Phú Thọ: Ngân hàng MHB “mập mờ”, dân mất nhà?

(PLO) - Ngân hàng Phát triển nhà (MHB) đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình xử lý nợ đã có nhiều động thái “đi đêm” với Công ty TNHH in Trường Sinh, dẫn đến việc gia đình ông Quyền Văn Viên bị mất căn nhà tại TP Việt Trì là khiếu nại của công dân gửi tới báo PLVN.
Căn nhà của gia đình ông Quyền Văn Viên
Căn nhà của gia đình ông Quyền Văn Viên

Trong đơn gửi tới Báo PLVN, ông Quyền Văn Viên và vợ là bà Hồ Thị Ngọc Bình (trú tại khu 5, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) nêu rõ: Theo Bản án phúc thẩm số 01/2014/KDTM-ST ngày 09/01/2014 của TAND tỉnh Phú Thọ giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là Ngân hàng MHB) và Công ty TNHH in Trường Sinh (gọi tắt là Công ty Trường Sinh) quyết định: “Buộc Công ty Trường Sinh phải trả cho Ngân hàng MHB số tiền nợ gốc: 1.010.000.000 đồng và lãi 682.303.817 đồng. Tổng cộng là 1.692.303.817 đồng. Trong trường hợp Công ty Trường Sinh không trả được số tiền gốc: 1.010.000.000 đồng và lãi trong hạn phát sinh đến ngày 31/12/2010 là 44.895.622 đồng thì ông Quyền Văn Viên và bà Hồ Thị Ngọc Bình có trách nhiệm trả thay bằng tài sản đã đảm bảo khoản vay là toàn bộ giá trị quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng 340,3m2 tại khu 5, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất của bên thứ ba số 0184.09.01/HĐTC ngày 17/11/2009”.

Theo ông Viên, bản án phúc thẩm số 01/2014/KDTM-ST ngày 09/01/2014 TAND tỉnh Phú Thọ vi phạm pháp luật bởi vì trong trường hợp này thực chất là thế chấp tài sản của bên thứ ba và Điều 344 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: Các bên thỏa thuận về thời hạn thế chấp tài sản; nếu không có thỏa thuận thì việc thế chấp có thời hạn cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp.

Văn bản của Tổng cục THADS gửi TAND Cấp cao
Văn bản của Tổng cục THADS gửi TAND Cấp cao

Theo tìm hiểu của PV, quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng quy định: “Thời hạn cho vay là khoảng thời gian được tính từ khi khách hàng bắt đầu nhận vốn vay cho đến thời điểm trả hết nợ gốc và lãi vốn vay đã được thoả thuận trong hợp đồng tín dụng giữa tổ chức tín dụng và khách hàng”.

Trong trường hợp này, thời hạn cho vay là 12 tháng (không có thời gian ân hạn); Bên B (Công ty Trường Sinh) chịu trách nhiệm hoàn trả nợ gốc đầy đủ và đúng hạn theo lịch trả nợ là 31/12/2010; việc trả lãi vay từ ngày 15 đến ngày 20 của tháng. Đồng thời, theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 0184.09.01/HĐTC ngày 17/11/2009, gia đình ông Viên cam kết bảo đảm dùng tài sản của mình để trả cho khoản vay 1.010.000.000 đồng nếu đến hạn mà Công ty Trường Sinh không trả được nợ theo Hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng MHB và Công ty Trường Sinh.

Luật sư Trần Đại Dương (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích: Từ những căn cứ nêu trên thì thời hạn thế chấp tài sản mà gia đình ông Viên cam kết để trả nợ thay cho Công ty Trường Sinh (khi đến hạn trả nợ mà Công ty Trường Sinh không trả được nợ cho Ngân hàng MHB) cũng là thời hạn cho vay đến hết ngày 31/12/2010.

Tuy nhiên, trong vụ việc này, theo ông Quyền Văn Viên thì Công ty Trường Sinh đã đề nghị gia hạn 02 lần (thời hạn trả nợ sau lần thứ 2 gia hạn là 31/12/2012) mà không thông báo cho gia đình ông là việc làm thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng.

Trên thực tế, gia đình ông Viên không được biết, không tham gia thống nhất việc gia hạn (điều này đã được Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ khẳng định tại Bản án số 01/2014/KDTM-ST ngày 09/01/2014).

Ông Quyền Văn Viên cho biết thêm, thực tế thì sau đó Công ty Trường Sinh liên tục có điều kiện trả tiền cho Ngân hàng MHB thể hiện qua các giấy nộp tiền, phiếu thu nợ trong năm 2011 với số tiền là 6.168.000.000 đồng (sáu tỷ một trăm sáu mươi tám triệu đồng). Ngoài ra, Công ty Trường Sinh còn nhiều tài sản là máy móc, thiết bị, trụ sở... có thể xử lý được để trả nợ cho ngân hàng.

