Phú Quốc ngập lịch sử
Mưa lớn từ chiều 8/8, kéo dài đến chiều 9/8 tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã khiến cho nhiều khu vực trên đảo biến thành sông. Mưa lớn, nước từ các núi đổ xuống đã gây ra tình trạng ngập cục bộ, gâp thiệt hại lớn tại thị trấn Dương Đông và xã Cửa Dương trên đảo.
Theo thống kê, có 34 km đường trên đảo bị ngập sâu từ 0,6 đến 1,5 m, có 3.874 căn nhà bị ngập, 14 nhà bị tốc mái, nhiều tài sản trong nhà bị hư hỏng, đặc biệt là một số cơ sở sản xuất đã bị thiệt hại nặng. Nhiều nơi nước ngập sâu đến 2-3m. Tổng thiệt hại ước khoảng 68,4 tỷ đồng.
Các lực lượng vũ trang đã huy động gần như toàn bộ lực lượng, khí tài, trang bị cùng hàng nghìn người dân triển khai các biện pháp cứu hộ, sơ tán người dân ở những nơi bị nước cô lập đến nơi tránh an toàn.
Do ảnh hưởng của lũ, ngày 9/8, sân bay Phú Quốc đã phải tạm đóng cửa vì thời tiết xấu, khiến nhiều chuyến bay phải chuyển hướng hạ cánh hoặc lùi giờ khởi hành.
Lực lượng cứu hộ giúp người dân qua các điểm ngập tại Phú Quốc |
Trước đó, từ ngày 3 đến ngày 5/8, do ảnh hưởng của hoàn lưu ấp thấp nhiệt đới từ cơn bão số 3 suy yếu, tại huyện Phú Quốc xảy ra mưa lớn, lượng mưa đo được trong 4 ngày lên đến 501,2 mm. Đây là lượng mưa lớn kỷ lục diễn ra trong một thời gian ngắn.
10 người thiệt mạng vì mưa lũ tại Tây Nguyên
Tại các tỉnh Tây Nguyên, theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến chiều tối 9/8, mưa lũ kèm sạt lở đất những ngày qua đã làm chết 10 người (4 người tại Đắk Nông, 2 người tại Kon Tum, 1 người tại Gia Lai; 1 người tại Đắk Lắk; 2 người tại Lâm Đồng).
Tại tỉnh Lâm Đồng, từ ngày 6 - 9/8, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, trên địa bàn toàn tỉnh có mưa to đến rất to tại các huyện phía Nam và Tây Nam. Mưa to, lũ quét gây ngập lụt tại nhiều địa phương, khiến cho 1.400 ngôi nhà bị ngập, gần 2.000 ha rau mùa, trên 50 ha ao cá bị cuốn trôi… thiệt hại ước tính hàng trăm tỉ đồng.
Đặc biệt, từ 0h00 ngày 9/8, đèo Bảo Lộc đã bị sạt lở nhiều điểm, phủ lấp đoạn đường dài. Khi đoàn xe đang dừng giữa đèo chờ giải tỏa hiện trường, một khối đất đá đã bất ngờ đổ ập đẩy 2 ô tô, bao gồm 1 xe khách 45 chỗ và một xe bán tải rơi xuống phía ta-luy âm, khiến nhiều người trên xe khách bị thương, trong đó 4 người bị thương nặng được chuyển viện cấp cứu. Giao thông trên đèo đã bị tắc nghẽn đến chiều tối 9/8 mới lưu thông 2 chiều.
Ngày 8/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) có công điện khẩn cho biết, công trình hồ thủy điện Đăk Kar tại xã Phú Sơn, huyện Đăk R’Lấp (tỉnh Đắk Nông) đang thi công có dung tích 13 triệu m3 bị sự cố kẹt cửa van.
Do ảnh hưởng của mưa lũ, hiện tại nước đã tràn qua đập gây sạt lở chân đập và có nguy cơ cao xảy ra vỡ đập, đe dọa nghiêm trọng tới sự an toàn của dân cư khu vực hạ du thuộc các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước và Lâm Đồng…
Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Lâm Đồng cho biết, ngay sau khi nhận được Công điện, UBND tỉnh đã triển khai các giải pháp sẵn sàng ứng phó với sự cố trên. Tỉnh đã sẵn sàng sơ tán khẩn cấp 300 hộ dân tại khu vực hạ du sông Đồng Nai nếu xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Đăk Kar.
Tại Đắk Lắk, đến ngày 9/8, hàng ngàn hộ dân huyện Ea Súp bị ngập hoặc bị ảnh hưởng nhà cửa. Khoảng 6.000ha hoa màu, cây trồng các loại bị ngập úng, thiệt hại. Hàng ngàn con gia súc, gia cầm bị chết hoặc bị lũ cuốn trôi.
Các huyện Buôn Đôn, Cư M’gar cũng bị thiệt hại nghiêm trọng. Tuyến quốc lộ 14C dọc biên giới bị đứt, gãy vẫn chưa được khắc phục. Tại 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, đến ngày 9/8, mưa lũ và sạt lở đất đã làm hàng chục thôn, buôn trên địa bàn các xã, huyện bị cô lập, giao thông đi lại khó khăn.
Bình Phước di dời gần 5.000 người dân
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước), sau khi xảy ra sự cố tại đập thủy điện Đăk Kar (tỉnh Đắk Nông) chính quyền địa phương đã tổ chức di dời 4.000 người dân 4 xã Đồng Nai, Phước Sơn, Thống Nhất và Đăng Hà từ khu vực có nguy cơ ảnh hưởng đến nơi an toàn.
Trước đó, tối 8/8, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Bù Đăng cũng đã tổ chức di dời 200 hộ dân với gần 1.000 người đến khu vực an toàn. Lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước vẫn chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra; đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ và sự cố đập để chủ động các phương án xử lý kịp thời, hiệu quả.
Tại tỉnh Đồng Nai, đến chiều 9/8, thống kê bước đầu tại huyện Tân Phú đã có hơn 1.500 ha bị ngập; 995 hộ buộc phải di dời. Còn tại huyện Định Quán, nước lũ đã khiến 32 căn nhà bị ngập; 58 bè cá của 12 hộ nuôi trên sông, với 619 tấn cá bị chết và ra ngoài tự nhiên.
Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Đồng Nai, nguyên nhân gây ngập lũ nghiêm trọng trên địa bàn 2 huyện trên là do mưa lớn trên thượng nguồn sông Đồng Nai kết hợp Thủy điện Đồng Nai 5 xả lũ và sự cố công trình thủy điện Đăk Kar. Nước lũ phía thượng nguồn sông Đồng Nai đang đổ về hạ du với khối lượng rất lớn nên tỉnh sẽ tiếp tục di dời 1.200 hộ dân sống ven sông ở huyện Tân Phú để đảm bảo an toàn.
Ngày 9/8, ông Lê Viết Thuận - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Đắk Nông - khẳng định, mực nước hồ thủy điện Đăk Kar đã về mức ổn định, an toàn. Lực lượng chức năng và đơn vị chủ đầu tư đang túc trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý nếu có tình huống xấu xảy ra.