Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết trong mùa dịch cao điểm

(PLVN) - Hà Nội và các tỉnh phía Nam đang trong thời kỳ cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH). Chỉ trong một tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 162 trường hợp mắc mới SXH. Bệnh nhân liên tục tăng cao trong những tuần gần đây. Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 1.544 ca SXH tại 30 quận, huyện. 
Hình minh họa

Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Muỗi vằn có nhiều khoang trắng ở lưng và chân, thường sống ở trong nhà, đậu trong những chỗ tối như gầm bàn, giường, hốc tủ, quần áo treo trên vách... Muỗi chích hút máu người cả ngày lẫn đêm.

Dấu hiệu thường gặp của bệnh như: Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 đến 7 ngày, khó hạ sốt. Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu. Có thể có nổi mẩn, phát ban. Khi bệnh nặng hơn thường kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau:

Xuất hiện các chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng).

Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Khi người bệnh có các dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết, gia đình cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng. Tuyệt đối không cho người bệnh sử dụng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ, không kiêng ăn và nhịn uống.

Để phòng tránh bệnh, người dân nên dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, thông thoáng. Đậy kín dụng cụ chứa nước, tiêu hủy các vật phế thải đọng nước, ... Để tránh muỗi đốt khi ngủ nên mắc màn, mặc quần áo dài tay, thoa kem chống muỗi. Mọi người có thể phun thuốc, dùng hương diệt muỗi, tẩm màn bằng hóa chất, dùng vợt diệt muỗi.

Đọc thêm