Theo quy định thì khi hết thời hạn cho vay (31/12/2010) mà Công ty Trường Sinh không trả được nợ thì gia đình ông Viên phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh bằng tài sản thế chấp.

Trường hợp Ngân hàng MHB đồng ý cho Công ty Trường Sinh gia hạn và vẫn yêu cầu Công ty Trường Sinh có tài sản bảo đảm là tài sản của gia đình ông Viên thì Ngân hàng MHB và Công ty Trường Sinh phải thỏa thuận và nếu gia đình ông Viên đồng ý thì 03 bên phải có thỏa thuận bằng văn bản; giữa Ngân hàng MHB và Công ty Trường  Sinh phải thống nhất về việc sửa đổi, bổ sung Hợp đồng tín dụng.

Tuy nhiên, trong trường hợp này Ngân hàng MHB gia hạn trả nợ cho Công ty Trường Sinh nhưng không sửa đổi, bổ sung Hợp đồng tín dụng số N.C.0184.09/HĐTD là trái quy định pháp luật (Ngân hàng đã tự cơ cấu nợ trong nội bộ để giữ nhóm nợ).

“Thực tế là chỉ đến ngày 05/7/2011 thì Ngân hàng MHB mới làm việc với Công ty Trường  Sinh; 02 biên bản làm việc ngày 05/7/2011 và 31/8/2011 giữa Ngân hàng MHB và Công ty Trường Sinh đã thể hiện rõ ý chí và cam kết về việc gia hạn (xác định rõ thời hạn trả nợ), vì vậy về bản chất là 02 hợp đồng tín dụng mới, quy định thời hạn trả nợ không đúng với Hợp đồng tín dụng số N.C.0184.09/HĐTD nhưng gia đình tôi không được biết nên mặc nhiên loại trừ nghĩa vụ bảo lãnh của gia đình tôi », ông Viên bức xúc cho hay.

Quan điểm của luật sư Trần Đại Dương về Bản án số 01/2014/KDTM-ST ngày 09/01/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ trong việc xác định lỗi của gia đình ông Viên là không có căn cứ. Pháp luật quy định nghĩa vụ bảo lãnh của gia đình ông Viên chỉ đến 31/12/2010 nếu được Ngân hàng MHB thông báo về nghĩa vụ bảo lãnh khi Công ty Trường Sinh không trả được nợ;

Ở đây Ngân hàng MHB đã thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng. Hơn nữa, Tòa án căn cứ Điều 369 Bộ luật Dân sự để xác định nghĩa vụ của gia đình ông Viên là không có cơ sở, bởi vì Điều 369 quy định: “Trong trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh”, thì đến 31/12/2010 gia đình ông Viên không được thông báo, không có nghĩa vụ phải biết Công ty Trường Sinh có trả được nợ đúng hạn hay không; không có cơ sở xác định Công ty Trường Sinh không trả được nợ khi hết thời hạn 31/12/2010.

Như vậy, Bản án phúc thẩm số 01/2014/KDTM-ST ngày 09/01/2014 của TAND tỉnh Phú Thọ tuyên buộc gia đình ông Viên có nghĩa vụ trả nợ thay cho Công ty Trường Sinh là trái với quy định của pháp luật. Từ những căn cứ nêu trên, luật sư Dương nêu quan điểm, hợp đồng này có khả năng vô hiệu bởi lẽ:

 Khi bên vay và ngân hàng tự gia hạn thêm mà không thông báo hoặc trao đổi với bên thế chấp là có lỗi. Sự việc diễn ra với tính chất chuyên môn đặc thù thì mặc nhiên ngân hàng phải hiểu rõ khi gia hạn HĐTD thì phải thông báo cho bên thế chấp. Như vậy có thể hiểu ở đây có dấu hiệu của việc cấu kết, thông đồng hoặc cố tình lừa dối bên thế chấp do trình độ kiến thức họ hạn chế.

Vì vậy cằn cứ điều 127 Bộ luật Dân sự thì giao dịch dân sự này là vô hiệu do bị lừa dối.

Từ những căn cứ nêu trên, gia đình ông Viên cần kiến nghị người có thẩm quyền xem xét lại Bản án phúc thẩm số 01/2014/KDTM-ST ngày 09/01/2014 theo thủ tục giám đốc thẩm theo đúng quy định pháp luật. 

Đọc thêm