Trước đó, trên trang cá nhân, Pothoven (Hà Lan) đã thông báo về quyết định tìm đến cái chết của mình. "Điều này có lẽ gây ngạc nhiên với một số người nhưng quyết định này đã được tôi suy nghĩ từ lâu và không hề bốc đồng. Sau nhiều năm vật lộn, tôi đã kiệt sức rồi", cô gái trẻ viết. "Trong trường hợp này, tình yêu là để tôi ra đi".
Pothoven từng bị tấn công tình dục vào năm 11 và 12 tuổi. Năm 14 tuổi, thiếu nữ bị hai kẻ cưỡng hiếp trên phố. "Mỗi ngày, nỗi đau lại sống dậy trong tôi, khiến tôi luôn sợ hãi và cảnh giác", Pothoven nói. "Đến tận bây giờ, tôi vẫn cảm thấy cơ thể mình bẩn thỉu".
Pothoven không dám kể cho ai về những sự việc trên. Bố mẹ cô chỉ phát hiện con gái bị khủng hoảng tâm lý lúc nhìn thấy những lá thư vĩnh biệt Pothoven viết cho người thân.
"Nỗi đau không thể chịu đựng" từ các vụ tấn công tình dục khiến Pothoven rơi vào tình trạng rối loạn stress sau sang chấn và biếng ăn. Năm 2018, cô nhập viện vì sụt cân nghiêm trọng dẫn đến suy tạng, phải ăn qua ống. Thiếu nữ cũng trải qua hàng loạt liệu pháp tâm lý, bao gồm cả sốc điện nhưng không thoát khỏi khủng hoảng.
Hà Lan cho phép an tử vào năm 2001. Luật nước này quy định trẻ em từ 12 đến 16 tuổi muốn an tử cần được sự đồng ý của bố mẹ và một bác sĩ. Pothoven tròn 17 tuổi hồi tháng 12/2018 nên không còn cần ý kiến từ gia đình.
"Nó nói rằng cuộc sống của nó không còn ý nghĩa gì nữa. Một năm rưỡi trở lại đây, chúng tôi mới biết con đã giữ trong lòng những bí mật gì. Dù sao, chúng tôi muốn Noa lựa chọn sự sống", mẹ cô gái trẻ cho biết.
An tử, "cái chết êm ái", là quyền được chết hiện còn gây nhiều tranh cãi trên thế giới. Chỉ một số ít quốc gia hiện công nhận quyền được chết, như Thụy Sĩ, Canada, Hà Lan, Luxembourg và một số bang của Mỹ.
Rất nhiều người muốn "được chết" trong khi luật pháp nước sở tại không cho phép, đã đến các quốc gia cho phép trợ tử, nổi tiếng là tiến sĩ David Goodall người Australia chủ động kết thúc cuộc đời ở tuổi 104 hôm 10/5/2018 tại Thụy Sĩ./.