Phối hợp triển khai công tác truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật

(PLVN) - Ngày 15/5, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Cục PBGDPL&TGPL)– Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm với các cơ quan báo chí, truyền thông về phối hợp triển khai công tác truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Toàn cảnh Tọa đàm.
Toàn cảnh Tọa đàm.

Đồng chủ trì Tọa đàm là Cục trưởng Cục PBGDPL&TGPL Lê Vệ và Phó Cục trưởng Phan Hồng Nguyên. Tham dự Tọa đàm là các nhà báo, phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí.

Tại Tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL&TGPL Phan Hồng Nguyên thông tin về Kế hoạch Tổ chức truyền thông Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới (Nghị quyết số 66).

Theo Phó Cục trưởng Phan Hồng Nguyên, mục đích của Kế hoạch là tổ chức triển khai kịp thời, đồng bộ nhiệm vụ truyền thông về Nghị quyết số 66, nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, đảng viên, người dân về mục đích, ý nghĩa, bối cảnh, những nhiệm vụ, giải pháp đột phá của Nghị quyết đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Về nội dung, xây dựng, thực hiện phóng sự truyền thông về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp triển khai Nghị quyết số 66, tác động của Nghị quyết đến công tác xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên mới trên Đài Truyền hình Việt Nam; Xây dựng, thực hiện Talkshow, bản tin truyền thông về mục đích, ý nghĩa về sự ra đời của Nghị quyết số 66 trong bối cảnh hiện nay trên Đài Tiếng nói Việt Nam;

Xây dựng, thực hiện các bài viết, phỏng vấn Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ Tư pháp, các bộ ngành liên quan về Nghị quyết số 66; Truyền thông về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp triển khai Nghị quyết trên Cổng thông tin PBGDPL quốc gia, fanpage, Zalo PBGDPL; Tổ chức Tọa đàm báo chí về Nghị quyết số 66.

Cục trưởng Cục PBGDPL&TGPL Lê Vệ Quốc.

Cục trưởng Cục PBGDPL&TGPL Lê Vệ Quốc.

Phát biểu tại Tọa đàm, Cục trưởng Cục PBGDPL&TGPL Lê Vệ Quốc cho biết, Nghị quyết 66 là sự kết tinh một cách tập trung những tư tưởng, những quan điểm, những định hướng lớn của Đảng, của Nhà nước, đặc biệt là của Tổng Bí thư Tô Lâm đối với việc đổi mới tư duy trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Trong đó đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp để triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ, thực chất, hiệu quả việc đổi mới công tác xây dựng pháp luật cũng như thi hành pháp luật.
Theo ông Lê Vệ Quốc, trong Nghị quyết 66 đặt ra yêu cầu phải xây dựng một chuyên mục truyền thông những chính sách, chủ trương lớn về pháp luật vào khung giờ thu hút khán thính giả. Điều đó khẳng định, để Nghị quyết đi vào cuộc sống thì vai trò của truyền thông rất quan trọng.

Cục trưởng Cục PBGDPL&TGPL mong các cơ quan báo chí truyền thông vào cuộc, nhận diện chính xác, đầy đủ, sâu sắc “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” là “thể chế” nghĩa là như thế nào, xuất phát, bắt nguồn từ đâu. Để từ đó có những nhận thức đúng đắn, tạo ra mạch truyền thông đi đúng trọng tâm, đúng chỗ, giúp các cấp lãnh đạo có sự đánh giá, nhìn nhận. Đặc biệt là giúp cho các cơ quan tham mưu xây dựng và hoạch định chính sách nhận diện rõ vai trò, trách nhiệm của mình ở đâu trong câu chuyện “điểm nghẽn” đó...

Cũng theo ông Lê Vệ Quốc, trong Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật vừa có hiệu lực, lần đầu tiên trong Luật có quy định trách nhiệm truyền thông dự thảo chính sách của các cơ quan chủ trì đề xuất chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Điều đó có nghĩa các cơ quan này phải phối hợp, đồng hành với các cơ quan báo chí, thực hiện truyền thông chính sách, lấy ý kiến rộng rãi...

Cũng tại Tọa đàm, phóng viên, nhà báo của các cơ quan báo chí đã phát biểu một số ý kiến để việc truyền thông chính sách được tốt hơn nhằm đưa chính sách vào cuộc sống./.

Đọc thêm