“Phù sa” sẽ chữa lành những vết thương của núi rừng Tây Bắc

(PLVN) - Tôi đã từng cảm thấy tràn đầy phấn khích, tự hào trước vẻ đẹp huy hoàng của rừng núi Tây Bắc khi nắng chiều như dát vàng trên màu xanh mỡ màng của những ruộng lúa, nương ngô. Nhưng hôm nay, cũng một buổi chiều mặt trời chuẩn bị xuống núi, rải những tia nắng vàng như ánh kim xuống mặt đất, trong tôi lại ngập tràn cảm giác xót xa, bi thương tột cùng, khi trước mặt tôi là một thung lũng tan hoang, nước cuồn cuộn chảy - nơi vốn là một bản làng trù phú – Làng Nủ.
Khung cảnh tan hoang ở làng Nủ

Cơn ác mộng ở Làng Nủ

Những người còn lại ở Làng Nủ (Xã Phúc Khánh – huyện Bảo Yên – Lào Cai) đã 6 ngày rồi vẫn ngơ ngác. Cơn thịnh nộ kinh hoàng của thiên tai đến khi nhiều người dân Làng Nủ vẫn còn chìm trong giấc ngủ. 6 ngày trôi qua, họ vẫn như chìm đắm trong cơn ác mộng, không thể tin đó là sự thật.

Ông Hoàng Văn Diệp, Trưởng thôn Làng Nủ kể lại cho tôi nghe về câu chuyện kinh hoàng ở Làng Nủ. Vị trưởng thôn cũng không ngờ có ngày mình phải đối diện sự đau xót chất chồng, ngổn ngang này.

Vị trưởng thôn kể lại câu chuyện với phóng viên

"Nhiều người dân trong thôn còn chưa biết đang ở đâu, họ có ẩn nấp được đâu đó không? Hay họ còn đang bị vùi lấp dưới đống hoang tàn đổ nát kia? Thi thể em tôi mới được chôn cất tạm, tôi chưa được làm đám tang cho em…” – ông nghẹn lời, dừng cuộc trò chuyện cố gắng nuốt vào trong những giọt nước mắt đàn ông chỉ trực trào ra.

Tôi cũng đã gặp ở Làng Nủ, cậu bé gầy ngồi nấp bên gốc khóm chuối. Đôi mắt vô hồn ngóng về những đoàn tìm kiếm. Tôi hỏi: Em chờ ai? Cậu bé rưng rưng ngập ngừng: “Mẹ!”

Cậu bé mới xuống phố làm việc. Hay tin bản làng bị nạn, em chạy về thì chỉ nhìn thấy thi thể bố và đứa cháu con anh trai trôi dạt xuống mãi phía dưới. “Người ta chưa dò đến khu nhà em. Em chờ thấy mẹ.” – cậu bé nói nhưng không khóc. Đôi mắt đỏ mệt mỏi sợ hãi!

Những người còn lại ở Làng Nủ đang ngóng chờ phép màu từ đống đổ nát - nơi trước kia là bản làng yên bình của họ.

6 ngày trôi qua, người Làng Nủ đã không còn nước mắt để khóc. Họ ngồi lặng lẽ hướng mặt về phía núi Voi. Họ đang đợi những người Làng Nủ còn đâu đó trong đống hoang tàn đổ vỡ kia, và cũng biết đâu, phép màu sẽ đưa họ trở về từ rừng.

Rũ bùn đứng dậy

Cung đường đến với bà con ở 3 tỉnh Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái bị ảnh hưởng bởi lũ quét, chúng tôi đã từng nghẹn lòng khi chứng kiến sự tàn khốc của cơn lũ dữ. Những con phố sầm uất của Yên Bái, Lào Cai phủ đầy bùn đất; Những ngôi nhà tan hoang; Những ruộng lúa, bãi dâu từng xanh ngắt giờ nhuộm một màu bùn nâu tàn úa.

