Phòng cháy, chữa cháy quán karaoke tại TP HCM: Nhiều cơ sở kinh doanh “kêu khó”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong khi nhiều cơ sở kinh doanh karaoke tại TP HCM liên tiếp bị xử lý vì vi phạm các quy định phòng cháy, chữa cháy thì nhiều cơ sở khác lại kiến nghị cần xem xét lại một số quy định vì “chưa phù hợp”.
Một vụ cháy mới xảy ra gần chợ Bến Thành.
Một vụ cháy mới xảy ra gần chợ Bến Thành.

Nhiều cơ sở vi phạm

Từ ngày 15/10 đến 15/12, Công an TP HCM thực hiện cao điểm kiểm tra bất ngờ các cơ sở kinh doanh nhằm ngăn chặn, chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết người. Những cơ sở karaoke, vũ trường, quán bar... không đủ tiêu chuẩn về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) phải ngưng hoạt động để khắc phục.

Thông qua tổng rà soát, kiểm tra công tác an toàn về PCCC trên địa bàn quận Bình Thạnh, đã có 11 cơ sở kinh doanh karaoke đã bị Công an quận lập biên bản vi phạm hành chính, với số tiền xử phạt lên đến trên 100 triệu đồng.

Tại nhiều quận, huyện khác trên địa bàn thành phố, cơ quan công an cũng phát hiện không ít trường hợp các quán karaoke vi phạm quy định về PCCC. Đáng nói như trên địa bàn quận 12, cơ quan công an đã xử lý cả thảy 27 quán karaoke vi phạm sau hai tháng thực hiện cao điểm tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC.

Những hành vi vi phạm của các cơ sở tập trung chủ yếu vẫn là thiếu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, sinh lửa, sinh nhiệt của người đứng đầu cơ sở; không trang bị, bảo quản và sử dụng phương tiện PCCC theo đúng quy định…

Tính tới tháng 11/2022, thông qua kiểm tra công tác PCCC tại 548 cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar, Phòng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ TP HCM đã lập 352 biên bản xử phạt vi phạm hành chính với 527 hành vi vi phạm, ra 352 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng, tạm đình chỉ hoạt động 121 cơ sở.

Hoạt động kiểm tra nói trên xoay quanh 3 nội dung lớn liên quan đến công tác PCCC gồm: cầu thang thoát nạn; các vật liệu cách âm, cách nhiệt phải là chất khó cháy hoặc không cháy; phải có hướng lưu động giữa hệ thống báo cháy và hệ thống cách âm các phòng hát.

Trong số cơ sở vi phạm, có những cơ sở chây ỳ, vi phạm nhiều lần, có những cơ sở bị đình chỉ nhưng vẫn “đóng cửa tiếp khách” và tiếp tục bị cơ quan chức năng xử lý. Như trường hợp quán D.K bị đình chỉ nhưng vẫn đón khách, hay karaoke B. L. (TP Thủ Đức, TP HCM) đến 4 lần vi phạm phòng cháy ở nhiều nội dung.

Sự chây ỳ, thiếu khắc phục đã góp phần gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Đơn cử là sự việc cơ sở kinh doanh gần chợ Bến Thành bị bốc cháy vừa qua. Trước đó, cơ sở này từng bị đình chỉ vì vi phạm quy định PCCC, bị tạm đình chỉ do không đảm bảo an toàn về PCCC nhưng vẫn cố tình đón khách vào phục vụ.

Vì sao cơ sở kinh doanh “kêu khó”?

Trong đợt cao điểm rà soát chống cháy nổ, Công an TP HCM yêu cầu các cơ sở kinh doanh karaoke, bar... thực hiện các vật liệu làm lớp hoàn thiện, ốp, trang trí của tường, tấm treo trần trong các gian phòng (phòng hát) và trên các đường thoát nạn (hành lang, cầu thang bộ...) phải làm bằng vật liệu không cháy, khó bắt lửa, đảm bảo theo quy định.

Theo một số cơ sở kinh doanh karaoke, cơ quan quản lý PCCC các quận, huyện tại TP HCM yêu cầu như trên là “gây khó” cho cơ sở kinh doanh karaoke và chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi theo Thông tư 147/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an và hướng dẫn tại Công văn 2495/C07-P7 ngày 13/9/2022 của Cục cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an, “các gian phòng có diện tích từ 50m2 trở lên và các gian phòng trong tầng hầm, tầng nửa hầm phải được sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt là vật liệu không cháy hoặc khó cháy”. Vì vậy, các cơ sở cho rằng, chỉ gian phòng từ 50m2 và phòng tầng hầm, nửa tầng hầm mới phải sử dụng vật liệu nói trên.

Ông Hoàng Anh T., chủ cơ sở kinh doanh karaoke T. V. ở quận Gò Vấp chia sẻ: “Sau một thời điểm COVID-19 kéo dài, chúng tôi đã phải gồng lỗ chi phí. Sau dịch, mới sửa sang tốn bao nhiêu tiền để hoạt động lại thì nhận được thông báo của Công an TP. Dẫu biết là chúng tôi cần đảm bảo an toàn PCCC, nhưng tôi nghĩ nên xem xét lại một số quy định, như vấn đề vật liệu chống cháy cho phòng karaoke dưới 50m2. Cơ sở kinh doanh của tôi bị đình chỉ vì chưa bảo đảm quy định này, tôi và vợ đã phải đôn đáo đi tìm đủ loại vật liệu như inox, sắt... để thử nhưng quả thật rất xấu và khó cách âm. Còn vật liệu sang đẹp thì quá mắc tiền, có khi phải chi đến hàng chục tỉ để làm lại hết các phòng, vậy chúng tôi sẽ kham không nổi”.

Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi câu trả lời từ cơ quan chức năng, các chủ quán karaoke vẫn phải tuân thủ đúng quy định và đảm bảo các biện pháp an toàn PCCC khác. Điều này không chỉ đảm bảo cho cơ sở kinh doanh được hoạt động bình thường mà còn bảo vệ an toàn cho chính mình và cộng đồng.

Hiện nay, quy định về PCCC quán karaoke đang được nêu tại Điều 5 Thông tư 147/2020/TT-BCA quy định biện pháp bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Nếu cơ sở karaoke vi phạm quy định về PCCC thì bị phạt hành chính theo Điều 44 Nghị định 144/2021/NĐ-CP từ 100 ngàn đồng đến 25 triệu đồng. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh karaoke còn có thể bị thu hồi giấy chứng nhận PCCC, bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động...

Đọc thêm