Phú Thọ khắc phục khó khăn trong nuôi trồng thủy sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Là địa phương có tiềm năng và lợi thế rất lớn trong phát triển thủy sản, tỉnh Phú Thọ đang dần hướng đến việc tập trung đầu tư thâm canh đối với việc nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, hướng phát triển này vẫn còn khó khăn do nhiều nguyên nhân.
Mô hình nuôi cá “sông trong ao” của gia đình anh Thiều Minh Thế, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.
Mô hình nuôi cá “sông trong ao” của gia đình anh Thiều Minh Thế, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ, dựa vào các tiêu chí, toàn tỉnh đã xác định được 54 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, phân bố ở các huyện, thành, thị với tổng quy mô trên 1.300ha, trong đó có 48 khu nuôi tập trung theo hình thức thâm canh, còn lại sáu khu nuôi tại Phù Ninh, Hạ Hòa nuôi bán thâm canh.

Các mô hình phổ biến hiện nay được rất nhiều các hộ dân áp dụng có thể kể đến như mô hình nuôi cá “sông trong ao”; nuôi cá lồng trên sông, hồ… Các mô hình này mang nhiều lợi ích như không cần diện tích lớn, tận dụng triệt để thức ăn, tránh lãng phí; đồng thời ứng dụng quy trình lọc nước tuần hoàn đảm bảo nguồn nước sạch cho cá, bảo vệ nguồn tài nguyên nước…

Theo nhiều hộ dân, việc áp dụng nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh đã giúp tăng năng suất từ 5 đến 7 lần trên cùng một đơn vị diện tích so với biện pháp nuôi truyền thống, mang lại thu nhập cao. Đầu tư nuôi cá lồng chi phí ban đầu khá thấp nhưng cho lợi nhuận cao, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, hình thức thâm canh trong nuôi trồng thủy sản nhiều nơi thuộc tỉnh Phú Thọ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, tại các địa phương hiện còn thiếu cán bộ chuyên môn về thủy sản. Hầu như tại các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông chỉ có cán bộ có chuyên môn về trồng trọt, chăn nuôi, thú y chứ chưa có cán bộ kỹ thuật về thủy sản.

Điều này đã gây khó khăn rất lớn cho người nuôi khi cần tham vấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh… Hơn nữa, tình hình biến đổi khí hậu những năm gần đây ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng cho nghề nuôi thủy sản.

Đặc biệt, đối với mô hình nuôi cá lồng, người dân nuôi tập trung ở sông Đà, sông Lô, sông Bứa và một số hồ chứa lớn nên mức độ rủi ro do thiên tai lại càng cao. Chỉ tính riêng trong tháng 6 vừa qua, do mực nước Sông Đà giảm sâu so với mọi năm khiến một số hộ dân nuôi cá lồng trên sông Đà thuộc huyện Thanh Thủy thiệt hại trên 31,8 tấn cá. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là hai xã Thạch Đồng và Bảo Yên. Tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 1,7 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ cho biết, nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn tại, đồng thời hướng tới phát triển thủy sản một cách bền vững, thời gian qua, Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ đã tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ người nuôi; trong đó chú trọng quy hoạch chi tiết đối với từng địa phương và phổ cập kỹ thuật chăn nuôi thủy sản cho người dân.

Cùng với đó, những năm gần đây, Chi cục Thủy sản đã đồng hành cùng với người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh tập trung xây dựng các chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ; triển khai các chương trình, nội dung liên quan đến truy xuất nguồn gốc thủy sản; phối hợp với các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến để xây dựng kế hoạch phát triển thủy sản ổn định.

Chi cục cũng đã tăng cường công tác quản lý nhà nước để theo dõi, nắm bắt chặt chẽ các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, khu nuôi tập trung, cơ sở nuôi cá lồng, sản xuất kinh doanh giống và vật tư thủy sản trên địa bàn tỉnh… Đồng thời, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhân rộng các mô hình thủy sản có hiệu quả kinh tế cao, tạo sức bật mới trong nuôi thủy sản của tỉnh./.

Đọc thêm