Phòng, chống tác hại thuốc lá mới thế nào để bảo vệ thanh, thiếu niên khỏi chất gây nghiện?

(PLVN) -  Vừa qua, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu đánh giá tác hại của các loại thuốc lá mới. (Ảnh: ĐBND).
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu đánh giá tác hại của các loại thuốc lá mới. (Ảnh: ĐBND).

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên giải trình, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội (QH) Trần Thanh Mẫn ghi nhận, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL), kiểm soát và hạn chế thuốc lá nói chung đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác này cũng còn những mặt hạn chế, cần có giải pháp khắc phục...

Phó Chủ tịch Thường trực QH đề nghị cần nhận diện đúng về thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN), đánh giá tác hại của các loại thuốc lá này; có thông điệp rõ ràng, cụ thể đến người dân và chính kiến về trách nhiệm của Nhà nước đối với vấn đề này; xác định cụ thể nguyên nhân và trách nhiệm của từng Bộ, ngành. Phó Chủ tịch Thường trực QH lưu ý, cần đưa ra những kiến nghị cụ thể, rõ ràng. Đối với những kiến nghị về hoàn thiện pháp luật, cần phải bảo đảm về tính khả thi, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có các giải pháp thực hiện phòng, chống tác hại của TLĐT, TLNN, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng thực tiễn, cũng như trên cơ sở phân tích các tác động đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và năng lực cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực QH yêu cầu lãnh đạo các Bộ cần nghiêm túc triển khai các kiến nghị; Ủy ban Xã hội phải giám sát về tình hình quản lý, sử dụng Quỹ PCTHTL hằng năm gửi kỳ họp QH.

Tại Phiên giải trình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho rằng, tác hại của TLĐT, TLNN đối với sức khỏe, kinh tế, môi trường, đạo đức xã hội, tâm sinh lý, trật tự, an toàn xã hội đã được nhận diện và cảnh báo từ lâu, nhưng đến nay hành lang pháp lý chưa có. Việc buông bỏ quản lý khiến thiếu các giải pháp phòng ngừa, chống tác hại của TLNN, TLĐT. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị làm rõ trách nhiệm trong vấn đề này.

Trả lời ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, với vai trò, trách nhiệm của cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ PCTHTL theo Luật PCTHTL, Bộ Y tế đã nắm bắt sự ảnh hưởng của TLĐT, triển khai nhiều công việc tham mưu cho công tác quản lý nhà nước. Cụ thể, Bộ đã điều tra tình hình, phối hợp, hợp tác quốc tế để nắm bắt thực trạng của thế giới; tổ chức tổng kết, đánh giá 10 năm triển khai thực hiện Luật PCTHTL để cập nhật, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn thay đổi. Bộ Y tế cũng đã có báo cáo đánh giá, tổng kết việc thực hiện Luật PCTHTL và hiện đang tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch để sửa đổi Luật này.

Kết luận Phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị, trong năm 2024, Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của TLĐT, TLNN để đề xuất sửa đổi Luật PCTHTL; chủ trì phối hợp nghiên cứu, đánh giá tác hại của TLĐT, TLNN để công bố thông tin chính thức về tác hại của các sản phẩm này.

Ngoài ra, các Bộ, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân và đặc biệt là đối với thanh, thiếu niên về tác hại của thuốc lá nói chung và TLĐT, TLNN nói riêng; thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm pháp luật có liên quan.

Đọc thêm