Phong trào nói không với túi ni-lông tại Hà Nội

(PLVN) - Theo thống kê của Bộ TN&MT, mỗi ngày Hà Nội thải ra từ 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó rác thải ni-lông chiếm tỷ lệ gần 8%. 
Một khách hàng đi mua sắm mang theo loại túi sử dụng nhiều lần thay cho túi ni-lông.
Một khách hàng đi mua sắm mang theo loại túi sử dụng nhiều lần thay cho túi ni-lông.

Để cải thiện tình trạng này, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 206/KH-UBND về việc hành động chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững Hà Nội giai đoạn đến 2020; trong đó yêu cầu các ngành dịch vụ, sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại thực hiện các mô hình giảm chất thải và tái chế trong các hoạt động của đơn vị.

Gần đây, TP ban hành Văn bản số 3549/UBND-ĐT về việc giảm chất thải nhựa trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc TP; Kế hoạch số 232/KH-UBND về phòng, chống rác thải nhựa và túi ni-lông đến 2020, tầm nhìn 2025...

Trưởng phòng Quản lý dự án (Sở TN&MT) Lê Thanh Thủy cho biết, mục tiêu của TP là từ tháng 11/2019, tất cả các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc UBND TP không sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy. Đến 31/12/2020 hạn chế đến mức thấp nhất các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa...

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trên địa bàn TP hiện có 28 trung tâm thương mại (TTTM), 142 siêu thị, 455 chợ và gần 2.000 hệ thống cửa hàng tiện ích và chuỗi, do đó trong quá trình kinh doanh, việc sử dụng các sản phẩm dùng đồ nhựa 1 lần, túi ni-lông bao gói cho khách đang ở ngưỡng lớn.

Hưởng ứng Cuộc vận động chống rác thải nhựa do Thủ tướng chỉ đạo, tháng 6/2019, Sở Công Thương đã trình UBND TP ký và ban hành Kế hoạch 144, triển khai kế hoạch sản xuất tiêu dùng bền vững, trong đó nhấn mạnh chống rác thải nhựa.

Tháng 7/2019, Sở đã tổ chức Cuộc phát động phong trào chung tay chống rác thải nhựa trong sản xuất và tiêu dùng, với gần 300 doanh nghiệp tham gia trực tiếp ký kết. Đến nay, Sở đã thu được 1.000 bản cam kết tham gia chống rác thải nhựa của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất và phân phối tiêu dùng.  

Bên cạnh đó, hệ thống TTTM, siêu thị đã hưởng ứng tích cực phong trào. Các siêu thị chuyển sang sử dụng túi sinh học, bao gói các sản phẩm bằng lá chuối hoặc sản phẩm thân thiện với môi trường. Các nhà hàng kinh doanh dịch vụ chuyển từ ống hút nhựa sang ống tre, ống giấy, ống từ bột ngô. Trong đó, hệ thống Vinmart thực hiện “Ba xanh”: Kinh doanh xanh - cung ứng xanh - người tiêu dùng xanh.

“Chúng tôi cũng hướng tới tổ chức Hội nghị kết nối 3 bên bao gồm nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà phân phối tiêu dùng để đưa ra các sản phẩm thân thiện với môi trường. Kết nối doanh nghiệp sản xuất bao bì đó với nhà phân phối để tiêu thụ, khuyến nghị các doanh nghiệp phân phối khi thu mua bao gói để cho vào hệ thống tiêu thụ thì phải đảm bảo thân thiện môi trường”, bà Lan nhấn mạnh. 

Đọc thêm