Phòng, chống bạo lực gia đình: Quy định chặt chẽ để xử phạt vi phạm hành chính

(PLVN) - Tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ Công an đề xuất dành riêng mục 4 gồm 17 điều (từ Điều 49 đến Điều 65) để quy định về vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình.
Hình minh họa

Theo đó, mục 4 quy định xử phạt vi phạm hành chính nhóm các hành vi sau: Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình; hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình; hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình; hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý; hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng; hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn, tảo hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng quy định xử lý các hành vi bạo lực về kinh tế; hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ; hành vi bạo lực đối với người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình; hành vi cưỡng bức, kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình; hành vi cố ý không ngăn chặn, báo tin hành vi bạo lực gia đình và cản trở việc ngăn chặn, báo tin, xử lý hành vi bạo lực gia đình; hành vi sử dụng, truyền bá thông tin, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động hành vi bạo lực gia đình; vi phạm quy định về tiết lộ thông tin về nạn nhân bạo lực gia đình; hành vi lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để trục lợi; vi phạm quy định về quyết định cấm tiếp xúc của Chủ tịch UBND cấp xã. 

Cụ thể, dự thảo Nghị định bỏ dấu hiệu “dẫn đến hậu quả nghiêm trọng” đối với hành vi “biết hành vi bạo lực gia đình, có điều kiện ngăn chặn mà không ngăn chặn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng” do không có căn cứ xác định thế nào là hậu quả nghiêm trọng dẫn đến khó khăn trong xử lý.

Đồng thời, dự thảo bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả. Thứ nhất là biện pháp “Buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định” đối với các hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật và hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật. Thứ hai là biện pháp “Buộc trả lại số lợi bất chính thu được” đối với hành vi đòi tiền của nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân sau khi có hành động giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình.

Đọc thêm