UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, đội ngũ cán bộ quản lý công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn hiện nay gồm 421 người, trong đó: Sở Tư pháp 2 người; UBND các huyện, thành thị 45 người; UBND cấp xã 374 người. Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh có 43 người làm công tác pháp chế, trong đó kiêm nhiệm thực hiện công tác PBGDPL.
Công tác kiện toàn, củng cố đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật trong những năm qua tiếp tục được quan tâm triển khai. Đến nay, tỉnh Phú Thọ có đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh là 54 người, báo cáo viên pháp luật cấp huyện là 298 người, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã là 2.132 người.
Hội đồng phối hợp PBGDPL của tỉnh bao gồm 33 thành viên; Hội đồng phối hợp PBGDPL của các huyện, thành, thị có từ 23-29 thành viên/huyện với tổng số 338 thành viên. Hầu hết các Hội đồng phối hợp cấp huyện đã ban hành Quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cho các thành viên.
Nhiều cơ quan tiếp tục phát huy vai trò và duy trì hoạt động của Ban/Tổ tuyên truyền pháp luật và đội ngũ tuyên truyền viên. Hơn 3 năm qua, các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp đã tổ chức được 37.881 cuộc tuyên truyền pháp luật cho 3.986 nghìn lượt người, phát hành miễn phí trên 4,2 triệu bản tài liệu.
Mặc dù so với những năm trước nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL của tỉnh tiếp tục được củng cố, kiện toàn cả về số và chất lượng song theo UBND tỉnh, nguồn nhân lực này vẫn còn mỏng. Đơn cử, Phòng PBGDPL của Sở Tư pháp có 2 công chức.
Tương tự, cấp huyện có Phòng Tư pháp chỉ có 2 công chức; và mới chỉ 97/277 xã, phường, thị trấn có 2 công chức tư pháp - hộ tịch. Tỉnh Phú Thọ chưa thành lập được Phòng Pháp chế ở 14 sở, ngành theo quy định của Nghị định 55 nên chưa có cán bộ chuyên trách thực hiện các nhiệm vụ pháp chế nói chung và công tác PBGDPL nói riêng.
Bên cạnh đó, Hội đồng phối hợp PBGDPL ở cấp tỉnh, cấp huyện và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật dù đã được kiện toàn thường xuyên nhưng chưa có phương thức hiệu quả, nhạy bén vì hoạt động phụ thuộc vào cơ quan thường trực.
Việc tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật chưa được tiến hành thường xuyên và chưa bài bản. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí cho công tác PBGDPL trong nhiều năm qua đã được UBND tỉnh quan tâm bố trí song chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Để công tác tuyên truyền pháp luật thực sự hiệu quả, UBND tỉnh Phú thọ đề nghị nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, phương thức hoạt động thực sự phù hợp cho Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, tránh việc thành lập, kiện toàn mang tính chất hình thức, chiếu lệ, phát huy vai trò tư vấn của Hội đồng và lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu hỗ trợ có mục tiêu đối với các chương trình, đề án trọng điểm cho các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách; thành lập Quỹ PBGDPL; kiến nghị đưa công tác PBGDPL vào Chương trình mục tiêu quốc gia.