Phú Thọ đi đầu vùng trung du miền núi phía Bắc trong thu hút đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tỉnh Phú Thọ đang trở thành một trong những địa phương đi đầu vùng trung du miền núi phía Bắc trong thu hút đầu tư.
Tỉnh Phú Thọ thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để đón “sóng” đầu tư
Tỉnh Phú Thọ thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để đón “sóng” đầu tư

Năm 2022, tỉnh Phú Thọ xác định là năm khởi công và triển khai các dự án trọng điểm, phấn đấu đến năm 2025, Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Để đạt được mục tiêu này, trong 2 năm qua, Phú Thọ đã tích cực thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI, bước đầu đạt bước tiến đột phá.

Ngày 13/10/2021, Tỉnh ủy Phú Thọ đã ban hành Nghị quyết số 61-NQ/TU về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, quan điểm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Tỉnh đã tập trung triển khai hiệu quả 05 nhóm mục tiêu và 08 giải pháp mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện, từ đó tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ, trong 5 năm qua, tỉnh đã thu hút được 700 dự án đầu tư trực tiếp với tổng vốn đăng ký 48.000 tỷ đồng; toàn tỉnh có 8.700 doanh nghiệp, đứng thứ hai trong các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ… Trong đó, có nhiều nhà đầu tư lớn nước ngoài là Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU và các nhà đầu tư lớn trong nước như Tập đoàn T&T, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Sông Hồng Thủ đô… đã đầu tư nhiều dự án trọng điểm với số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Riêng trong năm 2021, Phú Thọ đã đạt nhiều kết quả đột phá trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo đó, tỉnh đã đứng thứ 14/63 tỉnh về thu hút vốn FDI; chấp thuận chủ trương đầu tư cho 74 dự án trong nước và 15 dự án FDI đăng ký mới với tổng vốn đầu tư 19,5 nghìn tỷ đồng và 500 triệu USD.

Phú Thọ ưu tiên thu hút các dự án sản xuất, kinh doanh lựa chọn theo định hướng của tỉnh
Phú Thọ ưu tiên thu hút các dự án sản xuất, kinh doanh lựa chọn theo định hướng của tỉnh

Đánh giá về môi trường đầu tư tại tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Văn Niên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ đô cho biết: "Phú Thọ đã có nhiều đổi mới trong thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Đặc biệt, trong quá trình từ làm thủ tục cấp phép đầu tư đến thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và khởi công dự án, chúng tôi rất yên tâm, phấn khởi khi nhận được sự quan tâm, song hành của chính quyền tỉnh Phú Thọ".

Năm 2022, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng thêm hai KCN tại huyện Hạ Hòa và Tam Nông, có vị trí giao thông thuận lợi, nằm trên tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai; hoàn thiện hạ tầng và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng sạch khoảng 300ha tại KCN Phú Hà và Cẩm Khê. Đồng thời, rà soát lại 21 cụm công nghiệp, trong đó, trọng tâm đầu tư vào các cụm công nghiệp như Bãi Ba, Vạn Xuân, Thanh Minh, Bắc Lâm Thao… sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư.

Ông Trịnh Thế Truyền - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ khẳng định: “Để thực hiện mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, Sở KH&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư. Tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định rõ từng bước công việc, trách nhiệm của người đứng đầu, ký cam kết với nhà đầu tư về tiến độ triển khai”.

Bên cạnh tăng cường đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, tỉnh Phú Thọ cũng ưu tiên thu hút các dự án sản xuất, kinh doanh lựa chọn theo định hướng của tỉnh, phù hợp với tính chất từng địa phương và các khu công nghiệp. Đồng thời, đầu tư xây dựng hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, các công trình kết cấu hạ tầng bên ngoài hàng rào khu công nghiệp, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh về mặt bằng, cơ sở hạ tầng đối với nhà đầu tư.

Cùng với đó là huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tạo bước đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm, phát triển công nghiệp và các ngành dịch vụ, du lịch. Chú trọng công tác quy hoạch phát triển các cụm liên kết ngành công nghiệp gắn với công nghiệp phụ trợ, các khu logistics tập trung gắn với cảng đường thủy, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại./.

Đọc thêm