Phòng ngừa, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình: Nhìn từ chuẩn mực quốc tế

(PLVN) - Pháp luật quốc tế và nội luật của nhiều quốc gia trên thế giới đã có quy định cụ thể về phòng, chống bạo lực gia đình, cũng như quy định tất cả nạn nhân của vấn nạn này đều phải được hỗ trợ.
Hình ảnh minh hoạ
Hình ảnh minh hoạ

Pháp luật quốc tế và các khuyến nghị

Nhiều văn bản pháp luật quốc tế quan trọng đã có đưa ra những nguyên tắc, quy định chung về phòng, chống vấn nạn bạo lực, phân biệt đối xử ở bất kỳ hình thức nào, bao gồm cả bạo lực gia đình (BLGĐ).

Cụ thể, theo Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền, cần đối xử với nhau trên tình nhân loại; theo đó, “không ai có thể bị tra tấn hoặc đối xử tàn ác, vô nhân đạo”. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị cũng nêu rõ, mỗi con người đều có quyền thừa hưởng cuộc sống và không ai được tự ý tước đoạt cuộc sống của họ; nam giới và phụ nữ có quyền bình đẳng, không bị kỳ thị phân biệt đối xử. Điểm đáng chú ý là nạn nhân của sự bất bình đẳng, phân biệt đối xử đều phải được hỗ trợ.

Công ước quốc tế về quyền trẻ em đề cập toàn diện các quyền cơ bản mà trẻ em trên thế giới phải được bảo đảm như: quyền được ̛ sống, được phát triển, quyền được chăm sóc và bảo vệ; quyền được tham gia trong cuộc sống gia đình, văn hóa, xã hội. Trẻ em không bị tước quyền tự do một cách bất hợp pháp hoặc tùy tiện, do vậy những hành vi bạo lực, bạo hành gia đình hướng tới trẻ em đều vi phạm quy định của Công ước này.

Công ước của Liên Hợp quốc về chống mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) quy định sự bình đẳng giữa nam và nữ về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế và văn hóa. Theo Khuyến nghị chung số 19 của Ủy ban CEDAW, bạo lực trên cơ sở giới, bao gồm cả BLGĐ, là “hình thức phân biệt đối xử khiến hạn chế

nghiêm trọng khả năng thụ hưởng các quyền và tự do của người phụ nữ một cách bình đẳng với nam giới”.

Trong Tuyên bố của Liên Hợp quốc về xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ, các quốc gia có nghĩa vụ lên án bạo lực đối với phụ nữ và không được viện dẫn bất kỳ tập quán, truyền thống hay lý do tôn giáo nào nhằm từ chối trách nhiệm xóa bỏ bạo lực. Đồng thời, các

quốc gia phải thực hiện trách nhiệm đầy đủ để phòng ngừa, điều tra và trừng trị các hành vi bạo lực đối với phụ nữ theo pháp luật quốc gia, dù các hành vi đó là do Nhà nước hay cá nhân thực hiện. Các quốc gia cũng có nghĩa vụ thiết lập những biện pháp phòng ngừa, cũng như đảm bảo rằng phụ nữ bị bạo lực và con cái (nếu có) nhận được sự trợ giúp đặc biệt, như phục hồi sức khoẻ, trợ giúp chăm sóc con cái, điều trị, tư vấn, các dịch vụ y tế và xã hội, các cơ sở và chương trình trợ giúp.

Ngoài ra, cũng cần nhắc tới một nguồn pháp luật quốc tế điều chỉnh trực tiếp vấn đề BLGĐ do Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp quốc ban hành, đó là Luật mẫu về BLGĐ. Dựa trên các khuyến nghị của Luật mẫu, các quốc gia có thể xây dựng đạo luật BLGĐ trong nước và điều chỉnh phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở nước sở tại. Đơn cử, Luật mẫu khuyến khích các quốc gia xác định phạm vi mối quan hệ nảy sinh BLGĐ càng rộng càng tốt, bao gồm: vợ, tình nhân sống cùng; vợ cũ hoặc tình nhân cũ; bạn gái (kể cả không sống cùng); người phụ nữ là họ hàng (như chị, em gái, con gái, mẹ) và người phụ nữ giúp việc gia đình.

Bên cạnh đó, đạo luật về BLGĐ cần quy định việc nạn nhân, nhân chứng của bạo lực gia đình và các thành viên gia đình, cán bộ y tế, các trung tâm hỗ trợ nạn nhân tố cáo về những trường hợp bạo lực gia đình cho cảnh sát hoặc gửi đơn ra tòa. Luật mẫu của Liên Hợp quốc khuyến nghị các quốc gia cần quy định rõ trách nhiệm công an như giải quyết yêu cầu giúp đỡ, bảo vệ, thẩm vấn, gửi báo cáo, tư vấn về quyền cho nạn nhân, cung cấp nơi an toàn, thu xếp đưa thủ phạm ra khỏi nhà… Đồng thời khuyến cáo 2 cấp độ quyết định bảo vệ:

Quyết định khẩn cấp theo đề nghị của một bên (tức là không cần thông báo trước cho bị đơn mà chỉ hoàn toàn dựa trên đề nghị của nạn nhân); và Quyết định bảo vệ dài hạn hoặc thường xuyên.

