Tham nhũng ngày càng tinh vi
Về công tác PCTN, Đại biểu Nguyễn Văn Được (Đoàn TP Hà Nội) đánh giá công tác chống tham nhũng thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước, QH chỉ đạo rất quyết liệt nên đã đưa ra xét xử một số vụ án lớn. Song, ĐB cho rằng công tác này vẫn chưa triệt để, “giơ cao đánh khẽ”, tới đây phải làm quyết liệt.
Hôm nay (6/11), Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Theo chương trình nghị sự, sáng nay (6/11), Quốc hội (QH) bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài trong 3 ngày.
Bộ trưởng đầu tiên ngồi “ghế nóng” là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Ông Cường sẽ trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, bao gồm chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; công tác mở cửa, phát triển thị trường nông sản, thủy sản; công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, xử lý tồn tại, vướng mắc trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.
Từ 15h00 ngày 6/11, Chủ tịch QH sẽ chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực công thương, với các nội dung công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo; hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa; thương mại điện tử và kinh tế số; công tác quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng; phát triển, ứng dụng cơ khí chế tạo trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp.
Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Các Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng một số bộ sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình.
“Có những nhóm lợi ích, có những cá nhân loại cỡ bự thiếu trách nhiệm gây thất thoát lớn, dã tâm tham nhũng của Nhà nước, của nhân dân hàng ngàn tỷ đồng. Tôi đề nghị Nhà nước, cơ quan pháp luật cần phải xử lý nghiêm minh, kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng cho Nhà nước. Những trường hợp nào xử lý nội bộ cũng phải công khai, thông báo họ tham nhũng những gì, có bao nhiêu tiền để dân chúng biết”, ĐB nói.
Dẫn Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về kết quả kiểm toán năm 2019 cho thấy đã kiến nghị xử lý 61.732 tỷ đồng, trong đó thu là 6.917 tỷ đồng, giảm chi trên 12.000 tỷ đồng; Báo cáo thanh tra năm 2019 phát hiện vi phạm kiến nghị thu hồi 81.835 tỷ đồng, 819 ha đất...
ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Đoàn Hoà Bình) cho rằng dù nạn tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có hướng thuyên giảm nhưng “tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ngày càng tinh vi và được che đậy bằng nhiều thủ đoạn, có hệ thống và có tổ chức”.
Đồng tình với những nguyên nhân được chỉ ra trong báo cáo của Chính phủ, ĐB cho rằng việc một số cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu một số địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói không đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... là nguyên nhân gốc rễ.
Theo ĐB, thực trạng “tham nhũng vặt” được nêu trong Báo cáo của Chính phủ chỉ là “phần nổi của tảng băng”, thực tế còn rất nghiêm trọng. Với quan điểm công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) phải làm liên tục và không ngừng nghỉ, làm đồng bộ và có hệ thống, trong đó không chỉ là quyết tâm chính trị mà cần phải được thể chế bằng các quy định của pháp luật, ĐB Sinh đồng tình với các giải pháp của Chính phủ về công tác PCTN năm 2020.
ĐB kiến nghị QH và Chính phủ sớm thể chế hóa các quy định của Trung ương về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; chống “chạy chức, chạy quyền”; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức giữ chức vụ quản lý và lãnh đạo, tài sản liên quan đến người thân, tài sản không giải trình được nguồn gốc nhưng chưa chứng minh được do phạm tội mà có...
Kết quả thi hành án năm sau cao hơn năm trước
Thảo luận Báo cáo về công tác thi hành án năm 2019, các ĐB đánh giá Chính phủ, Bộ Tư pháp, hệ thống cơ quan thi hành án dân sự trong những năm gần đây đã rất nỗ lực có nhiều giải pháp tập trung quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu về thi hành án dân sự được QH giao. Vì vậy, kết quả năm sau cao hơn năm trước, cơ cấu tổ chức được kiện toàn, chất lượng đội ngũ cán bộ ở vị thế được nâng cao.
Tuy vậy, ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Đoàn Nghệ An) cho rằng công tác này vẫn còn những hạn chế, tồn tại, như công tác thi hành án dân sự kết quả về tiền chưa cao so với số tiền có điều kiện thi hành án, nhất là về án tín dụng, ngân hàng.
ĐB Hoàng Thị Thu Trang. |
Theo ĐB Trang, từ thực tiễn cho thấy những khó khăn, bất cập về thể chế là một trong những nguyên nhân rất quan trọng của tình trạng này. Ví dụ, thực tiễn cho thấy đa số người phải thi hành án thường cố tình trốn tránh, chây ì, chống đối nên quy trình càng chặt chẽ, càng nhiều công đoạn càng tạo áp lực cho chấp hành viên tổ chức thi hành án chậm hơn và dễ bị vi phạm hơn.
