Phóng xạ ở mức quá cao, công nhân Nhật phải sơ tán

Nhật lo ngại nguy cơ về một thảm họa hạt nhân lớn không thể loại trừ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, nơi mức độ rò rỉ hôm qua ở mức cao hơn nhiều lần so với hôm trước đó. Công nhân làm việc tại lò phản ứng số 2 đã phải sơ tán khẩn cấp.

Nhật Bản lo ngại nguy cơ về một thảm họa hạt nhân lớn không thể loại trừ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, nơi mức độ rò rỉ hôm qua ở mức cao hơn nhiều lần so với hôm trước đó. Công nhân làm việc tại lò phản ứng số 2 đã phải sơ tán khẩn cấp.

Phóng xạ ở mức quá cao, công nhân Nhật phải sơ tán ảnh 1
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1.

Phát ngôn viên của Chính phủ Nhật Bản Yukio Edano thừa nhận rằng, các chiến dịch khẩn cấp tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima đang diễn ra đặc biệt tích cực, song trên thực tế vẫn chưa có được những tiến bộ đáng kể trong việc đối phó với thảm họa tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.

Ông Edano tuyên bố trên đài truyền hình NHK: “Chúng tôi muốn đưa ra một lịch trình rõ ràng khi nào thì sự cố sẽ được giải quyết và những người làm việc tại hiện trường cũng nghĩ như vậy. Nhưng tôi không thể lạc quan hơn trong tình hình hiện nay”.

Hôm qua, một lượng phóng xạ cực lớn đã đo được tại một làn nước chảy ra từ lò phản ứng số 2 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 nằm bên bờ biển phía Đông Bắc Nhật Bản. Sự cố này đã khiến nhân viên phải hoãn chiến dịch bơm nguồn nước ô nhiễm này ra ngoài, Công ty Điện lực Tokyo (Tepco) tuyên bố.

Tỷ lệ đo được trong các mẫu nước bên dưới phòng tuabin nằm phía sau lò phản ứng là 1.000 milliseievert mỗi giờ, một phát ngôn viên của Tepco tuyên bố. “Con số này cao hơn gấp 10 triệu lần so với mức phóng xạ trong nguồn nước này khi một lò phản ứng hoạt động tốt”, phát ngôn viên này giải thích.

Ngoài ra, theo Tepco, điều đó có nghĩa là nhiên liệu giữa lò phản ứng có khả năng đã phải chịu những hư hại vì sự nóng chảy xảy ra ngay sau trận động đất và sóng thần hôm 11/3. “Chúng tôi đã phát hiện trong các mẫu nước những tỷ lệ cao các chất coesium và các chất khác thường thấy trong nước của lò phản ứng. Có khả năng lớn các thanh công cụ sẽ bị hủy hoại”, phát ngôn viên của Tepco cho biết.

Một trong những kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra là nhiên liệu trong phần lõi của lò phản ứng - gồm hỗn hợp uranium và plutonium - đã nóng chảy và thoát ra qua lớp vỏ thép chịu áp cao bao quanh nó.

Để tránh tình trạng hết sức nghiêm trọng xảy ra tại nhà máy Fukushima số 1, các kỹ thuật viên, lính cứu hỏa và binh lính được triển khai trên hiện trường suốt ngày đêm phải tuyệt đối hạ thấp được nhiệt độ của các lò phản ứng. Các công nhân vẫn tiếp tục đưa nước có độ phóng xạ cao đọng trong khu vực lò phả ứng ra ngoài, song hôm qua đã phải sơ tán khỏi lò phản ứng số 2. Việc lắp đặt cáp để đưa điện vào, khôi phục hệ thống làm mát lò phản ứng vẫn đang tiếp tục.

Tuy nhiên, chiến dịch trên không ngừng vấp phải những trở ngại trong mối nguy hiểm thường trực từ bức xạ ion. Mức độ phóng xạ nhiều trăm millisievert mỗi giờ đã được phát hiện xung quanh các lò phản ứng bị hư hỏng của nhà máy khiến các công nhân phải chạy đi sơ tán tạm thời.

Cuối tuần trước, 3 công nhân chỉ đi giày cao cổ bằng cao su đã bị nhiễm phóng xạ ở mức cao khi làm việc trong phòng tuabin của lò phản ứng số 3, nơi mức độ phóng xạ là 180 millisievert mỗi giờ. Hai người đã phải nhập viện.

“Nhật Bản còn lâu mới thoát ra khỏi khủng hoảng hạt nhân” tại nhà máy này, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano đánh giá, có thể hàng tuần thậm chí hàng tháng nữa. Ông Amano nhấn mạnh Nhật Bản đã có “nhiều cố gắng” để tránh nguy cơ về một thảm họa hạt nhân lớn, song cần phải làm việc hơn nữa.

Cho đến nay, số người chết trong trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản vừa qua được thông báo là 10.418 người, trong khi vẫn còn 17.072 người mất tích.

Quang Minh (tổng hợp)