Kinh nghiệm từ pháp luật các quốc gia

Kinh nghiệm từ pháp luật các quốc gia trên thế giới cho thấy, hệ thống quy định pháp luật chặt chẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân BLGĐ, đồng thời phòng, chống vấn nạn BLGĐ. Pháp luật cũng là nguồn tham chiếu, định hướng cho các cơ quan chức năng, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong công tác phối hợp, từ việc báo tin, xử lý tin báo về BLGĐ cho đến các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, xử lý vi phạm, xử lý hình sự các đối tượng có hành vi BLGĐ,…

Một ví dụ điển hình là tại bang Victoria của Australia, tất cả những ai chứng kiến BLGĐ đều có quyền báo tin, tố giác bạo lực, việc báo tin không mang tính bắt buộc. Để tiếp nhận tin báo về BLGĐ, chính quyền bang thành lập đường dây 1800 và 1800respect.org.au. Pháp luật quy định cảnh sát đóng vai trò chính trong việc tiếp nhận thông tin tố giác BLGĐ.

Thống kê cho thấy, thông tin tố giác chiếm hơn 70% số vụ BLGĐ, bởi vậy việc xây dựng một hệ thống báo tin và tiếp nhận tin báo hiệu quả có thể góp phần không nhỏ trong việc phòng, chống, ngăn chặn kịp thời BLGĐ.

Cụ thể, năm 1999 có 19.585 trường hợp BLGĐ được cảnh sát Victoria ghi nhận, đến năm 2010 số trường hợp bạo lực gia đình do cảnh sát xử lý là 37.393 vụ và con số này tăng lên là 91.144 vụ vào năm 2021. Rất nhiều nạn nhân BLGĐ và những người chứng kiến đã mạnh dạn báo tin cho cảnh sát để ngăn ngừa hành vi bạo lực tiếp diễn. Điều đáng chú ý là việc tiếp nhận tin báo và xử lý tin báo vụ việc BLGĐ được cảnh sát Victoria thực hiện chỉ trong khoảng thời gian 4 giờ kể từ khi nhận tin báo.

Quy trình này bao gồm các hoạt động xác minh thông tin, thực hiện các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ người bị BLGĐ, áp dụng biện pháp ngăn chặn người có hành vi BLGĐ tiếp xúc với người bị BLGĐ cả việc áp dụng biện pháp “thông báo an toàn”. Bang Victoria lập ra 25 văn phòng cảnh sát để xử lý các vấn đề BLGĐ trên toàn bang, có 600 cảnh sát được đào tạo chuyên sâu làm việc tại các văn phòng để giải quyết những vụ việc phức tạp liên quan đến BLGĐ. Thậm chí, chính quyền bang đã cấp 10 triệu đô la cho công tác đào tạo, nâng cao năng lực có tất cả cảnh sát. Khi xử lý vụ việc bạo lực gia đình, cảnh sát Victoria được trang bị camera thu nhỏ gắn trên người để ghi lại các bằng chứng BLGĐ.

Tòa án căn cứ hình ảnh, tư liệu được cảnh sát ghi nhận tại hiện trường làm bằng chứng để xét xử người có hành vi bạo lực gia đình. Tại Philippines, pháp luật quy định rõ cán bộ y tế, nhân viên công tác xã hội, cán bộ tham vấn nếu có nghi ngờ về BLGĐ hoặc khi được nạn nhân của BLGĐ cho biết về vụ việc thì phải tuân thủ quy trình để ghi nhận lại các tổn thương, đồng thời cung cấp sự hỗ trợ cần thiết như cấp giấy chứng nhận sức khoẻ miễn phí, bảo quản hồ sơ và đưa cho nạn nhân khi có yêu cầu, cung cấp đầy đủ các thông tin về quyền của họ… Còn pháp luật Hàn Quốc quy định cảnh sát có thể vào nhà can ngăn BLGĐ mà không cần giấy phép hay đơn tố cáo.

Ở nhiều nước, việc ban hành quyết định bảo vệ khẩn cấp đối với nạn nhân BLGĐ có thể diễn ra ngay cả khi hành vi của người vi phạm chưa đến mức phạm tội. Thời hạn ra quyết định bảo vệ khẩn cấp cũng có sự khác nhau giữa các quốc gia. Đơn cử, 10 ngày theo khuyến nghị của Luật mẫu Liên Hợp quốc cũng là thời hạn tiêu chuẩn trong luật của các nước Australia, Nam Phi, một số bang của Hoa Kỳ. Philippines quy định 15 ngày, Kosovo là 20 ngày, Campuchia là 2 tháng.

Về quyết định bảo vệ dài hạn, một số nước như NewZealand, Nam Phi, Philippines không quy định cụ thể, quyết định này có thể vô hạn cho đến khi một trong hai bên vợ chồng đề nghị ra Tòa án để bãi bỏ trong khi Malaysia, Campuchia có quy định thời hạn chấm dứt bảo vệ lần lượt với 12 tháng và 6 tháng. Các điều kiện được áp đặt trong quyết định bảo vệ thường bao gồm: Cấm thực hiện bất cứ hành vi bạo lực nào mới; Cấm tiếp xúc với nạn nhân;

Yêu cầu người vi phạm ra khỏi nhà; Cấp dưỡng tạm thời; Quyết định giao trông nom trẻ; Tịch thu vũ khí; Yêu cầu cảnh sát hộ tống nạn nhân để lấy đồ đạc, vật dụng cá nhân…Vi phạm Quyết định bảo vệ được pháp luật nhiều quốc gia xác định là một tội phạm độc lập và riêng biệt phải chịu phạt tiền hoặc phạt tù, đơn cử luật của New Zealand, Malaysia, Philippines, Australia, Nam Phi…

Đọc thêm