Trên cung đường chúng tôi đi, xen lẫn những mảng xanh của núi rừng là những khoảng trống đỏ au như vết thương hở trên cơ thể - những vết sạt lở.

Bùn đất phủ tràn những cung đường chúng tôi đã đến.

Bùn đất phủ tràn những cung đường chúng tôi đã đến. Trong nỗi xót xa, tôi tự nhủ lòng, nghĩ đến câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: "Nước Việt Nam từ máu lửa/Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”

Sự so sánh có thể khập khiễng, nhưng tôi vẫn tin hình ảnh của đồng bào Tây Bắc, những người dân ở Trấn Yên, Bát Xát, Bắc Hà, những người dân ở Làng Nủ, sẽ sớm dọn dẹp bùn đất, để bắt đầu một cuộc sống bình thường mới.

Hậu bão lũ, lớp phù sa đắp bồi sẽ giúp lúa nặng bông, cây cối sẽ sớm nảy chồi sai lộc…

Hậu bão lũ, cũng là lúc chúng ta nhìn thấy sự "đắp bồi" của tình nghĩa đồng bào. Khi đi qua những vùng đất bị tàn phá, chúng tôi cũng chứng kiến những khoảnh khắc khắc sâu đầy ấm áp. Các đoàn xe cứu trợ từ khắp miền Nam, miền Trung tiến về miền Bắc; Những người phụ nữ đứng bên đường, cầm lá cờ đỏ sao vàng, mời các bác tài, mời những người đi cứu trợ vào dùng những bữa cơm miễn phí trong quán ăn bình dân, tạm nghỉ miễn phí trong những phòng khách sạn đắt tiền; Những nhà xe huy động hàng chục xe chở hàng viện trợ miễn phí…

Các đoàn xe cứu trợ hướng về đồng bào miền núi phía Bắc.

Chúng tôi còn gặp cả những bà cụ vội vã mang lên vệ đường mớ rau chục trứng thu vội trong nhà gửi xe lên cho bà con Làng Nủ; người nông dân quê Thái Bình đi cả đêm mang rau xanh đến gửi tặng bà con Yên Bái…

Chúng tôi gặp những chiến sỹ công binh mặt còn non tơ đang cần mẫn tìm thi thể bà con ở Làng Nủ còn nằm yên đâu đó trong lớp lớp bùn đất; những đoàn viên thanh niên tình nguyện, mắt quầng vì thức trắng đêm, nhưng vẫn nhiệt tình hỗ trợ tiếp nhận và vận chuyển hàng đến những nơi bà con đang chờ đợi.

Những con người đang thầm lặng "chữa lành" cho Tây Bắc.

Chúng tôi cũng bắt gặp đôi vợ chồng trẻ, ngồi bên cửa sổ khu nhà tạm trú tại Bắc Hà, nơi ánh nắng chiều vàng nhạt trải dài. Họ ngồi nựng con nhỏ, yên lành như chưa trải qua những ngày dài sợ hãi trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên.

Sau ghi lại được bức hình này, phóng viên Gia Hải nói: Tôi chưa bao giờ thấy một khoảnh khắc bình dị mà hạnh phúc đến vậy. Những khoảnh khắc như thế cho tôi niềm tin rằng, dù thiên tai có tàn phá đến mức nào, con người nơi đây vẫn giữ được niềm tin vào tương lai, vẫn sống với lòng yêu thương và sự bao bọc lẫn nhau.

Khoảnh khắc hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ được pv Gia Hải ghi lại

Niềm tin của chúng tôi là khi tận mắt thấy sự tiếp ứng kịp thời của lãnh đạo địa phương các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai. Khi chúng tôi ra về từ Làng Nủ, chúng tôi đã gặp lãnh đạo tỉnh Lào Cai đến với bà con, dù lúc đó đã rất muộn. Chúng tôi đã gặp ở đó những vị cán bộ ăn cùng dân, ngủ cùng dân, đau đáu ngóng những người dân chưa "về" sau cơn lũ quét, như lo cho chính người thân của mình...

