Tại Việt Nam, hiện chỉ 7% phụ nữ khuyết tật mở được “cánh cửa” tình yêu và hôn nhân. 93% còn lại họ luôn khát khao một tổ ấm bình dị nhưng dường như nỗi khát khao ấy đối với họ quá xa vời.
Ba lần bị phân biệt đối xử
Hoàng Thị Hồng (34 tuổi, quê Bắc Kạn) bị liệt hai chân nhưng cô đã vượt qua được bệnh tật và vừa nhận tấm bằng Đại học ngoại ngữ. Người phụ nữ giàu nghị lực này tâm sự: “Em không có mơ ước gì hơn là tìm được một người đàn ông yêu thương, thông cảm với mình và có con như những người phụ nữ bình thường khác”. Quả là một mong muốn rất con người nhưng lẽ tự nhiên ấy thật khó thực hiện ở những phụ nữ khuyết tật như Hồng.
Ảnh chỉ mang tính minh họa |
Ở Việt Nam hiện có hơn 5,1 triệu người khuyết tật, chiếm 6,4% tổng dân số, trong đó phụ nữ khuyết tật chiếm 36,5%. Khoảng 50% trong số họ đang ở độ tuổi kết hôn. Theo lẽ tự nhiên, họ cũng có những mong muốn về tình yêu, hạnh phúc gia đình nhưng chỉ 7% trong số họ tìm được “một nửa” của mình. Nguyên nhân được các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực bảo vệ người khuyết tật đưa ra là: Phụ nữ khuyết tật phải chịu 3 lần phân biệt đối xử: Tự ti bản thân, thờ ơ gia đình và rào cản xã hội.
Tâm sự về rào cản gia đình, em Phương Lan (16 tuổi), tham gia sinh hoạt CLB khuyết tật Hà Nội nói: “Mẹ không bao giờ chia sẻ với em về chuyện sinh lý phụ nữ, em tự mò mẫm tìm đọc sách báo để tìm hiểu”. Theo một thống kê mới đây, chỉ dưới 10% số thanh thiếu niên khuyết tật biết hoặc biết mơ hồ về sức khỏe tình dục. Về phía cha mẹ của thanh thiếu niên khuyết tật lại lý giải: “Chúng tôi chỉ chú ý đến việc làm thế nào để phục hồi chức năng cho con mà bỏ qua những nhu cầu về cảm xúc và đời sống tình dục của chúng”.
Mặc dù trong sâu thẳm trái tim, những phụ nữ khuyết tật vẫn khao khát, mong muốn được yêu thương, được quyền hạnh phúc làm vợ, làm mẹ nhưng cũng chính họ chưa vượt qua được số phận của mình. Những người phụ nữ khuyết tật nếu có cơ hội đón nhận tình yêu thì cũng phải trải qua rất nhiều thử thách. Đó là, rào cản gia đình người con trai khi lo con họ sẽ khổ nếu phải chăm thêm người “tàn phế” và họ hoài nghi về khả năng làm mẹ của những phụ nữ này. Bên cạnh đó là rào cản từ chính gia đình phụ nữ khuyết tật, họ sợ con họ không được chăm sóc chu đáo và có thể bị bỏ rơi bất cứ lúc nào.
Chị Thanh Hương (45 tuổi) bị khuyết tật vận động do di chứng bại liệt có khuôn mặt xinh xắn và một công việc ổn định ở Hà Nội, thu nhập khá đã đúc kết lại kinh nghiệm từ bản thân mình sau hai lần trái tim rung động: “Tôi nghĩ họ yêu thì yêu vậy thôi nhưng đến khi lấy vợ họ cũng phải đắn đo, suy nghĩ và lựa chọn, họ lấy một người tàn tật như tôi để làm gì, ngay cả bạn bè cũng dị nghị khi họ chơi với tôi, có người bảo họ, sao mày lại chơi với một con què?”. Thế là chị lại thu mình trong cái “vỏ ốc tình yêu”.
Với cộng đồng, đặc biệt là những người đàn ông, cho dù là người họ có học thức cao, họ cũng chỉ nhìn thấy ở người phụ nữ khuyết tật một yếu tố là không lo toan được việc nhà, mà chỉ làm bận bịu cho chồng, làm ảnh hưởng đến sự nghiệp của chồng. Thực tế hơn, họ sợ phụ nữ khuyết tật sẽ không sinh hoạt tình dục bình thường được nên khó sinh ra được những đứa con bình thường và như thế sẽ khổ cả đời.
Cửa hạnh phúc hẹp nhưng không khép kín
Vì khuyết tật mà đa số phụ nữ khuyết tật tự cho rằng mình không có quyền mơ tưởng đến tình yêu hay những xúc cảm tình dục. Họ tự ti và khắt khe với chính bản thân nên khi tình yêu đến, không ít người trong số họ ngỡ ngàng, không dám chấp nhận để rồi tự bỏ qua rất nhiều cơ hội để có hạnh phúc thực sự.
Chị Hồng Hà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật cho rằng: “Đa số những người phụ nữ khuyết tật đều là những người nghèo và không có đủ khả năng tài chính. Thậm chí với những người có khả năng tài chính độc lập thì lại phải trải qua những rào cản từ nhận thức không tốt về sự hấp dẫn giới tính, nhu cầu tình dục, sự đầy đủ và khả năng làm mẹ nên họ rất khó đến với tình yêu và hôn nhân”.
Thực tế cho thấy, trong xã hội hiện đại vẫn còn có những nam giới cho rằng: “Thà lấy một phụ nữ bình thường, tính cách không ra sao còn hơn lấy một phụ nữ xinh xắn, hiền lành và đáng yêu nhưng bị khuyết tật”.
Lần đầu tiên nhóm nghiên cứu của Bác sỹ Đỗ Thanh Toàn - Khoa Y tế Công cộng, trường Đại học Y Hà Nội và các cộng sự đã đi sâu tìm hiểu đời sống riêng tư của phụ nữ khuyết tật. Họ cho rằng, chính sự mơ hồ về tình dục và tự ti chính mình, nhiều phụ nữ khuyết tật trở thành “con mồi” của kẻ xâm hại tình dục.
Có thể thấy sự trưởng thành của một người con gái phụ thuộc rất nhiều vào các bậc cha mẹ, và đặc biệt hơn khi người con gái ấy lại mang khuyết tật. Vì vậy, cha mẹ ngoài việc quan tâm chữa bệnh cho con rất cần cung cấp cho con em mình những kiến thức về sức khỏe sinh sản và tạo điều kiện cho con tham gia bất kỳ công việc gì trong gia đình để các em có sự chuẩn bị cho cuộc sống về sau.
“Đối với phụ nữ khuyết tật, cửa hạnh phúc hẹp nhưng không khép kín. Em nghĩ rằng, phụ nữ khuyết tật phải tự tin vươn lên, biết thể hiện bản thân mình, có độc lập về kinh tế, biết thu vén tổ chức gia đình. Đấy là cái đích để làm thay đổi suy nghĩ của cộng đồng. Hạnh phúc đang ở phía trước!” - Thu Nga, một người khuyết tật chia sẻ.
Bảo Châu