đấy là chưa kể có những vấn đề nảy sinh trong hoạt động báo chí đang diễn biến phức tạp, như ảnh hưởng mạng xã hội, Facebook đối với thông tin báo chí, quản lý commen chưa tốt, phát tán các thông tin tiêu cực, thông tin một chiều gây bức xúc dư luận, nhiễu loạn thông tin, khiến dư luận mất định hướng. 

Trong đó, những hoạt động gây sụt giảm lòng tin của công chúng vào báo chí, vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoạt động của bộ máy công quyền… tôi cho là nhức nhối và nguy hiểm nhất. Chúng ta vẫn khẳng định, báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân. Vì thế, nếu báo chí bị sụt giảm lòng tin thì những gì báo chí muốn tuyên truyền, phát ngôn sẽ không có giá trị. Dư luận cũng sẽ thiếu định hướng, trở nên hoang mang, tạo điều kiện cho những luồng thông tin độc hại có cơ hội len lỏi, ảnh hưởng đến tư tưởng của xã hội và dẫn đường cho các thế lực thù địch thực hiện các âm mưu chống phá Nhà nước ta.

Ông cho rằng mỗi nhà báo cần phải làm gì để củng cố niềm tin của quần chúng đối với hoạt động báo chí?

- Tại Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2018, ông Võ Văn Thưởng - Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ nhấn mạnh, ba vấn đề cần quan tâm, đó là công tác quản lý, giáo dục phóng viên trong tác nghiệp; năng lực, trình độ, bản lĩnh phóng viên trong đấu tranh phê phán cái sai; vấn đề kinh tế báo chí. Không phải ngẫu nhiên công tác quản lý, giáo dục phóng viên trong tác nghiệp được nêu hàng đầu, bởi đạo đức của nhà báo, phóng viên chính là “barie” để họ không bị lôi cuốn vào những hoạt động làm hoen ố tấm “thẻ nhà báo”. Có quản lý, giáo dục để nhà báo, phóng viên tác nghiệp đúng quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp mới tạo được niềm tin của xã hội về những gì nhà báo “nói và làm”. 

Như tôi đã đề cập, nhà báo cần phải có “tâm sáng, lòng trong, ngòi bút sắc”. Trong đó “tâm sáng” sẽ giúp cho nhà báo có cái nhìn khách quan đối với mọi sự kiện, phản ánh đúng bản chất, chỉ ra được cái đúng, cái sai. Quan trọng hơn nữa là giúp cho nhà báo “không chệch hướng” đối với đạo đức của người làm báo, dùng nghề nghiệp để trục lợi, sẵn sàng bỏ qua cái đúng, xoáy vào cái sai với những mục đích không trong sáng, không có tính xây dựng.

Nhưng cũng phải nói rằng, trước những cám dỗ đời thường, trong điều kiện khó khăn, thách thức cuộc sống quá lớn, thậm chí có nhiều nguy hiểm rình rập, nếu không quản lý, giáo dục tốt, sẽ có người chấp nhận bán rẻ nghề nghiệp, đồng nghiệp, làm xấu xí hình ảnh của cả đội ngũ làm báo trong đánh giá của xã hội.Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường giáo dục của các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản báo chí, bản thân mỗi người làm báo luôn tự trau dồi, vững vàng về tư tưởng, nâng cao nghiệp vụ và giữ được “tâm sáng, lòng trong” thì “ngòi bút sắc” của báo chí sẽ luôn là vũ khí cho các chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng để họ viết tiếp những thành tựu vẻ vang đã gầy dựng 93 năm qua.

Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông có chia sẻ, gửi gắm gì với những người làm báo trẻ, nhất là những người vừa bước vào nghề ở ngưỡng cửa của kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0?

- Tôi mong rằng, họ - những người làm báo trẻ (cả tuổi đời và tuổi nghề) với sự dìu dắt của các thế hệ đi trước sẽ sớm nhận thức rõ được trách nhiệm xã hội, những thách thức mà họ sắp phải vượt qua trên con đường trở thành những nhà báo chân chính. Họ sẽ không ngừng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ để có đủ bản lĩnh đương đầu với những khó khăn, gian nan của nghề nghiệp, nhất là họ có đủ nhận thức để đóng góp nhiều hơn cho đất nước, đưa sự nghiệp báo chí nước nhà tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ quý báu và tâm huyết của ông đối với những người làm báo. Mong rằng hoạt động báo chí nói chung và những người làm báo nói riêng sẽ luôn giữ được cái “tâm” để báo chí cách mạng phát triển mạnh mẽ! 

Cả nước hiện có 849 cơ quan báo chí, tạp chí in, trong đó có 86 báo Trung ương, 99 báo địa phương, 664 tạp chí và 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, năm đơn vị hoạt động truyền hình với tổng số kênh phát thanh, truyền hình trong nước được cấp phép là 281 kênh; 195 cơ quan báo chí điện tử đã được cấp phép, trong đó có 171 cơ quan báo chí, đài, tạp chí thực hiện loại hình báo chí điện tử; 178 giấy phép được thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp cho các cơ quan báo chí in, phát thanh, truyền hình để khai thác thế mạnh của loại hình thông tin hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin trong tình hình mới, nhất là khi thông tin trên mạng xã hội ngày càng có ảnh hưởng đến xã hội.

Đọc thêm