Chấm dứt thói quen sử dụng túi nilon - lực có bất tòng tâm?

(PLVN) - Sáng sớm, dạo quanh một vòng chợ khu vực phường Thanh Xuân Trung quận Thanh Xuân, Hà Nội, hình ảnh các bà, các mẹ xách giỏ đi chợ khá hiếm hoi. Ngồi quan sát gần 15-30 phút, thấy chỉ được một vài người đi chợ có xách giỏ. Thay vào đó, trên tay các bà, cô, các chị đều xách hơn 3 – 4 cái bọc nilon đủ màu đen, xanh, đỏ… 
Hình minh họa
Hình minh họa

Chị Nguyễn Thị Q là công nhân làm ở Công ty Thuốc lá Thăng Long cho biết: “Mình đi xe máy khi tan làm về mà đem giỏ theo bất tiện lắm, cái giỏ cũng lớn, đồ nhiều nên chạy xe khó, dùng túi nilon cho gọn”.

Ở Việt Nam, từ lâu việc sử dụng túi nilon trong cuộc sống của người dân đã trở thành thói quen, đi vào nếp sống vì tính tiện ích mà nó mang lại. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ước tính trung bình mỗi gia đình Việt Nam hàng ngày sử dụng và thải ra ít nhất 1 túi nilon và thống kê trên phạm vi cả nước là khoảng 25 triệu túi/ngày.

Trong đó, mỗi hộ ở thành thị có thể sử dụng từ 3-6 túi nilon/ngày.Thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon, con số này không ngừng tăng lên. Ở châu Á, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 về phát sinh chất thải nhựa sau Trung Quốc, Indonesia, Philippines. Đây là những con số biết nói, phản ánh thực trạng của việc sử dụng túi ni lon ở nước ta hiện nay. 

Trong quá khứ, xách làn đi chợ từng là thói quen của cả người dân nông thôn lẫn thành thị. Những chiếc làn đã trở thành vật dụng gần gũi, không thể thiếu trong mỗi gia đình. Nhưng nhịp sống hiện đại đã khiến thói quen ấy thay đổi. Những chiếc làn nhường chỗ cho túi nilon, thậm chí bị thay thế hoàn toàn.

Việc khuyến khích quay trở lại thói quen dùng làn đi chợ là việc làm cần thiết, cần được nhân rộng. Đã có vài hội phụ nữ cơ sở đã phát động phong trào mua giỏ xách nhựa để đi chợ, một trong những việc làm thiết thực để thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nhưng dường như để duy trì và nhân rộng phong trào lại khó, nên phát động xong, chị em vẫn đi chợ bằng… tay không. Để sau đó về nhà thì trên tay là một mớ bọc nilon.

Tuy nhiên, để tạo thói quen dùng làn đi chợ với một số chị em không phải dễ. Nhiều công nhân, người lao động nữ đi làm về, tạt qua chợ mua mớ rau, lạng thịt, con cá… mà bắt họ lúc nào cũng kè kè cái làn thì rất khó. Nhưng khuyến khích, tạo thói quen sử dụng túi tự hủy thân thiện với môi trường là điều hoàn toàn có thể thực hiện.

Nhìn ra kinh nghiệm các nước phát triển như Singapore, Hong Kong, Nhật Bản… người dân vẫn thường sử dụng túi giấy để đựng thức ăn. Bởi tại các nước này, nếu sử dụng túi nilon người dân sẽ phải bỏ ra một số tiền rất lớn vì chúng rất đắt.

Túi nilon là vật dụng quen thuộc được sử dụng hàng ngày trong đời sống, vì tính tiện lợi cũng như giá cả. Nhưng về lâu dài, túi nilon ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, bởi rất khó phân hủy. Vẫn biết rằng mô hình phụ nữ xách giỏ đi chợ dù có tác động tích cực đến nhận thức nhưng cũng khó mà yêu cầu các bà, các mẹ đi chợ phải xách giỏ bởi đó là nhận thức và ý thức của mỗi người. Thế mới nói, hạn chế sử dụng túi nilon – liệu lực có bất tòng tâm? 

Đọc thêm