Đây cũng là cớ để cho nhiều đương sự khiếu kiện, khiếu nại lâu nay. Bên cạnh đó, quy định nhiều cơ quan có thể ra hoặc đề nghị ra quyết định hoãn tạm đình chỉ thi hành án cũng làm khó cho cơ quan thi hành án dân sự, được nhiều đương sự lợi dụng.
Bên cạnh đó, ĐB cũng chỉ ra rằng, đối với người Việt Nam, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là một khối tài sản lớn. Việc quản lý trong thực tế còn chồng chéo, phức tạp như tài sản chưa đủ giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, tranh chấp những tài sản thuộc sở hữu chung, tài sản ấy có biến động về hiện trạng, diện tích...
Sau khi kê biên, loại tài sản này vẫn phải ưu tiên giao cho người phải thi hành án sử dụng, quản lý và khai thác, không có tài sản đấu giá sạch làm cho quá trình giới thiệu, bán đấu giá và bàn giao tài sản trúng đấu giá rất khó khăn.
Bất cập thứ 3 được ĐB chỉ ra là pháp luật thi hành án hiện còn chồng chéo với pháp luật liên quan, nhất là Luật Đất đai hoặc còn một số khoảng trống. Theo ĐB, vai trò công tác thi hành án dân sự hiện nay được đánh giá cao trong khôi phục quyền lợi của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Tuy nhiên, trong thực tiễn công tác này chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức nên còn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. ĐB kiến nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp, hệ thống thi hành án dân sự tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt; các bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường sự phối hợp chặt chẽ. QH cũng cần nghiên cứu, xem xét tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế.
Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn
Về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, ĐB Đinh Duy Vượt (Đoàn Gia Lai) cho biết, qua nghiên cứu các báo cáo, qua ý kiến cử tri cho thấy công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm có nhiều chuyển biến tích cực; tuy nhiên, ĐB cũng cho rằng môi trường trật tự, an toàn xã hội diễn biến phức tạp, rất đáng lo ngại, bất an.
Nêu điển hình việc Công ty Alibaba với hàng ngàn người bị hại, số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng, khó có khả năng khắc phục; Công ty Angel Lina cũng có hành vi lừa đảo tương tự chiếm đoạt trên 300 tỷ đồng, ĐB Vượt cho biết hiện còn nhiều công ty lừa đảo hoạt động kiểu hình thành các dự án ma, phân lô bán nền được sinh ra từ “liên minh ma quỷ”, “băng nhóm xã hội đen” núp bóng doanh nghiệp với thủ đoạn lừa đảo chuyên nghiệp, tổ chức tinh vi... giăng bẫy khách hàng, lừa lọc để thu tiền.
Giải trình cuối phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định Việt Nam vẫn là điểm đến an ninh, an toàn trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay. Về tội phạm ma túy, Bộ trưởng Lâm cho biết, Bộ Công an luôn xác định ma túy là tội phạm của các loại tội phạm nên đã tập trung chỉ đạo rất quyết liệt đấu tranh với loại tội phạm này.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng khẳng định, dù còn có vấn đề này, vấn đề kia nhưng thế trận nghiệp vụ của chúng ta trong phòng, chống tội phạm ma túy vẫn mang lại hiệu quả. Ngoài sự chủ động về nghiệp vụ, lực lượng công an nhân dân còn có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đặc biệt là sự hợp tác quốc tế ngày càng hiệu quả theo chiều sâu, tạo thành thế trận liên hoàn trong đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy.
Trước khi bước vào phiên thảo luận của Quốc hội sáng 5/11, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã báo cáo trước Quốc hội bước đầu việc giải quyết vụ việc 39 người chết trong xe tải ở Anh.
Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, ngay sau khi có các thông tin về việc có thể có các nạn nhân là người Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Ngoại giao sớm xác định danh tính các nạn nhân theo đề xuất của phía Anh; điều tra phát hiện các vụ việc, đường dây tổ chức đưa công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân theo quy định, thành lập tổ công tác liên ngành sang Anh để phối hợp với phía Anh giải quyết vụ việc; thông báo và tư vấn trực tiếp cho gia đình các nạn nhân để giải quyết hậu sự cho các nạn nhân.
Thủ tướng cũng đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông thông tin tuyên truyền về các đường dây lừa đảo người dân xuất cảnh trái phép, vi phạm pháp luật Việt Nam và nước ngoài; phản bác luận điệu sai trái, xuyên tạc vụ việc của các đối tượng chính trị phản động kích động vi phạm..