Niềm tin của chúng tôi còn là khi chỉ một thời gian ngắn kêu gọi, Báo Pháp luật Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của các doanh nghiệp, các bạn đọc hảo tâm. Chúng tôi đã trao tận tay những món quà ấy đến những người dân cần sự giúp đỡ nhất, bằng cả tất cả sự biết ơn, cẩn trọng của mình.

Đại diện tập đoàn Thiên Khôi cùng Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam trao quà tặng bà con ở Trấn Yên.

Những vết thương của núi rừng rồi sẽ lành lại

Tại Làng Nủ, khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng tan hoang, bi thảm, nước mắt đã không thể kìm nén trên gương mặt các nhà báo can trường. Sự mất mát nơi đây quá lớn, khiến ai cũng thấy mình nhỏ bé và bất lực.

Chúng tôi thấy mình nhỏ bé và bất lực trước khung cảnh tàn phá này.

Tổng biên tập của chúng tôi - Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - là vị Tổng biên tập đầu tiên đến hiện trường Làng Nủ. Quyết định đến tận hiện trường Làng Nủ không phải là điều dễ dàng. Bởi con đường tới đây còn rất khó khăn. Nhưng ông vẫn nhất định phải đến, bởi ông tin rằng, người làm báo cần tận mắt chứng kiến nỗi đau, cảm nhận bằng trái tim sự khổ đau của người dân, để thấy mình cần có trách nhiệm hơn với cuộc sống, với cộng đồng. Điều đó giúp chúng tôi hiểu sâu sắc hơn sứ mệnh của nghề báo: không chỉ là phản ánh sự thật mà còn là chia sẻ và đồng cảm với nỗi đau của người dân.

Tổng biên tập Vũ Hoài Nam tại hiện trường Làng Nủ

Tận tay trao quà tới bà con làng Nủ, ông xúc động nói: “Những gì chúng tôi trao cho bà con nơi đây chỉ là một chút an ủi nhỏ nhoi giữa mất mát vô cùng to lớn.” Ông hứa, sẽ tiếp tục hành trình để hỗ trợ bà con Làng Nủ sớm có một cuộc sống mới tốt hơn.

Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng biên tập báo Pháp luật Việt Nam trao quà cho bà con Làng Nủ.

Chúng tôi rời Làng Nủ, về đến Hà Nội khi đã chuẩn bị sang một ngày mới. Mưa nặng hạt. Khi cả đoàn còn như vẫn bồng bềnh trên cung đường Tây Bắc, Tổng biên tập tin nhắn: “28 tấn hàng của phóng viên phía Nam vận động từ các nhà tài trợ sáng mai sẽ đến Hà Nội. Các đồng chí chuẩn bị tinh thần để tiếp tục lên đường tới Bắc Kạn, Tuyên Quang... Bà con đang rất cần!”. Đồng loạt những “Trái tim đỏ” của các thành viên trong đoàn được gửi đến Tổng biên tập!

Người làm báo cần tận mắt chứng kiến nỗi đau, cảm nhận bằng trái tim sự khổ đau của người dân.

Chúng tôi tin, câu chuyện về cơn bão số 3 không chỉ là câu chuyện của sự tàn phá. Nó còn là câu chuyện của tình người, của sự đồng lòng và tinh thần kiên cường không khuất phục. Vết thương của núi rừng rồi sẽ lành lại, tình người, tinh thần đoàn kết sẽ mãi là lớp phù sa để nảy nở những mầm sống tươi tốt hơn.

Nụ cười tràn đầy niềm tin của những phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam cùng các em nhỏ ở Bắc Hà.

Đoàn công tác báo Pháp luật Việt Nam hướng về đồng bào miền núi phía Bắc.

Đọc thêm