Tập trung vào lực lượng nòng cốt
Nắm giữ một vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực (TNTC), thời gian qua UBKTTW được ví như “thanh bảo kiếm” đắc lực giúp Đảng và Nhà nước tuyên chiến với tình trạng này. Qua công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, UBKTTW đã chỉ ra không ít cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật để trục lợi, đồng thời xử lý kịp thời hàng nghìn cán bộ, đảng viên có dấu hiệu suy thoái, tiêu cực.
“Chúng ta có gần 4 triệu đảng viên, đây là lực lượng nòng cốt cần tập trung vào để thực hiện hiệu quả việc chống tham nhũng nói chung, TNV nói riêng. Ban Chấp hành TW, Ban Bí thư, Bộ Chính trị, các cấp ủy đảng, các ngành có quyết tâm chính trị rất cao, đã đấu tranh ngày một có hiệu quả với TNTC.
Song tình trạng cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, sa sút về đạo đức công vụ, sa vào chủ nghĩa cá nhân còn nhiều. Riêng nhiệm kỳ 9, 10, 11 và 2 năm đầu nhiệm kỳ 12, các tổ chức đảng đã xử lý kỷ luật hơn 230 nghìn đảng viên” - bà Nguyễn Thị Bích Ngà, Ủy viên UBKTTW cho biết.
Nhấn mạnh việc TNV tạo nên quyền lợi bất bình đẳng, không công bằng cho người dân khi tiếp cận với các dịch vụ công, bà Ngà cho rằng đã đến lúc chúng ta phải quyết liệt với TNV. Đối với cán bộ, đảng viên, trước hết phải gương mẫu chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Nếu phát hiện những hiện tượng tiêu cực đó (tham nhũng vặt - PV) phải đấu tranh và kiên quyết không thực hiện, bởi một khi “anh” có hành vi đưa tiền lót tay, phí “bôi trơn”... thì “anh” đã vi phạm quy định của Đảng và phải chịu hình thức kỷ luật tương xứng. Cùng với đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải vận động mọi người không tham gia, không thực hiện hành vi TNV, có như thế việc chống TNV mới trở thành phong trào.
“Những nhà nghiên cứu về tham nhũng của thế giới đã đưa ra định đề: Một quốc gia mà TNV xảy ra hàng ngày thì nhất thiết có tham những lớn. TNV làm nền tảng của tham nhũng lớn, vì vậy không thể chống tham nhũng thành công nếu cứ để TNV hoành hành trên tất cả các lĩnh vực đời sống.
UBKTTW với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cần phát huy “phong độ” chống TNTC, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước đang lên trong thời gian qua. Đồng thời tích cực tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng (PCTN) tăng cường các cuộc kiểm tra, giám sát đối với các cấp ủy đảng và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị” - bà Ngà nói.
Nếu cần thiết, phải truy tố
Nội dung các cuộc kiểm tra theo bà Ngà cần tập trung vào 2 vấn đề. Thứ nhất, việc lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các biện pháp PCTN, tiêu cực trong đảng bộ, cơ quan, đơn vị mình đã đầy đủ chưa, có khắc phục được các điểm yếu dễ phát sinh TNTC không? Có thiết thực, hiểu quả không?...
Thứ hai, việc quán triệt, triển khai thực hiện các quy định pháp luật của các cơ quan, đơn vị về PCTN, tiêu cực như thế nào, kết quả ra sao? Từ kết quả kiểm tra phải phân tích được nguyên nhân, nếu chưa thành công thì quy trách nhiệm của tập thể đến đâu, cá nhân đến đâu. Từ đó tiến hành xử lý trách nhiệm kỷ luật cụ thể (nếu đến mức phải xử lý).
“Về phần mình, UBKT cũng chủ động, tăng cường các cuộc kiểm tra, giám sát đối với các cấp ủy đảng, đảng đoàn trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, xem các cấp ủy đảng đã lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát như thế nào? Đích thân tổ chức các cuộc kiểm tra ra sao, có đổi mới, chất lượng, hiệu quả không?
Tiếp đến, phải xử lý thật nghiêm, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm về TNTC. Khi cần thiết phải chuyển cơ quan tố tụng truy tố những hành vi dù là TNV để xét xử công khai, tránh tình trạng coi là “vặt”, là ít tiền nên cho qua. Phải xử lý cả người đưa và người nhận tiền. Có ý kiến cho rằng chừng nào còn tình trạng công chức, viên chức đòi ăn và nhận hối lộ mới chịu làm việc mà không bị ở tù thì còn “vặt”” - bà Nguyễn Thị Bích Ngà chỉ rõ.
Chính bởi vậy, theo vị ủy viên UBKTTW, từ số liệu của các cuộc điều tra xã hội học về TNV, các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể tiến hành các cuộc điều tra cụ thể để xử lý đến nơi đến chốn tình trạng TNV đang gây bức xúc xã hội.
Bà Ngà cho biết: Theo báo cáo điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo TW (1/3/2018), có 38% người được hỏi cho rằng có hiện tượng đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể, đặc quyền, đặc lợi, vun vén cá nhân. Như vậy, nhiệm vụ của chúng ta là đề ra các quy định, quy chế, quy trình…, công khai thế nào để không còn đặc quyền đặc lợi, để có muốn cũng không vun vén được.
Năm 2016 trên cơ sở nắm tình hình, lắng nghe dư luận, UBKTTW cũng đã tiến hành kiểm tra chuyên đề “Công tác phòng ngữa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong lĩnh vực thuế, hải quan” với 10 nội dung, từ đó chỉ ra các tồn tại, yếu kém, khuyết điểm, làm rõ các nguyên nhân, đặt ra các yêu cầu phải xử lý.
Vấn đề đặt ra là việc xử lý trách nhiệm một cá nhân, tổ chức phải có quá trình điều tra, thanh tra. Tuy nhiên, theo bà Ngà, “Việc này có nhiều khó khăn, trước hết là vì hành vi tham nhũng - dù là vặt thì cũng rất tinh vi, còn đối tượng đưa phong bì thì không muốn tố cáo vì cho rằng chuyện đó là đương nhiên, hoặc có muốn tố cáo cũng không làm, một phần do ngại mất thời gian, phần nhiều không có niềm tin trong việc mình báo cáo về TNV sẽ được xử lý đến nơi đến chốn. Hơn nữa bằng chứng của việc vòi vĩnh, nhũng nhiễu lại càng khó hơn”.
Tuy nhiên, “trong chuyển biến chung tích cực của cả nước về ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế như hiện nay, tôi tin tưởng công cuộc phòng chống TNTC của Đảng và nhân dân ta nhất định sẽ đạt được những kết quả khả quan, tốt đẹp” - bà Ngà tin tưởng.
“Một trong những nguyên nhân khiến chúng ta khó chống TNV là trong xã hội chưa lên án mạnh mẽ, đặt vấn đề TNV trong phạm trù đạo đức. Người nhận phong bì rồi mới làm chức phận công chức, viên chức của mình cũng không tự nhận thấy đó là đạo đức của mình đã xuống cấp, không thấy xấu hổ, đỏ mặt gì, thậm chí coi đó là đương nhiên mình được hưởng (vì đồng lương bèo bọt không đủ sống…)”.
(Bà Nguyễn Thị Bích Ngà, Ủy viên UBKTTW)