Mới đây, tại Hội nghị lãnh đạo TP HCM gặp gỡ, đối thoại với cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp năm 2023, vấn đề này đã được đề cập và nhận được nhiều sự quan tâm.
Khi phụ nữ tự “làm khổ” chính mình
Chị Vũ Kim H., sinh năm 1976, làm việc trong ngành điều dưỡng tại TP HCM được nhiều người đánh giá là một phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Ở đơn vị công tác, chị là một người ham học hỏi, phấn đấu và đầy trách nhiệm, còn ở nhà, chị là một người mẹ hiền, một người vợ cực kì đảm đang. Không chỉ lo lắng cho chồng con hết mực, chị còn chu toàn cho cả gia đình mình, gia đình chồng, đến mức tự tay lo toan học hành cho cả các cháu của chồng. Ai cũng khen chị tuyệt vời, có cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa. Cho đến khi chị ốm phải nằm viện một tháng trời, xuất viện chị mới bàng hoàng nhận ra rằng mình đã “sai ở đâu đó”.
Những ngày tháng chị nằm viện, chồng con không tự lo được cho bản thân trong chuyện ăn uống, sinh hoạt, nói chi đến chăm lo cho chị đang bệnh tật. Xuất viện, chị đối diện với một căn nhà bừa bộn và những thành viên trong gia đình đang chờ chị hồi phục để chăm lo cho họ. Việc ở cơ quan cũng chất cao “như núi” vì rất nhiều việc “không có chị là không được”. Lúc này chị mới cảm thấy mình kiệt sức, thấy cô đơn trong công việc và chính trong ngôi nhà của mình.
Theo phân tích của các chuyên gia tâm lý, nhiều nỗi khổ của chị em phụ nữ không phải đến từ việc họ bị đối xử tệ, bị bạo hành, thiếu thốn miếng cơm, manh áo, mà lại từ áp lực do chính họ tự đặt ra cho mình. Những tiêu chuẩn về ngoại hình, thành công và vai trò xã hội thường được áp đặt một cách vô hình lên người phụ nữ. Điều này có thể tạo ra áp lực lớn và làm cho họ cảm thấy không tự tin về bản thân nếu không “đạt chuẩn”. Ngoài ra, phụ nữ có thể trở nên quá nhạy cảm với những lời chỉ trích và đánh giá từ người khác, điều này cũng ảnh hưởng đến ý thức giá trị bản thân của họ.
Thêm vào đó, những vai trò giới tính mà xã hội đặt lên phụ nữ cũng có thể gây ảnh hưởng đến sự tự trọng và ý thức giá trị bản thân. Điều này có thể khiến phụ nữ cảm thấy giá trị bản thân bị hạn chế và không được công nhận đúng mức.
Phụ nữ thành công ngoài xã hội vẫn có thể “yếu thế” khi không nhận thức đúng giá trị bản thân. (Ảnh minh họa) |
Tại Hội nghị lãnh đạo TP HCM gặp gỡ, đối thoại với cán bộ Hội LHPN các cấp năm 2023 mới đây, nghệ sĩ Hạnh Thúy - thành viên CLB Nữ nghệ sĩ TP HCM đã chia sẻ cảm nhận của mình khi gặp rất nhiều phụ nữ yếu thế trong gia đình. “Yếu thế” ở đây không chỉ nói đến chuyện bị lép vế về vị trí, về tài chính mà là về chất lượng sống, về sự thụ hưởng hạnh phúc. Theo nghệ sĩ Hạnh Thúy, ngay cả những phụ nữ có tiềm lực kinh tế mạnh, phụ nữ trí thức cũng có thể trở nên “yếu thế” trong gia đình. Sự bất hạnh của nhiều chị em, phần lớn do bản thân họ không nhận thức đúng về vị trí, vai trò của bản thân, sự hiểu biết về pháp luật còn thấp, không có ý thức đòi hỏi sự bình đẳng hay quyền được tôn trọng...
Nỗ lực thay đổi nhận thức
Trước những gì đã chứng kiến, nghệ sĩ Hạnh Thúy mong muốn có nhiều chương trình hơn nhằm thay đổi nhận thức của phụ nữ, đặc biệt là đối tượng phụ nữ “yếu thế”. Thông qua đó giúp phụ nữ hiểu và trân trọng giá trị bản thân, kịp thời đấu tranh với bạo lực gia đình, bất bình đẳng, biết cách tự bảo vệ mình trong các tình huống khẩn cấp. Nghệ sĩ Hạnh Thúy cũng cho rằng, đây là việc chung của cả cộng đồng, làm sao để giúp người phụ nữ không còn cảm thấy cô đơn, sợ hãi trong chính ngôi nhà của mình, để chị em phụ nữ tự ý thức xây đắp cho mình hạnh phúc thực sự, bảo vệ được chính mình, không chờ hậu quả xảy ra mới đi cứu chữa.
Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chia sẻ, nhiều phụ nữ vừa làm việc xã hội vừa làm chuyện nhà nên chắc chắn sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn. Ông Phan Văn Mãi cho rằng, nên có một đề án chung để phát huy vai trò, năng lực của phụ nữ. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của Hội Phụ nữ trong việc giúp phụ nữ nhận thức giá trị bản thân, xây dựng nên những gia đình hạnh phúc.
Bên cạnh nỗ lực nâng cao nhận thức cho chị em phụ nữ thì việc thúc đẩy một xã hội biết tôn trọng và đánh giá đúng mức sự đa dạng và vai trò của phụ nữ chính là một phần quan trọng trong hành trình giúp người phụ nữ thoát khỏi sự “yếu thế”, giúp họ trân trọng giá trị bản thân và tìm lại hạnh phúc bền vững.