Phòng, chống bạo lực gia đình: Đảm bảo tính khả thi của các quy định

(PLVN) - Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) (sửa đổi) chiều 14/6, các đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo rà soát để đưa ra các quy định đảm bảo tính nghiêm minh, răn đe nhưng đồng thời cũng phải khả thi trên thực tế.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Quy định cụ thể về trách nhiệm

Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân (đoàn TP Hồ Chí Minh) chỉ ra rằng, thời gian qua, dù chúng ta đã có luật và phòng, chống BLGĐ nhưng thực tế khi có hành vi BLGĐ xảy ra thì việc nhận diện và hỗ trợ kịp thời cho người bị BLGĐ còn chưa kịp thời, chưa thật sự hiệu quả.

“Người bị BLGĐ còn lúng túng, chưa biết rõ mình cần cầu cứu đến ai? Cơ quan có trách nhiệm nào? Cơ quan được người bị BLGĐ báo tin thực tế cũng lúng túng, đâu đó vẫn còn xem nhẹ, coi đó chỉ là việc riêng của gia đình nên cứ việc đóng cửa bảo nhau. Vô hình chung sẽ làm mất lòng tin của người bị BLGĐ, dẫn đến việc họ tiếp tiếp tục chịu đựng BLGĐ hoặc tự phản vệ theo cách tiêu cực để chống trả lại người thực hiện hành vi BLGĐ và nhiều trường hợp đã dẫn đến những hậu quả rất nặng nề, đáng tiếc, gây bất bình, phẫn nộ cho xã hội. Ví dụ như tình trạng con giết cha mẹ, vợ chồng giết nhau vì tâm lý bức xúc dồn nén lâu ngày của người bị BLGĐ”, đại biểu nói.

Do vậy, đại biểu cho rằng, việc sửa đổi luật lần này cần chú trọng đến quy định cụ thể về trách nhiệm và cơ chế phối hợp trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức.

“Vì đặc thù của công tác phòng, chống BLGĐ đòi hỏi sự phối hợp trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức trong việc hỗ trợ, xử lý kịp thời các hành vi BLGĐ. Chú trọng quy định rõ các biện pháp xử lý thật cụ thể, phù hợp với người có hành vi BLGĐ. Tránh tình trạng, biện pháp xử lý không kịp thời, không phù hợp, không tương xứng với hành vi vi phạm, dẫn đến người thực hiện hành vi BLGĐ có tâm lý coi thường pháp luật, tiếp tục thực hiện BLGĐ”, đại biểu nói.

Bảo đảm tính nghiêm minh và răn đe

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, việc dự thảo Luật đã bổ sung những quy định cụ thể, rõ ràng hơn trong việc ngăn ngừa BLGĐ; bảo vệ, hỗ trợ xử lý vi phạm trong phòng, chống BLGĐ là rất cần thiết và phù hợp với mục tiêu phòng, chống BLGĐ.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) và đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) đề nghị, cần quy định theo hướng bảo tính nghiêm minh và răn đe trong xử lý các vụ việc BLGĐ.

Đại biểu Cao Mạnh Linh (đoàn Thanh Hóa) đề nghị hoàn thiện các quy định về cơ chế, cách thức xử lý phù hợp với từng loại hành vi BLGĐ.

Để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn trong việc phòng, chống BLGĐ và để các quy định có thể thực hiện trong thực tế, đại biểu Chamaléa Thị Thủy cho rằng, cần phải có một cơ chế phù hợp để đảm bảo thực hiện.

Nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo nguồn lực về tài chính và nhân lực để đảm bảo thực hiện các quy định được nêu trong dự thảo Luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần có đánh giá tác động kỹ hơn, có giải trình cụ thể hơn về tính khả thi của các nội dung này.

Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, một số nội dung trong dự thảo Luật còn chưa hợp lý, chưa đảm bảo tính khả thi. Ví dụ, theo đại biểu, 17 hành vi BLGĐ được nêu trong dự thảo Luật “vừa thừa, vừa thiếu”.

Do đó, đại biểu đề nghị rà soát lại cụ thể, rõ ràng, tránh những bất cập trong khi áp dụng trên thực tế.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, quy định lập cơ sở tạm giữ người BLGĐ là không khả thi, không hợp lý; nếu thực hiện không khéo có thể dẫn đến vi phạm quyền con người.

Ngoài ra, Điều 56 của dự thảo Luật quy định, hàng năm, Chủ tịch UBND các cấp phải thực hiện đối thoại với người có hành vi BLGĐ và người bị BLGĐ. Đại biểu cho rằng, quy định này là không khả thi, không cần thiết, gây bất cập trong việc triển khai áp dụng luật vào thực tiễn.

Tại phiên họp, nhấn mạnh về các biện pháp phòng chống bạo hành trẻ em, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) chỉ ra rằng, thời gian qua, số vụ bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình đã tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Đặc điểm của BLGĐ là xảy ra đằng sau cánh cửa của mỗi gia đình nên rất khó phát hiện. Thêm vào đó, nạn nhân bị bạo hành là trẻ em nên khó có khả năng phản ánh, phản ứng, dẫn đến nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng chỉ bị phát hiện khi các em đã tử vong hoặc nguy kịch đến tính mạng.

Theo đại biểu, một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là do pháp luật còn thiếu hoàn thiện, chưa thật sự phù hợp, còn thiếu những quy định để chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt. Đối chiếu với các trường hợp bạo hành trẻ em do các đối tượng là chồng hờ, vợ hờ gây ra trong thời gian vừa qua, đại biểu nhấn mạnh, các biện pháp bảo vệ trẻ em cần được quy định mức độ cao hơn và sớm hơn.

Với quan điểm như vậy, đại biểu kiến nghị rà soát để khắc phục những khoảng trống bảo vệ trẻ em trong dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ và trong Luật trẻ em; bổ sung các biện pháp đặc thù để chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt. Cùng với đó, đại biểu đề nghị áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc đối với cả trường hợp bạo hành trẻ em trong thời gian chờ Chủ tịch UBND cấp xã lập hồ sơ để đề nghị cơ quan tư pháp có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm thời cách ly trẻ khỏi gia đình.

Đọc thêm